VỀ NHÀ ĐÓN TẾT

Tết nào vui bằng Tết đoàn viên

.

Tháng Chạp chầm chậm trôi qua, những đứa con xa nhà bắt đầu quẩn quanh suy nghĩ bao giờ sẽ về quê đón Tết cùng cha mẹ. Dịch bệnh khiến mọi kế hoạch trở nên khó khăn, thậm chí thay đổi vào phút chót. Dù vậy, mong muốn được trở về luôn thường trực trong tâm khảm những ai đã rời quê để mưu sinh.

Cuối năm, người dân luôn mong muốn về nhà để phụ gia đình nấu bánh chưng, chờ đón giao thừa.  (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cuối năm, người dân luôn mong muốn về nhà để phụ gia đình nấu bánh chưng, chờ đón giao thừa. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Tết này con sẽ về

Bà Trần Thị Dung (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) mở facebook, khoe với chúng tôi mấy dòng tin con gái gửi về: “Má ơi, con đang cố gắng sắp xếp công việc để về Đà Nẵng đón Tết. Má ráng chờ, tầm 22 (22 tháng Chạp - PV) con về, rồi con chở má đi mua hoa, con nhớ không khí chộn rộn đó hung rồi”.

Bà Dung nói, cả năm nay bà thắc thỏm từng ngày, mong con gái khỏe mạnh, công việc làm ăn suôn sẻ. Năm ngoái, nghe tin Thành phố Hồ Chí Minh phong tỏa, con gái ở nhà làm việc online, bà cứ nhắn tin nhắc chừng: “Nhớ ở kỹ trong nhà, đừng có đi đâu mà mắc bệnh. Công việc không làm lúc này thì làm lúc khác, miễn là Tết này khỏe mạnh về với má”.

Gặp chúng tôi qua điện thoại, chị Trần Thị Thu Hạnh, con gái bà Dung (tạm trú phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) nói, Tết này dịch còn căng, nhưng chị vẫn quyết định về quê ăn Tết.

“Tôi đã đặt vé máy bay về quê. Sau lần dịch này, tôi nhận ra sức khỏe và gia đình là quan trọng nhất. Mừng là Đà Nẵng có chủ trương “không ngăn sông, cấm chợ”, tạo điều kiện cho người ở xa về quê đón Tết”, chị Hạnh nói.

Định cư ở Đà Nẵng hơn 20 năm, nhưng cứ tầm 28 tháng Chạp là gia đình anh Lê Nguyễn Quốc Việt (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) thu xếp hành lý về quê nhà Quế Phong, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) ăn Tết cùng gia đình. Mà không phải đợi đến Tết anh mới làm chuyến “trở về”, từ đầu tháng 1-2022, anh đã chạy như con thoi giữa Đà Nẵng - Quảng Nam lo chuyện giỗ chạp.

Anh bảo, chạp mã là ngày thiêng liêng nhất trong năm, mấy ai đi xa mà không hoài nhớ để trở về. Hình ảnh cả họ tộc tập trung chạp mã những ngày giáp Tết ở quê nhà đi vào ký ức như hạt phù sa lắng đọng, bồi đắp tình cảm sâu nặng của anh với mảnh đất Quế Phong, nơi chôn nhau cắt rốn.

“Ở quê tôi, sang tháng Chạp, nhiều gia đình và dòng họ tổ chức chạp mã. Đó là ngày con cháu nhớ về nguồn cội, tổ tiên. Cánh đàn ông phụ trách việc dọn dẹp mộ phần tinh tươm, sạch sẽ. Cánh phụ nữ chuẩn bị mâm cúng và lo phần tiệc tùng thết đãi con cháu. Đó là ngày tôi thu xếp mọi chuyện để trở về, xem đây là phần trách nhiệm của con cháu đối với ông bà, tổ tiên dịp Tết”, anh Việt nói.

Về quê ăn Tết là thói quen được gia đình anh Việt thực hiện nhiều năm nay. Đã về là về hẳn một tuần, từ trước thời điểm giao thừa đến chiều mồng 5 tháng Giêng mới ra lại Đà Nẵng. Anh Việt cho hay, tại Đà Nẵng anh cũng có nhà cửa, bạn bè, đồng nghiệp nhưng tâm lý cả năm ở Đà Nẵng rồi, thì không lý do gì không về quê đón Tết. Anh mong thói quen này cũng sẽ hình thành trong tiềm thức của con trai anh khi cậu bé mỗi ngày một lớn.

Niềm vui đoàn tụ

Tháng 11 năm ngoái, từ tỉnh Bình Dương, anh Nguyễn Văn Hải (phường Bắc Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn) quyết định về Đà Nẵng tránh dịch, kết hợp làm việc online. Làm phiên dịch tiếng Trung tự do, anh Hải nói công việc của mình khá linh động nên có thể nhận việc online mà không cần đến làm việc tại công ty.

“Làm việc online ngồi đâu cũng vậy nên tôi quyết định ở lại Đà Nẵng ăn Tết xong mới vào lại Bình Dương tìm cơ hội. Mọi năm đến cận ngày giao thừa tôi mới đi máy bay về quê, giờ thì ăn Tết cả mấy tháng, gần gia đình, gần ba má sau nhiều năm lập nghiệp xa nhà, biểu làm răng không vui”, anh Hải cười tươi.

Trong câu chuyện ngày cuối năm, anh Hải nói mồ mả ông bà, gia tộc đều ở Nổng Bồ, xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) nhưng nhiều năm rồi anh mới có dịp cùng ba về đó dọn dẹp, thắp hương ngày rằm tháng Chạp. Bữa theo ba đi Nổng Bồ, ngang qua đường Thăng Long (quận Cẩm Lệ), hai cha con dừng xe mua vài chậu cúc vạn thọ về đặt bên mộ. Lâu thật lâu mới có cái Tết thong thả bên gia đình, anh xung phong lặt lá mai, mua hoa Tết và sơn quét lại nhà cửa.

Anh Hải bày tỏ: “Đâu phải lúc nào mình cũng có điều kiện về nhà đón Tết sớm nên tranh thủ phụ giúp ba má và lấy đó làm niềm vui cho mình”.

Xa nhà quá lâu khiến người xa quê thấp thỏm chuyện trở về. Chị Nguyễn Thị Hồng (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu) nói chị vừa quyết định về Quảng Trị ăn Tết cách đây vài ngày.

“Ba mạ tôi năm nay gần 80 tuổi, cũng mong con cháu trở về sum họp ngày Tết. Lúc đầu tôi định không về Tết vì tiền bạc eo hẹp. Nhưng rồi tôi nghĩ, ba mạ đâu cần mình mang tiền bạc hay quà cáp gì về, gia đình chỉ mong mình khỏe mạnh, về ăn chung mâm cơm, chuyện trò vui vẻ mấy ngày xuân, thế là quyết về”, chị Hồng chia sẻ.

Là thợ làm tóc, chị Hồng thường kết thúc công việc khá muộn. “Năm ngoái, tôi làm tới 28 tháng Chạp mới nghỉ. Định về quê nhưng Covid-19 xuất hiện khiến ai cũng lo lắng, không dám về. Thế là đột ngột quyết định ăn Tết tại Đà Nẵng. Đó là cái Tết buồn khi vừa thắc thỏm chuyện dịch bệnh, vừa xa nhà, xa ba mạ. Năm nay, vợ chồng em gái chị Hồng từ Đồng Nai thông báo sẽ cùng về Quảng Trị, gia đình chị biết tin ai cũng vui vì sắp có cái Tết sum vầy bên nhau.

Cũng trong tâm trạng mong được về nhà, chị Đan Tâm (quê Quảng Bình, đang sinh sống tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) bộc bạch: “Đã nhiều năm đi làm xa, mỗi lần Tết chỉ mong được về nhà. Những ngày Tết ở nhà hết sức bận rộn, nhưng đổi lại rộn ràng, ấm áp niềm vui. Tết này nếu có thể về sớm, mình sẽ phụ ba mẹ dọn nhà, gói bánh gai, bánh lọc, bánh chưng và dựng cây nêu. Mình nhớ cái không khí ngày cuối năm bên gia đình, khi cả nhà quây quần làm mâm cơm tất niên tiễn đưa năm cũ, lũ trẻ được cho đi ngủ sớm để dậy trước 24 giờ đón giao thừa. Sau khi cùng đi hái lộc, xem pháo hoa, cả nhà cùng ăn mâm cúng giao thừa rồi mới đi ngủ. Mới nghĩ đến thôi đã thấy lòng thật rộn ràng”.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích