Về vùng quê Gò Nổi - mảnh đất cù lao màu mỡ phù sa do hai nhánh sông Thu Bồn bồi đắp, con đường ĐT610 B rực rỡ cờ, hoa vẫn còn tràn ngập không khí đầu năm mới. Những ngôi nhà khang trang dọc hai bên tuyến đường này đều có số chẵn, lẻ, các ngõ kiệt cũng có bảng tên đường theo số thứ tự, không khác gì chốn thị thành.
Miếu Thành Hoàng ở xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, là di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: THÁI MỸ |
Đi hết địa phận xã Điện Phong để tới xã Điện Trung, quê hương của chí sĩ Phạm Phú Thứ - vị quan đại thần nổi tiếng thẳng thắn, trung ngôn thời triều Nguyễn, viếng hương Lăng mộ ông, tôi băng qua cánh đồng tới thôn Hòa Giang - nơi có di tích lịch sử miếu Thành Hoàng và nhà thờ Quốc tổ Hùng Vương, thờ Bác Hồ kính yêu cùng những người con ưu tú của làng quê ngã xuống trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ đất nước.
Khu thờ phụng thiêng liêng này tọa lạc sát bên đường ĐH10 rợp bóng cây râm mát. Đã ra Giêng nhưng một số người vẫn tới hương khói tại miếu Thành Hoàng, bởi đối với họ, ngôi miếu nhỏ bé này không chỉ có ý nghĩa tâm linh mà còn là chiếc nôi phong trào cách mạng của xã Điện Trung từ những ngày đầu kháng chiến.
Sự ra đời của ngôi miếu nhằm thờ tự các tiền nhân của 15 dòng họ xứ Thanh - Nghệ vào lập ra làng Trừng Giang (nay làng Hòa Giang) từ năm 1625. Trong các cuộc kháng chiến, miếu Thành Hoàng là địa điểm tập hợp sức mạnh của dân làng nổi dậy. Đó là tối 17-8-1945, dưới sự chỉ đạo của các ông Phạm Hữu Bằng, Phạm Bá Bổng, Lê Đông Phong, dân các xóm, làng xã Điện Trung đã cầm đèn đuốc, băng cờ, giáo mác, gậy gộc tập trung về miếu Thành Hoàng chờ lệnh. Đúng 1 giờ ngày 18-8-1945, nhân dân rầm rập xuống đường tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, miếu Thành Hoàng tiếp tục là điểm hội họp, móc nối, xây dựng cơ sở bí mật của lãnh đạo Huyện ủy Điện Bàn. Đầu năm 1965, làng Trừng Giang cũng như cả vùng Gò Nổi được quân giải phóng kiểm soát, song địch liên tục mở hàng trăm đợt càn quét, đốt phá, cày xới tan hoang xóm làng. Ngày cũng như đêm, pháo địch từ Núi Lở (Đại Lộc), Trà Kiệu, An Hòa (Duy Xuyên), Bồ Bồ (Điện Bàn) thi nhau phóng tới Gò Nổi, Điện Trung, biến cái ốc đảo vốn xanh rì cây cối trở thành vùng chết trắng. Mặc cho bom rơi, đạn nổ, người dân xã Điện Trung cũng như làng Trừng Giang vẫn một tấc không đi, một ly không rời, kiên trì trụ bám với xứ sở quê hương đánh giặc giữ làng.
Ngày 6-2-1968, thủy quân lục chiến Mỹ phối hợp lính đánh thuê Rồng Xanh Nam Triều Tiên và không quân mở cuộc càn quét vào Gò Nổi từ 3 hướng với quy mô chưa có. Bộ đội địa phương và du kích các xã trên Gò Nổi chiến đấu kiên cường, cả vùng cù lao ngập chìm trong lửa đạn. Suốt hai ngày đêm chống trả các đợt tấn công của địch cực kỳ ác liệt, bị thương vong nhiều, tiêu hao lực lượng, trong khi địch liên tục chi viện quân nên bộ đội, du kích, an ninh của ta phải rút sang phía bên kia bờ sông Thu Bồn. Lúc 15 giờ ngày 9-2, địch tràn vào làng Trừng Giang bắt 20 người, trong đó có hàng chục cơ sở, du kích mật, đưa về miếu Thành Hoàng tra khảo hết sức dã man. Cuối cùng chúng đưa tất cả những người bị bắt tới cái lò gạch gần đó nổ súng sát hại… Chỉ riêng làng Trừng Giang nhỏ bé mà có tới 165 liệt sĩ, 15 Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng thấy đất và người nơi đây phải chịu mất mát, đau thương lớn đến nhường nào.
Đất trời đang độ Giêng hai, những giọt sương đêm trong vắt treo trên những cánh hoa mai nở muộn lung linh trong nắng sớm. Hầu như trước sân nhà nào ở Điện Trung cũng có cây mai nên lẫn trong màu xanh của tre, chuối, bắp đậu còn rợp một màu mai vàng nổi trội sau Tết. Cánh đồng lúa đang thời con gái như sóng trong làn gió xuân làm làng quê càng yên ả, thanh bình. Nhìn bước phát triển của xã nông thôn mới kiểu mẫu Điện Trung hôm nay, có lẽ những người con của quê hương sinh ra sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước khó có thể hình dung được mảnh đất này đã phải hứng chịu hàng trăm tấn bom đạn của giặc thù.
Tháng Giêng, hai cánh đồng đang trải màu xanh tít tắp nên vắng bóng người thăm ruộng. Phía xa xa luôn chấp chới những cánh cò trắng chao nghiêng. Làn mưa bụi về giăng giăng theo đợt gió mùa rong ruổi từng kiệt xóm nên ít người đi lại trên đường, làng quê Điện Trung càng tĩnh lặng. Từ chiếc loa phóng thanh trên trụ điện ven đường vang lên giọng hát giữa chương trình truyền thanh xã: “Ai có về quê hương Gò Nổi/ Miền đất mới giờ đã xanh dâu…”.
THÁI MỸ