KỶ NIỆM 15 NĂM NGÀY MẤT CỦA ĐỒNG CHÍ HỒ NGHINH (2007-2022)

Nhà lãnh đạo, nhà trí thức cách mạng tài hoa

.

Hồ Nghinh là người con ưu tú của đất Quảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa VI, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Ủy viên Ban Thường vụ Khu ủy V, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng. Hồ Nghinh đã đi xa (ông mất ngày 15-3-2007), nhưng tầm văn hóa và tính nhân văn của “một sĩ phu đất Quảng” (lời đánh giá của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Bạch Đằng) vẫn tỏa sáng trong đời sống đương đại.

Ông Hồ Nghinh (bìa phải) đón Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đà Nẵng năm 1975. (Ảnh tư liệu)
Ông Hồ Nghinh (bìa phải) đón Tổng Bí thư Lê Duẩn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đà Nẵng năm 1975. (Ảnh tư liệu)

Tầm nhìn xa, hiểu biết rộng

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, từng là thư ký của ông Hồ Nghinh trong kháng chiến chống Mỹ kể: “Một ngày cuối tháng 1-1973, ở cơ quan Đặc khu ủy (Quảng Đà), anh Nghinh và chúng tôi ngồi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát đi văn bản Hiệp định Paris. Bỗng nhiên, anh hỏi tôi: “Ông An có biết Musée Chàm không?”. Tôi nói biết rất ít về Đà Nẵng và càng biết ít hơn về Cổ viện Chàm. Anh bảo: “Khi tiếp quản Đà Nẵng, phải có kế hoạch bảo vệ Musée Chàm”. Ông An cho hay: “Chúng tôi biết từ đây đến ngày về Đà Nẵng trong hòa bình, còn bao gian nan mất mát. Chúng tôi không hình dung được công việc của những ngày ấy, nhưng chúng tôi luôn tin với những người lãnh đạo có tầm nhìn xa, có hiểu biết rộng và có tấm lòng vì sự nghiệp như anh Nghinh mọi công việc chắc sẽ tốt đẹp”.

Thực hiện lời căn dặn của ông Hồ Nghinh, sau ngày đất Quảng hoàn toàn giải phóng, trên cương vị người đứng đầu ngành Văn hóa - Thông tin tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình An đã tích cực chỉ đạo làm tốt công tác bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị đặc sắc, độc đáo của Cổ viện Chàm (Bảo tàng Điêu khắc Chăm). Hiện nay, nơi đây có trên 300 cổ vật điêu khắc trên đất nung và đất sa thạch từ thế kỷ thứ VI - XIII được sưu tập suốt dải đất miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận, được trưng bày cùng với những thuyết minh đầy đủ nhất. Đây là Bảo tàng Điêu khắc Chăm duy nhất trên thế giới.

Nằm ở vị trí thuận lợi, bên cạnh sông Hàn thơ mộng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm là địa điểm dừng chân lý tưởng của khách quốc tế và những nhà nghiên cứu lịch sử, sinh viên nghiên cứu khoa học. Cũng xin được nhắc lại rằng, chính nhờ ông Hồ Nghinh, không chỉ Musée Chàm mà cả Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An cũng được “cứu”, lưu giữ lại cho đất nước và nhân loại hai Di sản văn hóa thế giới độc đáo. Lịch sử đất Quảng mãi ghi nhớ và trân trọng nhà lãnh đạo có tầm văn hóa - Hồ Nghinh.

Bây giờ, đi ngang địa bàn xã Điện Phương, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), du khách không thể không dừng chân để thưởng thức món bê thui (bò tái) Cầu Mống nổi tiếng. Ít ai ngờ, chính ông Hồ Nghinh đã “cứu” bê thui Cầu Mống khỏi nguy cơ bị xóa sổ vào những năm 70-80 của thế kỷ trước. Theo ông Phan Văn Nghệ, “có lần nghe anh Hồ Nghinh nói ngộ mà vui rằng, trong việc cải tạo các ông đang làm, các ông đừng làm điều này: Con bò ở Quảng Nam nó làm hai việc, một là sức kéo, thứ hai là cho thịt, cải tạo nhưng vẫn có thịt bò thui, chứ không phải mất thịt bò thui. Thịt bò thui Cầu Mống rồi sau này trở thành nổi tiếng cả nước đó các ông coi!”. Lời tiên đoán của ông Hồ Nghinh về bê thui Cầu Mống hơn ba chục năm trước đã trở thành sự thật. Năm 2013, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công nhận bê thui Cầu Mống đạt kỷ lục quốc gia về món ngon Việt Nam.

Cải tạo là để phát triển

Sau năm 1975, chủ trương cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tác động không nhỏ đến đời sống kinh tế toàn dân. Trong bối cảnh ấy, khác với một số địa phương, ông Hồ Nghinh đã cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vận dụng linh hoạt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, triển khai thận trọng, có lý, có tình, làm việc gì cũng nghĩ đến đời sống và việc làm của đồng bào mình. Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nghinh từng nhắc đi nhắc lại với ông Phan Văn Nghệ, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, lúc bấy giờ là Phó Ban Cải tạo Công thương nghiệp tư bản tư doanh, Trưởng Ty Thương nghiệp: “Cải tạo là để phát triển, chứ không phải cải tạo để dẹp họ. Nhận thức cải tạo là dẹp họ, điều đó rất dễ, không cần phải tới anh”.

Khi các lãnh đạo ở Trung ương vào, thấy thành phố Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn mà hàng quán trên đường phố thì nhiều nên muốn dẹp bỏ. Hồ Nghinh không nghĩ như thế. Ông trao đổi với lãnh đạo tỉnh: Bây giờ, người ta sống trong hòa bình, tự do, dù còn đói chăng nữa, nhưng phải hiểu ăn quà sáng, tối, uống cà phê, là sinh hoạt bình thường của thị dân. Ở thành phố thì phải có những nhu cầu đó. Cho nên, không thể dẹp mà phải duy trì, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh. Mình không đủ sức làm thì dùng kinh nghiệm tổ hợp tác kinh doanh, tổ chức ngành ăn uống.

GS. Vĩnh Linh, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Đại biểu Quốc hội kể: “Hồi đó bà Thúy, chủ quán bún chả ở chỗ hai nhà lầu to, góc đường nhà anh Phan Tứ, tất cả cán bộ mình đến ăn, người ta bảo rẻ, ngon. Nhân chuyện bà Thúy giỏi bán bún cá, nhiều người muốn dẹp để mậu dịch ăn uống làm, anh Nghinh phát biểu: “Người ta có khả năng làm, người ta có tiền, người ta ăn, chớ sao buộc người ta theo mình, không ăn? Người ta có tiền người ta ăn, để mình lấy thuế mà làm chuyện khác”.

VÂN TRÌNH

;
;
.
.
.
.
.