Trong MV “Mang tiền về cho mẹ” của Đen Vâu đang gây đình đám trên mạng xã hội suốt mấy tuần qua, có những câu thể hiện khá sát nguyên lý của sự thích nghi:
“Những đứa trẻ rồi sẽ đi xa nhà
Sẽ có rất nhiều hành trình qua trong đời
Mặc dù đời có lúc chẳng được như mong đợi
Rời xa mái nhà đừng hòng còn ai nuông chiều”.
Đúng là như vậy, ở nhà thì được “ăn cơm mẹ nấu”, “mặc áo mẹ may” (Đi về nhà, Đen Vâu - JustaTee) nhưng khi xa nhà thì phải tự lập và “đừng hòng còn ai nuông chiều”. Sự khác nhau giữa một nơi thân thuộc và một chốn xa lạ, giữa một mái ấm an lành và một xã hội bên ngoài bất trắc. Hay nói rộng ra, sống trong một thế giới bình yên, không chiến tranh và dịch bệnh thì con người dễ cảm thấy an nhiên, tự tại; còn khi những thách thức an ninh phi truyền thống trỗi lên, như đại dịch Covid-19 hoành hành 2 năm nay, thì nhất định con người phải thay đổi cách sống. Họ phải sống khác đi, ít giao du hơn, chi tiêu thắt chặt, bớt thụ hưởng, tuân thủ nghiêm quy định của nhà chức trách - điều này trước đây thường không dễ làm với tất cả mọi công dân; nhưng nay thì khác, hoặc là chấp hành hoặc là… nhập viện - chọn đi (!!!).
Ở tuyệt đại đa số tỉnh, thành tại Việt Nam, người dân đã sớm làm quen với lối sống mới, cụ thể hơn là “sống chung với dịch bệnh” từ sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/2021/NQ-CP về Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, vào ngày 11-10-2021. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất… cũng thay đổi chiến lược, kế hoạch, phương thức làm ăn. Người lao động đến và rời nhà máy cũng với tâm thế khác, biết nhìn trước ngó sau cẩn thận hơn. Đặc biệt, từng gia đình “nhờ” Covid-19 mà ở nhà đầy đủ và lâu nên có thời gian quan tâm, chăm sóc nhau nhiều hơn, bữa cơm gia đình trở nên sum vầy hơn hẳn. Và, cũng từ cái ngày xác định phải “sống chung” thì chiếc khẩu trang trở thành người bạn đồng hành chung thủy! Con cái, hay vợ hoặc chồng rời khỏi nhà mà chưa kịp “5K” ắt sẽ được nhắc câu này đầu tiên: “Đeo khẩu trang vô!”.
Sự thay đổi để thích ứng thể hiện khá rõ, dễ thấy. Còn một sự thay đổi đáng quý nữa, được ẩn tàng dưới nhiều dạng thức thể hiện, đôi khi không thấy được, đó là sự chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau.
Tôi có nhiều bạn bè là doanh nhân, trong đó có anh bạn làm tổng giám đốc một công ty chế biến - xuất nhập khẩu thủy sản. Công ty anh có trên ngàn công nhân, đơn hàng luôn dày đặc, nhờ vậy đời sống người lao động rất khá. Dịch giã tràn qua, mọi thứ đóng băng, mấy dây chuyền nhà máy mạng nhện bám suốt 3 tháng. Được vận động sản xuất “3 tại chỗ”, dẫu biết chi phí sẽ cực lớn và chưa chắc thành công, song anh vẫn làm, vì “đằng sau công ty là nồi cơm của hàng ngàn con người”. Níu kéo được hơn tháng, số công nhân trở thành F0 ngày càng đông do “3 cùng” (làm, ăn, nghỉ chung tại chỗ) và chi phí test nhanh quá lớn, trong khi đối tác nước ngoài khất nợ cũng do bị Covid-19, đang sắp “bứt” thì thật may, Nghị quyết số 128/2021/NQ-CP ra đời, quy định về các hoạt động sản xuất - kinh doanh được nới lỏng nên công ty thoát “chết”. Hai tháng qua, công ty anh đã gần như lấy lại phong độ. Anh kể vừa rồi tổ chức hội nghị người lao động, khi được hỏi nguyện vọng về lương - thưởng dịp Tết Nhâm Dần, nhiều công nhân đề nghị được giữ mức thu nhập hiện hành, chưa cần tăng, còn phúc lợi thì để dành “phòng thủ” cho năm sau, bởi vì công ty chưa hết khó khăn và trong thời gian dịch vừa rồi đã cưu mang họ nhiều. “Nghe anh em tỏ lòng như thế, tôi cảm động ứa nước mắt…”, anh kể.
Rõ ràng “bầu bí thương nhau” là truyền thống tốt đẹp lâu đời của người Việt. Trong hoàn cảnh bình thường, tình cảm ấy không phải lúc nào cũng hiển lộ mà chôn giấu ở tầng vỉa sâu xa nào đấy, đến lúc gian nan và khăn khó, nó sẽ bật lên một cách đủ đầy. “Trong gian khó mới tỏ lòng nhau”, là vậy. Đại dịch Covid-19 đã chứng kiến tình nhân ái, nghĩa đồng bào của con dân Việt Nam sâu sắc đến mức nào.
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sẽ là một cái “Tết khác”, cái Tết đầu tiên phải “sống chung với kẻ thù vô hình” nên niềm vui chắc sẽ không thật trọn vẹn. Nhưng cũng chẳng sao, đã quen với cách sống mới rồi, hẵng tin những ngày đáng buồn sẽ qua mau.
“Hết mưa là nắng hửng lên thôi”…
DƯƠNG QUANG