Những ngày này, hương vị Tết từ các lò bánh, mứt, làng nghề, cơ sở sản xuất phảng phất khắp nơi. Sản phẩm hàng hóa đặc trưng của địa phương được các chủ cơ sở, cửa hàng chọn bày bán và đẩy mạnh quảng bá nhiều hơn với mong muốn đưa các sản phẩm đặc trưng, có thương hiệu đến gần hơn người tiêu dùng.
Quản lý Cơ sở Sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ Huỳnh Đức Sol giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Ảnh: THANH TÌNH |
Các sản phẩm đặc trưng gồm: nước mắm Nam Ô, bánh khô mè Cẩm Lệ, các loại chả mực, chả cá thu Bắc Đẩu, bánh tráng Túy Loan, rượu Phong Lệ… “Hữu xạ tự nhiên hương” - sự tin dùng của khách hàng cùng sự nỗ lực của các chủ cơ sở sản xuất kinh doanh, những sản phẩm này từng ngày khẳng định và nâng tầm thương hiệu.
Lưu giữ hương vị Tết xưa
Tại cửa hàng trưng bày và bán các sản phẩm đặc sản của Công ty TNHH Bắc Đẩu (số 7 Nguyễn Thái Học, quận Hải Châu) vào một ngày giữa tháng Chạp, lượng khách hàng khá đông, đa phần họ chọn các sản phẩm như chả mực, chả cá thu, các loại cá khô tẩm ướp gia vị để làm quà Tết…
Chị Nguyễn Thị Hồng Thu, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Bắc Đẩu cho hay: “Khi cửa hàng hình thành, tôi mong muốn tạo được nơi tập hợp các hàng hóa đặc sản, chất lượng không chỉ của Đà Nẵng mà còn của các vùng miền trong cả nước để người dân tin dùng. Điều đáng mừng là người dân dần có xu hướng quay về các sản phẩm nông, lâm, thủy sản đặc trưng của địa phương; các cơ sở sản xuất vì thế ngày càng nâng cao chất lượng, trau chuốt mẫu mã, hình ảnh. Chúng tôi cũng thiết kế các gói quà Tết tinh xảo, đầy đủ các loại để phục vụ khách hàng”.
Tại cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (200/1 Ông Ích Đường, quận Cẩm Lệ) những ngày này rộn ràng, tất bật sản xuất bánh phục vụ Tết. Mùi hương của bột gạo, mè rang, nước đường, gừng từ khu sản xuất thơm ngào ngạt. Anh Huỳnh Đức Sol, người quản lý cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ cho hay: “Để chuẩn bị Tết, chúng tôi tăng hàng hóa lên khoảng 120.000 - 150.000 sản phẩm. Ngoài bán trực tiếp, chúng tôi đẩy mạnh bán hàng và quảng bá qua website, fanpage, giao hàng tận nơi…”.
Trong căn phòng nhỏ, các loại bánh đặc trưng được trưng bày đa dạng như: bánh khô mè trắng, khô mè đen, bánh khô nổ, bánh gạo lứt mè trắng, gạo lứt mè đen, bánh bột mì mè đen, bột mì mè trắng… Ngoài cơ sở chính tại 200/1 Ông Ích Đường, Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ còn được bán tại nhiều siêu thị, cửa hàng. Mỗi tháng, cơ sở Bánh khô mè Bà Liễu Mẹ tạo việc làm cho 15-20 lao động với thu nhập khoảng 6 triệu đồng.
Anh Sol bộc bạch: “Bánh khô mè của gia đình đã trải qua nhiều đời. Tôi còn nhớ bà nội kể, xuất phát từ việc ông cố tổ đi thi, bà cố tổ thương ông nghĩ ra việc làm một loại bánh gì đó để ông mang đi đường ăn cho ấm bụng. Sẵn có gạo, đường, gừng, mè, bà cố tổ làm bánh và gói vào trong lá khô để ông mang theo. Lúc ra điểm thi, ông cố tổ mời các quan và người đi thi, ai ăn cũng khen tấm tắc. Từ đó, bà cố tổ làm nhiều hơn, người dân trong làng thấy bánh ngon, dễ làm, nguyên liệu sẵn nên các ngày giỗ, lễ, Tết, nhà nào cũng đỏ lửa làm bánh khô mè, trước dâng lên ông bà tổ tiên, sau để con cháu ăn”.
Với bề dày lịch sử của chiếc bánh khô mè, khi tiếp quản, anh Sol luôn tâm niệm phải “làm bánh bằng tâm” và không quên lời dặn dò của bà nội: “Muốn bánh ngon, người làm cần cẩn trọng trong khâu chọn nguyên liệu đến các quy trình làm bánh sao cho bánh vừa ngon, vừa bảo đảm vệ sinh, vừa tốt cho sức khỏe người tiêu dùng”.
Tại cơ sở sản xuất nước mắm Hương Làng Cổ (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), anh Bùi Thanh Phú - chủ thương hiệu bày tỏ: “Thời ông bà cố của tôi từng làm nước mắm và có thương hiệu hẳn hoi nhưng sau này bị mai một. Là người sống trên quê hương nước mắm, tôi luôn trăn trở làm sao gầy dựng lại nghề truyền thống và tạo được việc làm, nâng cao kinh tế cho bà con nên đã nỗ lực khôi phục và xây dựng thương hiệu sản phẩm”.
Hiện làng nước mắm Nam Ô có khoảng hơn 200 hộ dân làm nước mắm, trong đó có khoảng 10 hộ dân làm ra sản lượng lớn. Để chuẩn bị Tết Nguyên đán, anh Phú dự trữ khoảng 7.000 lít nước mắm. Các sản phẩm nước mắm của Hương Làng Cổ đang được bán tại siêu thị BigC và hơn 50 cửa hàng trên địa bàn.
Đưa giá trị sản phẩm thăng hoa
Một sản phẩm đặc trưng của địa phương chỉ ngon thôi chưa đủ, mà theo chị Thu, anh Sol và anh Phú, người chủ doanh nghiệp, người đứng đầu cơ sở sản xuất cần làm giá trị sản phẩm thăng hoa thông qua việc tạo ra thương hiệu cho sản phẩm.
Chị Thu so sánh: “Các sản phẩm đặc trưng, đặc sản của Đà Nẵng đã khẳng định chất lượng bao đời và lưu truyền đến hiện tại bởi sự nối tiếp về công thức, cách làm, chế biến. Song, ông bà ta trước đây chỉ nghĩ tạo ra sản phẩm an toàn, ngon, thì nay sản phẩm đó còn phải được nâng tầm giá trị và được quảng bá qua nhiều kênh, được nhiều khách hàng biết đến. Với trách nhiệm của những người kế thừa, chúng tôi phải thổi làn gió mới vào sản phẩm, giúp giá trị sản phẩm thăng hoa hơn, người tiêu dùng tin cậy hơn”.
Chị Thu sinh ra trong gia đình có truyền thống đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Với sự năng động, nhạy bén của người trẻ, chị đã học được cách làm ra các sản phẩm đẹp, tiện lợi đưa đến tận tay người tiêu dùng.
Cầm trên tay hai sản phẩm, một bên bao gói cẩn thận với nhãn mác, thương hiệu bắt mắt và một bên không nhãn hiệu, chị Thu phân tích: “Chất lượng hai gói này như nhau song việc nhận diện thương hiệu hoàn toàn khác. Từ khi tôi đầu tư quảng bá thương hiệu, người tiêu dùng biết đến Bắc Đẩu nhiều hơn, có thể nói sự thay đổi là một trời một vực”.
Là thế hệ 9X đời đầu tiếp quản thương hiệu bánh khô mè, anh Sol cũng mong muốn chung tay gìn giữ, phát triển nghề làm bánh truyền thống. Khi tiếp nhận quản lý cơ sở, anh Sol thay đổi bao bì, nỗ lực phát triển thương hiệu.
Anh Sol tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã quen với quy trình làm ra những chiếc bánh khô mè từ khâu vo gạo, xay bột, vô khuôn, hấp bánh, nướng bánh, tắm bánh (nhúng bánh), đến đóng gói thành phẩm. Khi đi học và trở về nghề truyền thống, tôi luôn suy nghĩ những cách làm để khẳng định, nâng tầm sản phẩm đặc trưng của quê hương, để không chỉ người địa phương mà còn khách du lịch trong và ngoài nước biết đến sản phẩm”.
Trước đây, bánh khô mè được bao gói đơn sơ bằng lá khô, giấy, sau này chuyển sang bao gói bằng nilon rồi từ bao gói túi lớn chuyển sang bao gói từng sản phẩm, in hình thương hiệu đẹp và tinh tế. “Trên bao bì bánh luôn có thương hiệu và hình ảnh đặc trưng của thành phố như cầu Rồng, Trung tâm Hành chính, Ngũ Hành Sơn, thậm chí chúng tôi còn in hình ảnh người nông dân trồng lúa, gặt lúa, giã gạo, làm bánh… để mỗi người tiêu dùng khi cầm bánh trên tay có thể hiểu về cách làm cũng như thành phần của chiếc bánh”, anh Sol nói.
Để các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, có thương hiệu của thành phố đến gần hơn với người tiêu dùng, ngoài sự nỗ lực của nhà sản xuất, các cơ quan quản lý cần đánh giá đúng chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin cho khách hàng. Song song đó, mở nhiều kênh quảng bá sản phẩm, hình thành thêm các hội chợ xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để các doanh nghiệp, cơ sở, làng nghề có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
“Nếu trước đây, mình năn nỉ khách sử dụng hoặc gửi hàng vào các siêu thị, cửa hàng thì nay khách hàng quen tự tìm đến mình để lấy sản phẩm. Có thể thấy, thương hiệu sản phẩm đã dần được khẳng định. Sau khi dịch bệnh ổn định, tôi sẽ nhận các đoàn khách du lịch và các đoàn học sinh đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về truyền thống của làng nghề. Đó cũng là cách quảng bá thương hiệu ra thị trường tốt nhất”, anh Phú bộc bạch.
THANH TÌNH