Cái thời mẹ đi chợ ướm cho bộ quần xanh áo trắng về mặc Tết, dặn giữ cho mới để mai mốt còn mặc đi học nữa, cái cảm giác được sờ, ngửi mùi quần áo mới năm đó mãi về sau tôi chưa được nếm trải thêm lần nào.
Phơi kiệu hương để làm món ăn dịp Tết đến Xuân về. Ảnh: PHÚC AN |
1. Năm 1999, lụt lớn, mẹ vừa sinh bé út, dắt tôi chạy tháo chạy rượt ra khỏi nhà trong đêm, bé út khóc vang át cả tiếng mưa. Đến Tết, mẹ vừa dỗ bé út, vừa kể chuyện đón xuân ngoài Hà Nội - là nơi tôi biết duy nhất ngoài Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh lúc đó, rằng ngoài ấy hoa đào nở khắp phố phường như hoa mai nở rộ đất trời phương Nam.
Đêm 30, tôi đi cùng ba mẹ sang nhà nội làm bánh tét, bánh in, háo hức đón năm mới mà không chịu ngủ. Mùi bột nếp làm bánh in thơm phức. Ba cứ nhào, nặn bột rồi cho vào khuôn, mấy đứa nhỏ chúng tôi lăng xăng đem ra cái nia to hơn sải tay bày giữa nhà. Bánh in đổ ra khuôn có đủ hình dạng, tròn, vuông, to, nhỏ và đủ hình thù, từ chiếc lá, bông hoa, đến trái tim, con cá, con chim... Tất cả được sấy trên bếp than, đợi đến lúc khô cứng lại là cho vào thùng chờ... Tết.
Sáng mồng 1, quần áo mới được cắt khuy, bắt đầu “diện” Tết. Tôi có cảm giác đó là Tết của tôi, của chung những đứa con nít trong xóm. Con nít chỉ mong tới Tết để được lì xì, được mặc quần áo mới. Cái thời mẹ đi chợ ướm cho bộ quần xanh áo trắng về mặc Tết, dặn giữ cho mới để mai mốt còn mặc đi học nữa, cái cảm giác được sờ, ngửi mùi quần áo mới năm đó mãi về sau tôi chưa được nếm trải thêm lần nào.
2. Ngoài bánh in, các loại bánh tét, bánh chưng chẳng hề thiếu. Tết mươi năm trước, nhà nào ở quê cũng mần nồi bánh tét to được nấu trong thùng phuy. Phải chọn giống nếp đắng quê nhà Hòa Liên. Còn nhân thì phải đậu xanh, đậu đen đem ngâm qua đêm mới cho bánh ngon. Khoái nhất là nhân đậu còn dư ra, nội mấy cũng cho tôi. Phần thì ăn, phần thì xin nội làm cái bánh cho riêng mình với nhân đậu nhiều nhất. Nội thương, thắt thêm sợi dây bên ngoài kẻo lộn với bánh khác, ai mà lỡ lấy nhầm là tôi dỗi nguyên ngày.
Còn nói về mứt thì tôi bỗng dưng thèm vị mứt ngày đó. Ui chao, đủ màu! Tôi không biết gọi tên nó là mứt gì, nhưng thích nhất cái nhân tròn tròn trong mỗi gói mứt, chỉ đợi mẹ đưa khách về xong là tranh thủ... nhón ngay. Còn quá nhiều món ăn khác trong ngày Tết, chúng dần trở nên đơn giản quá, hoặc quen thuộc quá mà theo dòng thời gian thì tôi chẳng thể nào nhớ nổi.
Tết nay dần thiếu vắng nồi bánh tét, bánh chưng, thiếu hương vị bánh in hong trên bếp than hồng. Cuộc sống hiện đại cho con người nhiều thứ nhưng lại lấy đi thứ giản đơn, ngọt ngào của Tết xưa. Tôi luôn ao ước được một lần ăn lại cái bánh in ngày đó, khuấy bột bánh với đường ăn sặc sụa như đứa trẻ...
3. Tết nay đường phố thênh thang, đầy những cờ đèn, bảng trang trí. Những con đường hoa làm nên điểm nhấn một góc trời. Những cửa hàng tiện lợi đầy đủ các loại bánh trái, từ trong nước đến ngoại nhập. Những cửa hàng thời trang đa màu sắc tấp nập người… Tất cả phản ánh chân thực, sinh động về Tết hiện đại.
Giữa điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới trong sự vận chuyển trường tồn của trời đất, con người luôn cầu mong Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa. Và trên tất cả là sự đoàn viên của mọi gia đình giữa giờ phút thiêng liêng giao hòa cũ - mới đó.
“Dù ai buôn bán nơi đâu. Nhớ ngày Tết đến rủ nhau mà về”. Tết Nguyên đán là khoảnh khắc thiêng liêng, mang lại cảm giác hạnh phúc của sự sum vầy. Vì thế, mọi người hãy tạm gác công việc để về quê thăm gia đình, ăn cái Tết sum họp, quây quần sau khoảng thời gian dài xa cách vì mưu sinh. Tết xưa hay Tết nay đều có cùng điểm chung, đó là gửi cho nhau những lời chúc chân thành, tốt đẹp nhất trong ngày đầu năm mới...
VÕ THỊ NHƯ Ý