Tết về săn cá niên

.

Cuối đông, đầu xuân, khi thời tiết ấm dần lên, các con suối đầu nguồn dòng Cu Đê chuyển sang màu trong xanh cũng là lúc người Cơ tu ở hai thôn Tà Lang - Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) bắt đầu hành trình săn cá niên.

Hai anh Trần Văn Trường và Bùi Hoài Vũ chuẩn bị dụng cụ săn cá niên. Ảnh: THANH TÌNH
Hai anh Trần Văn Trường và Bùi Hoài Vũ chuẩn bị dụng cụ săn cá niên. Ảnh: THANH TÌNH

Theo các thợ săn, cá niên chỉ có ở những nơi đầu nguồn nước chảy xiết, sống trong các hốc đá. Vào đầu mùa xuân, cá niên mẹ đẻ trứng, trứng nở ra cá con và theo dòng nước xuôi về các sông, suối, trở thành món ăn đặc trưng với người dân, du khách miền xuôi mỗi khi đến với vùng núi này.

Học cách săn cá

Trước đây, ở Tà Lang và Giàn Bí, bà con đồng bào Cơ tu thường săn cá niên bằng nỏ, xiên, chĩa, hoặc câu (các phương thức đánh bắt thủ công, thô sơ nhưng giữ được số lượng đàn cá) bởi cá niên thường chạy vào hang hốc, khe đá rất khó bắt.

Ngày nay, người Cơ tu thường bắt cá bằng “súng” được làm từ một khúc cây cứng dài cỡ một cánh tay. “Đạn” cho “súng” bắn cá niên là một cây sắt dài, nhỏ, được đẩy bởi lò xo ép theo nguyên tắc bắn cung. Trước mũi tên thường mài nhọn để khi bắn ra đầu nhọn này đâm xuyên qua thân cá dễ dàng. Để bắt được cá niên, mỗi chuyến đi, người thợ săn phải vượt hàng chục cây số bằng đường rừng, sông suối đá trơn trượt, lởm chởm.

Anh Trần Văn Trường (34 tuổi) và anh Bùi Hoài Vũ (31 tuổi), người đồng bào Cơ tu thôn Giàn Bí, có nghề săn cá niên từ nhỏ. Với làn da rám nắng, ánh mắt lanh lợi, hai anh cầm dụng cụ đánh bắt cá niên trên tay nói: “Giờ hai chúng tôi sẽ trình diễn để mọi người xem cách thức đánh bắt cá niên. Nói rồi, men theo bờ suối, Trường và Vũ mang kính lặn lội xuống. Trường chỉnh lại “súng”, từ từ ngụp mặt xuống suối, bơi về phía thác nước. Không hổ danh là tay săn cá niên có tiếng, Trường một tay giữ “súng”, một tay bám vào vách đá để dò cá. Hễ phát hiện có cá, Trường nhanh tay bắn, mũi tên bay ra ghim vào thân cá. “Cá niên thường có ở những dòng nước chảy xiết, nếu mình không lấy tay bám vào đá thì có thể bị trôi theo dòng nước nên hầu hết chúng tôi đều phải học cách bắn “súng” bằng một tay”, Trường giải thích.

Cũng theo Trường và Vũ, thời gian trước, các thợ săn cá niên thường chỉ đi săn chừng một buổi đến một ngày và đi rất gần là đủ cá. Nay do nhiều người dùng điện đánh bắt nên cá niên giảm dần và lui vào sống sâu trong suối ở các cánh rừng già, thợ săn muốn săn được cá phải “cơm đùm, gạo bới” lặn lội đi bộ hơn chục cây số mới vào đến chỗ săn, có chuyến đi đến hai ngày.

Anh Vũ kể: “Có lần tôi và Trường đi săn cá từ sáng sớm nhưng khi về nhà đã hơn 12 giờ đêm. Hành trang đi săn của chúng tôi chỉ có “súng” bắn cá, túi đựng và một cái nồi nhỏ, ít muối, ớt và chanh để nấu ăn ngay tại rừng. May lần đó chúng tôi bắn được kha khá cá và con nào con nấy nặng hơn 0,5 kg nên ai cũng vui mừng, quên hết đôi chân đang rướm máu, mỏi nhừ vì đi bộ hàng chục cây số”. Sau một ngày săn cá mệt lử, Trường và Vũ thường nghỉ một ngày lấy lại sức mới đi tiếp. “Tụi tôi đi hoài cũng quen, chân tay trở nên chai sần, người đẫm nước liên tục nhưng không hề hấn gì”, anh Trường bộc bạch.

Những ngày này, Hòa Bắc không còn mưa nhiều, con suối chảy qua địa phận hai thôn Tà Lang và Giàn Bí trở nên trong xanh hơn, nước ấm hơn, thợ săn cá niên vì thế hồ hởi rủ nhau săn bắt. Tuy vậy, cũng theo Trường và Vũ, săn cá niên là “hên xui”, có ngày đi không được con nào nhưng có ngày đi được cả chục ký là chuyện bình thường. Để có cá đánh bắt thường xuyên, hai anh cũng tiên phong trong việc săn bắt cá theo phương thức truyền thống, săn bắt có chọn lọc để bảo tồn cá niên. “Chúng tôi thường tránh mùa sinh sản và chỉ bắt cá khi đã đủ trọng lượng cho phép (từ 0,3 - 0,5 kg). Đây cũng là cách giúp bảo tồn loại cá quý hiếm này”, Vũ thổ lộ.

Bảo tồn món ngon của rừng núi

Người dân miền xuôi hay du khách đến với Tà Lang, Giàn Bí vào những ngày cúng tất niên hay giỗ chạp sẽ thấy trên mâm cơm của bà con thường không thiếu món cá niên nướng than củi. Nếu chưa từng ăn qua cá niên, du khách sẽ cảm thấy hơi khó ăn do ruột cá đắng, nhẫn nhẫn, nhưng chỉ cần ăn vài lần thì sẽ bị “nghiện”.

Cá niên thường được người dân chế biến đơn giản bằng cách rửa sạch, kẹp cá vào vỉ và nướng trên bếp than hồng. Nếu có thời gian, bà con thường làm gỏi cá niên để đổi vị. Và dù nướng hay làm gỏi, cá niên luôn ăn kèm với nhiều loại rau rừng như rau dớn, rau tàu bay, lộc vừng... Với quan niệm cá niên là cá “tân niên” nên cứ năm mới, trên mâm cỗ Tết của đồng bào miền núi thường có cá niên để thờ cúng ông bà, tổ tiên.

Món cá niên luôn có trong thực đơn đãi khách miền xuôi của người dân Hòa Bắc. Ảnh: THANH TÌNH
Món cá niên luôn có trong thực đơn đãi khách miền xuôi của người dân Hòa Bắc. Ảnh: THANH TÌNH

Chính vì loại cá đặc trưng và chỉ có ở miền núi nên tháng 11-2021 vừa qua, UBND xã Hòa Bắc đã thành lập tổ “Bảo tồn và khai thác bền vững cá niên thôn Tà Lang, Giàn Bí” gồm 30 thành viên là người dân tham gia.

Ông Phan Văn Thu, Tổ trưởng tổ “Bảo tồn và khai thác bền vững cá niên thôn Tà Lang, Giàn Bí” cho biết: “Trước thực trạng cá niên có nguy cơ bị hủy diệt bởi những người khai thác, đánh bắt bằng xung điện, lưới dày nên chúng tôi cho ra đời tổ này để bảo tồn loại cá quý này. Từ khi thành lập, tổ thống nhất được các quy định về đánh bắt như phương tiện, kích thước cá được săn, thời gian, mùa săn, số lượng bắt trong ngày, chia nhóm, đội... để cùng săn bắt cá niên phù hợp. Nhờ có tổ, chúng tôi không chỉ bảo tồn được cá niên mà còn phát huy được nét văn hóa đánh bắt truyền thống của người Cơ tu là bằng nỏ/cung dưới sông, suối”.

Hòa Bắc là xã miền núi của Đà Nẵng, cách trung tâm thành phố khoảng 40km về phía tây bắc. Người dân xã này sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp như lúa, bắp, mía và gắn bó với rừng, sông, suối đầu nguồn lưu vực dòng Cu Đê. Bao đời nay, chính núi rừng, con suối, dòng sông ấy đã nuôi sống họ, bồi đắp tình yêu và tạo ra những nét văn hóa đặc trưng cho người dân nơi đây. Ngồi trên bãi đá ngắm nhìn những thợ săn cá niên săn bắt cá, bên trên thác nước tuôn bọt trắng xóa, trong lành, mát rượi, ngọt ngào cứ như thể chính con người đồng bào Tà Lang, Giàn Bí vậy.

Chúng tôi rời Hòa Bắc khi trời nhá nhem tối. Men theo con đường làng, được sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm được đường rẽ lên đường cao tốc La Sơn - Túy Loan để về phố. Bên tai, lời nói của Tổ trưởng tổ “Bảo tồn và khai thác bền vững cá niên thôn Tà Lang, Giàn Bí” Phan Văn Thu chắc như đinh đóng cột: “Làm gì thì làm chúng tôi cũng quyết tâm bảo tồn, giữ vững loài cá niên trên dòng sông này thì người dân thành phố còn có cái để nhớ, để thương, để chung tay hỗ trợ đồng bào chúng tôi”.

Chiếc ô-tô lao đi khi màn đêm buông xuống hẳn, sau lưng hình ảnh những người Cơ tu mộc mạc, bình dị, hào sảng, chân chất vẫn vẫy tay chào với lời hứa hẹn “Tết này nhất định nhà báo phải lên lại với bà con Tà Lang, Giàn Bí nghe không?”...

Ngoài săn cá niên, anh Trần Văn Trường và anh Bùi Hoài Vũ, người đồng bào Cơ tu thôn Giàn Bí, còn nhận hướng dẫn những đoàn khách từ dưới xuôi có đam mê phượt, khám phá lên thăm. Lúc đó, ngoài là thợ săn cá niên, hai anh là hướng dẫn viên địa phương hướng dẫn người dân, du khách đến các điểm đẹp, hoang sơ của Hòa Bắc như: Khe Mun, sông Nam, sông Bắc, thác Cối Tiên (hay còn gọi là Hồ Ba Tầng), khu Vũng Bột…

Sau khi trekking (đi bộ đường dài/ đi bộ trên nhiều địa hình), Trường và Vũ trổ tài săn cá niên, nướng, để người dân và du khách thưởng thức cá niên tại chỗ. “Sau khi đón khách, chúng tôi giới thiệu về bản làng và những người bạn đi cùng. Trên đường đi, tôi chỉ dẫn tận tình cho du khách biết từng con suối, thác nước, loại cây, con vật…, hay kể những câu chuyện chỉ có ở Hòa Bắc.

Nhiều du khách, người dân sau chuyến đi đều trầm trồ rằng hóa ra Hòa Bắc có những điểm đến đẹp và thú vị mà lâu nay họ chưa từng biết đến. Đây cũng là cách mà tôi đang chung tay giới thiệu, quảng bá những điểm đến mới của Hòa Bắc đến người dân và du khách gần xa”, anh Vũ bộc bạch.

THANH TÌNH

;
;
.
.
.
.