Sơn Trà - ngọn núi phía đông bắc của thành phố - hàng triệu năm qua đứng đó với biến thiên của thời gian và lịch sử, để trấn yên vịnh biển và mở ra cơ hội cho Đà Nẵng phát triển, hội nhập cùng thế giới.
Núi Sơn Trà vẫn sừng sững ở cửa vịnh Đà Nẵng, để luôn là một biểu tượng thiên nhiên tươi đẹp, một “thềm xuân” cho thành phố biển hội nhập năng động và mạnh mẽ. Ảnh: ĐỨC HOÀNG |
1. Khi Đà Nẵng còn thuộc vùng Amaravati của Vương quốc Champa, Sơn Trà với hình dáng tự nhiên đã hình thành từ rất lâu trước đó, nhưng thư tịch và bia ký của Champa về hòn đảo này không còn hoặc đến nay chưa được khai thác. Trong khi đó, theo nghiên cứu của Geoff Wade về thương mại sớm Đông Nam Á, giai đoạn 900-1300 SCN, sự thống nhất của Trung Hoa dưới triều đại nhà Tống (từ năm 960 SCN) và các chính sách thực thi sau đó của các vương triều Tống đã có tác động đến hải thương châu Á.
Trên cơ sở đó, nhà nghiên cứu Đỗ Trường Giang (Viện Nghiên cứu kinh thành - Hà Nội) cho rằng: “Trong suốt kỷ nguyên thương mại sớm ở Đông Nam Á, Hội An và hệ thống các thương cảng vùng Amaravati (bao gồm cả thương cảng vùng cửa sông Hàn - Đà Nẵng, bến cảng trên Cù Lao Chàm và đảo Lý Sơn, cảng Cổ Lũy vùng cửa sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi) đã dự nhập một cách tích cực vào mạng lưới giao thương biển của khu vực, và được ghi nhận như là những điểm đến thường xuyên của các đoàn thuyền buôn và thương nhân Trung Quốc, Arab và Đông Nam Á” (Hội An - Champa trong kỷ nguyên thương mại sớm của Đông Nam Á 900-1300).
Thương mại sớm đó cũng kéo theo sự can dự của tôn giáo, văn hóa… đến xứ sở này thông qua cửa biển Đà Nẵng. Hòa thượng Thích Đại Sán người Trung Hoa, trên hành trình qua Đàng Trong để giảng dạy Phật pháp theo lời mời của Chúa Nguyễn Phúc Chu, khi vào Đà Nẵng để đến Hội An trở về nước vào ngày 7-8-1695, đã ghi rành rành trong Hải ngoại kỷ sự: “Chợp ngủ chừng nửa giờ, đã thấy phương Đông sáng bạch. Khoác áo choàng ngồi dậy, thấy sóng yên nước lặng, té ra thuyền đã vào vũng, ở trong vòng núi bao quanh. Dọc bờ biển đá lèn lởm chởm, trên cây vượn trắng nhảy nhót từng bầy, trái đồi hoa núi xanh đỏ sum suê. Xa trông cách bờ, cột buồm như rừng tên xúm xít, hỏi ra mới biết đó là đoàn thuyền chở lương đậu chờ gió tại cửa Hội An vậy”.
Nhà nghiên cứu Võ Văn Dật trong Lịch sử Đà Nẵng, 1306-1975 phân tích và khẳng định đây là Sơn Trà: “Đoạn này cho biết thuyền chở nhà sư đã vào vịnh Đà Nẵng và đang bỏ neo phía hữu ngạn, gần núi Sơn Trà, nơi có giống khỉ độc đáo nâu vá trắng mà dân địa phương gọi là con vá quàng. Câu cuối, chữ “tại” trong “chờ gió tại cửa Hội An” rất là vô nghĩa (…) Đà Nẵng và Hội An cách nhau hơn 30km, làm sao đứng ở Đà Nẵng mà thấy thuyền đậu ở Hội An? Có lẽ lỗi ở ấn công, do đó “chờ gió lại cửa Hội An” nghe có nghĩa hơn…”. Qua đó cũng cho thấy vịnh Đà Nẵng bên núi Sơn Trà ngày ấy đã tấp nập thuyền buồm với “cột buồm như rừng tên xúm xít”.
Không chỉ với người Trung Hoa hay châu Á, mà người phương Tây cũng sớm nhìn ra tiềm năng một Đà Nẵng phát triển thương cảng nhờ vịnh biển nước sâu và núi Sơn Trà án ngữ, thuận lợi cho thương thuyền cỡ lớn, để dần thay thế cho cửa Đại Chiêm. Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Dật, “đối với Tây phương, tìm ra Đà Nẵng trước tiên là người Bồ, đến buôn bán ở Đàng Trong trước hết cũng là người Bồ, khoảng từ năm 1540 trở đi”.
Vì sử dụng thuyền buồm để giao thương, nên “hằng năm, theo mùa gió thuận, họ (người Bồ Đào Nha) từ Macau giong buồm đến Đà Nẵng - Hội An, mang theo hàng hóa để trao đổi với Đàng Trong. Sự lui tới của họ có tính thường xuyên nên từ 1595 người ta đã thấy sự có mặt của các tuyên úy nước Bồ tại Đà Nẵng để săn sóc phần hồn cho các thủy thủ” (Lịch sử Đà Nẵng, 1306-1975). Nếu không có núi Sơn Trà án ngữ phía đông để sóng êm biển lặng, thì những thương nhân người Bồ liệu có thả neo ở vịnh Đà Nẵng hay không?
Theo sau người Bồ Đào Nha, người Anh, Hà Lan, Pháp… đến Đà Nẵng để giao thương bằng đường biển, mà ở đó, núi Sơn Trà là một ưu thế không dễ có ở Đàng Trong thời bấy giờ. Người phương Tây - cụ thể là liên quân Pháp - Tây Ban Nha, nảy sinh ý đồ xâm lược Việt Nam, cũng khởi đi từ vịnh Đà Nẵng…
2. Với vị trí địa lý và hình thế đặc biệt, trong công cuộc chinh phạt mở rộng bờ cõi về phương Nam của Đại Việt, Sơn Trà với vịnh Đà Nẵng là một “điểm đến” trong hành trình. Trong sách Ô Châu cận lục của tác giả Dương Văn An viết năm 1553, khi đề cập sự việc Phi vận tướng quân Nguyễn Phục bị xử oan tội chết khi vận chuyển lương thực lúc cùng vua Lê Thánh Tông đi bình Chiêm (1470-1471), có nêu tên “cửa bể Đà Nẵng”: “Đền ở cửa bể Tư Khách huyện Tư Vinh, còn một đền nữa ở cửa bể Đà Nẵng tỉnh Quảng Nam”. Cụ thể hơn, theo nhà nghiên cứu Lê Duy Anh, người dân lập một miếu thờ Nguyễn Phục tại bãi Nam (Sơn Trà) - nơi ông bị bắt để xử tội.
Trong khi đó, Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn nêu rõ: “Cảnh Hưng năm Giáp Ngọ 1774, quân nhà vua đánh được Thuận Hóa, dẹp yên Quảng Nam, binh đến Châu Ổ huyện Bình Sơn, Phác Trung hầu Đinh Văn Phục đốc suất việc vận tải đường biển, khai đại lược hành trình (từ cửa Đại An xứ Sơn Nam)... Từ cửa này (cửa Thai Dương) đến cửa Tư Dung 3 canh, tục gọi là cửa Mù U; lại hai canh đến cửa Đà Nẵng, tục gọi là cửa Hàn (cửa này bờ hữu là bãi cát, bờ tả là núi đá), cộng một ngày đỗ lại...”. “Bờ tả là núi đá” - phải chăng là núi Sơn Trà, án ngữ vịnh Đà Nẵng? Bởi, sau đó, Lê Quý Đôn nói rõ hơn: “Phía ngoài các cửa biển xứ Thuận Hóa, Quảng Nam đều có núi đá nổi lên ở trong biển để che chắn, rộng hẹp không giống nhau... Phủ Điện Bàn, ở ngoài cửa biển Đà Nẵng, có núi gọi là Hòn Trà, Hòn Lỗ, ra biển nửa canh thì đến...”.
Đến đây, thì xác định rõ Hòn Trà chính là Sơn Trà, hay thư tịch cổ thường đề cập là Trà Sơn. Các tài liệu cổ cho rằng, Sơn Trà gồm 3 hòn đảo nhỏ, do biến thiên địa lý, sau nhập vào đất liền thành bán đảo. Theo Đại Nam nhất thống chí, Trà Sơn “Phía đông liền biển, phía đông nam có một hòn núi tiếp liền trông xa như hình sư tử, tục gọi là hòn Nghê (…) Phía tây có hòn Mỏ Diều (…), phía bắc là núi Cổ Ngựa, đối nhau với hòn Ngự Hải đứng sững ở cửa biển”.
Cũng vì vị trí đặc biệt của vịnh Đà Nẵng và núi Sơn Trà,“ngay từ khi mới lên ngôi năm 1802, vua Gia Long đã cho đặt hệ thống kiểm soát và phòng thủ tại cửa biển này. Cơ sở đầu tiên được thực hiện là Thủ sở đặt ở hữu ngạn sông Hàn, có quân đồn trú, có trấn chỉ huy” (PGS.TS Ngô Văn Minh- Biển đảo, máu thịt quốc gia, không gian sinh tồn của dân tộc). Rồi khi cử Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Tri Phương vào làm Tuần phủ Nam Ngãi, trực tiếp trông coi việc phòng thủ Đà Nẵng, vua Minh Mệnh căn dặn: “Cửa bể Đà Nẵng là chỗ xung yếu ở vùng bể, vì thuyền bè đi lại là phải qua cửa bể ấy.
Người có chức trách về địa phương ấy nên thân hành xem kỹ hai đồn An Hải, Điện Hải và pháo đài Phòng Hải, mà đem tâm tu chỉnh, thời bọn giặc muốn dòm nom cũng không thể thừa được sơ hở của ta, đó là kế hoạch lớn, ràng rịt cửa tổ ngay từ lúc chưa mưa, để giữ vững bờ cõi của mình” (Quốc sử quán triều Nguyễn - Minh Mệnh chính yếu). Vâng mệnh vua, đến Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương cho xây dựng thêm pháo đài Phòng Hải trên núi Mỏ Diều - một phần của núi Sơn Trà, để quan sát mặt biển được dễ dàng hơn. Đời vua Thiệu Trị cho xây dựng hệ thống phòng thủ “Trấn Dương thất bảo đài” gồm 7 pháo đài, trong đó 4 bảo đều nằm ở núi Sơn Trà (gồm mũi Mỏ Diều, đảo Cô và chân núi Sơn Trà); đến thời Tự Đức cho xây thêm đồn Trấn Dương trên chóp núi Sơn Trà…
3. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, kéo dài từ năm 1858-1975, núi Sơn Trà như một chứng nhân lịch sử. Đến khi đất nước thống nhất, Sơn Trà trở lại vai trò trấn giữ cho một cảng biển Đà Nẵng phát triển mạnh mẽ.
Qua biến thiên địa lý và lịch sử, núi Sơn Trà vẫn sừng sững ở cửa vịnh Đà Nẵng, để luôn là một biểu tượng thiên nhiên tươi đẹp, một “thềm xuân” cho thành phố biển hội nhập năng động và mạnh mẽ trong một kỷ nguyên mới!
NGUYỄN THÀNH