“Chúng ta được gì từ Covid-19” - câu hỏi có vẻ như không hợp thời hợp cảnh chút nào. Bởi, khi nói đến Covid-19, người ta nghĩ ngay đến chết chóc, đau thương, thiệt hại kinh tế, sức khỏe tâm thần. Hẳn nhiên, điều đó đã quá rõ.
Vắc-xin là lá chắn mở ra cách tiếp cận mới trong việc ứng phó với Covid-19. (Ảnh chụp tại điểm tiêm chủng Cung Thể thao Tiên Sơn Đà Nẵng). Ảnh: PHÚC AN |
Khởi phát từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) vào đầu tháng 12-2019, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) làm cuộc sống của người dân toàn cầu bị đảo lộn bởi tính chất nguy hiểm và tốc độ lây lan. Không lâu sau, ngày 11-3-2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố Covid-19 là “đại dịch toàn cầu”.
Thiệt hại không thể đong đếm
Chạm ngưỡng tròn 2 năm sau khi WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu, tính đến ngày 17-3-2022, thế giới có hơn 464,5 triệu ca mắc, 6,08 triệu ca tử vong, theo trang thống kê worldometer; Việt Nam có 6,82 triệu ca nhiễm, hơn 41.600 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 0,8% so với tổng số ca nhiễm.
Chúng ta vẫn còn nhớ thời điểm giữa năm 2021, biến thể Delta với tốc độ lây lan khủng khiếp đã ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của người dân cũng như mọi mặt đời sống kinh tế xã hội. Thành phố Đà Nẵng giữa cuối tháng 8, đầu tháng 9-2021 là thời điểm cam go, căng thẳng nhất. Suốt 20 ngày thực hiện chủ trương “ai ở đâu thì ở đó” sau khi ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng với các chuỗi lây nhiễm nguy cơ cao, thành phố vắng lặng không một bóng người. Nhiều người sống cả trăm năm, sống qua hai thế kỷ cũng không thể hình dung về tác động khủng khiếp của đại dịch.
Bằng sinh mệnh, mồ hôi, nước mắt, chúng ta đã trải qua biết bao đêm trắng, bao mái đầu thêm sợi bạc với những gương mặt trầm ngâm, khắc khổ, bao con người lùng nhùng trong bộ đồ bảo hộ đối mặt với hiểm nguy tìm mọi cách để chặn đà lây lan dịch từ vùng biên giới đến mọi ngõ ngách, giành giật từng mạng sống thoát lưỡi hái Covid-19 với mệnh lệnh: Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trước hết, là trên hết.
Về kinh tế toàn cầu, con số thiệt hại cũng không hề nhỏ. Kể từ năm 1870, nền kinh tế thế giới đã trải qua 14 lần suy thoái toàn cầu, trong đó suy thoái do Covid-19 được dự báo là đợt suy thoái sâu thứ tư trong suốt 150 năm (sau các cuộc suy thoái năm 1914, 1929-1933 và 1945-1946) và là suy thoái trầm trọng nhất kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Đối với nền kinh tế Việt Nam, sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong số các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Việt Nam đạt 7%/năm trong giai đoạn 2009-2019. Trong khi đó, mặc dù được đánh giá là một trong số ít quốc gia thành công trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và có mức tăng trưởng dương, song mức tăng trưởng GDP năm 2020 chỉ đạt 2,9%; năm 2021 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước.
Và có cả những thiệt hại không thể đong đếm được bằng những con số, đó là tình trạng sa sút sức khỏe tâm thần. Các dữ liệu nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh rằng Covid-19 gây ảnh hưởng sức khỏe tâm thần con người. Số lượng các trường hợp trầm cảm, bệnh nhân mắc chứng suy nhược cơ thể và chứng sợ bệnh tật tăng… Tất cả những điều này không liên quan trực tiếp bản thân SARS-CoV-2, mà là hậu quả xã hội, bị kéo theo bởi bệnh dịch…
Tiến bộ vượt trội của y học
Vậy, chúng ta được gì từ Covid-19?
Trước hết phải kể đến sự tiến bộ vượt trội của y học thế giới. Đối mặt với Covid-19, bên cạnh những biện pháp phòng dịch, nhiều nước có nền y học hiện đại đã chạy đua với thời gian để nhanh chóng giải mã thành công bộ gene virus Corona chủng mới, từ đó đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, sản xuất vắc-xin, thuốc đặc trị. Nhiều loại vắc-xin ra đời có hiệu quả phòng ngừa cao như vắc-xin của Pfizer/BioNTech (Mỹ-Đức), AstraZeneca/Oxford (Anh - Thụy Điển)…
Có thể nói, đây là chiếc chìa khóa mở ra cách tiếp cận bền vững hơn để đối phó với Covid-19. Cũng từ việc đối phó với Covid-19, WHO muốn gửi một thông điệp: Mọi quốc gia cùng chiến tuyến trong cuộc chiến với SARS-CoV-2. Đại dịch Covid-19 không phải là vấn đề của một vài quốc gia hay của một số người, mà là vấn đề toàn cầu nên các quốc gia cần làm việc cũng như hợp tác cùng nhau để đối phó.
Đối với Việt Nam, đối mặt đại dịch Covid-19 với hàng loạt vấn đề chưa hề có tiền lệ, đã thể hiện cách ứng phó phù hợp trong từng giai đoạn. Nếu như trong giai đoạn đầu, chúng ta dốc sức để thực hiện giãn cách xã hội, hạn chế ca tử vong đồng thời với việc nỗ lực vượt bậc tìm kiếm vắc-xin, nâng tỷ lệ tiêm vào nhóm các nước tiêm chủng cao nhất thế giới, thì từ tháng 11-2021, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 128/NQ-CP ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19”. Lộ trình cùng hiệu quả từ việc thực hiện Nghị quyết này đến nay cho thấy chúng ta đang đi đúng hướng.
Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công bố chính thức mở cửa lại hoạt động du lịch trong tình hình mới từ ngày 15-3-2022. TRONG ẢNH: Đà Nẵng đón những vị khách đầu tiên đến với thành phố trong năm 2022. (Ảnh chụp ngày 1-1-2022 tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng). Ảnh: KHÁNH HOÀNG |
Sự chuyển biến nhận thức của cộng đồng
Trong đời sống xã hội nói chung, Covid-19 cho chúng ta hiểu thêm về tính cộng đồng, về sự sẻ chia vật chất, tinh thần giữa người với người. Covid-19 là đại dịch toàn cầu, vì vậy sức khỏe, tính mạng, đời sống… không chỉ gói gọn trong phạm vi cá nhân hoặc gia đình, mà trở thành mối lo chung. Tương tự hiểm họa thiên tai hoặc chiến tranh, trước mối nguy từ dịch bệnh đòi hỏi mọi người, mọi nhà phải hợp lực chống chọi và thích ứng. Trong cuộc chiến này, không thể chiến thắng bởi một cá nhân, một quốc gia dân tộc mà là sự hợp lực toàn cầu.
Ở phạm vi hẹp hơn, đối diện Covid-19, nhiều người nhận ra một điều tưởng như đã tường tận: Từ những mất mát, đau đớn, chúng ta hiểu về giá trị và biết nâng niu cuộc sống bình thường. Covid-19 mách bảo cần phải gác bỏ cái tôi vị kỷ để hướng tới sự đại đồng.
Theo đó, ghi nhận những nỗ lực, cống hiến ở mức độ khác nhau của mỗi người, tạo động lực, sự hứng khởi trong môi trường làm việc và đời sống xã hội. Đây không chỉ là khát vọng, hoài bão của cá nhân mà phải là sự chuyển biến nhận thức của cộng đồng; là sự thích ứng khôn ngoan, hữu hiệu nhất để sử dụng quỹ thời gian hạn hữu đời người.
Khi đối mặt với Covid-19, số đông đã cảm nhận được giá trị của những bình thường để thay đổi ứng xử phù hợp. Nhưng liệu rồi, một khi Covid-19 đi qua, người ta có lãng quên?
Đối diện Covid-19, nhiều người nhận ra một điều tưởng như đã tường tận: Từ những mất mát, đau đớn, chúng ta hiểu về giá trị và biết nâng niu cuộc sống bình thường. Covid-19 mách bảo cần phải gác bỏ cái tôi vị kỷ để hướng tới sự đại đồng. Theo đó, ghi nhận những nỗ lực, cống hiến ở mức độ khác nhau của mỗi người, tạo động lực, sự hứng khởi trong môi trường làm việc và đời sống xã hội. Đây không chỉ là khát vọng, hoài bão của cá nhân mà phải là sự chuyển biến nhận thức của cộng đồng; là sự thích ứng khôn ngoan, hữu hiệu nhất để sử dụng quỹ thời gian hạn hữu đời người. |
NGUYỄN GIA TỊNH