Hoa tình yêu trên sân thượng

.

Những căn nhà hộp ở nội thành kiếm đâu ra chỗ để trồng hàng nghìn gốc hồng. Vì vậy, những cư dân phố thị vẫn kỳ công “cõng” đất trồng hoa trên sân thượng, để rồi mỗi sớm mai thức dậy, thấy lòng thanh thản hơn giữa một miền hương thơm ngát của loài hoa tượng trưng cho tình yêu…

Chị Nguyễn Phạm Thanh Uyên chỉ cần ngửi thấy mùi hương là có kể vanh vách tên các loại hồng trong khu vườn của mình.Ảnh: NHƯ HẠNH
Chị Nguyễn Phạm Thanh Uyên chỉ cần ngửi thấy mùi hương là có kể vanh vách tên các loại hồng trong khu vườn của mình. Ảnh: NHƯ HẠNH

Những “tín đồ” hoa hồng

Người ta nói vẻ đẹp quyến rũ cùng hương thơm lãng mạn của hoa hồng có sức mê hoặc đến kỳ lạ. Chị Nguyễn Phạm Thanh Uyên, cán bộ giảng dạy khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) bị hoa hồng “mê hoặc” bằng một tình yêu như thế. Hai năm trở lại đây, khi các con đã trưởng thành và công việc nhàn nhã hơn, chị bắt đầu tập tành trồng hoa hồng. Nhà ở đường Trương Chí Cương (quận Hải Châu) không có một khoảng đất nào khả dĩ để lập vườn, chị học theo mọi người trồng hoa trên ban công. Căn nhà 3 tầng trở thành một vườn hoa treo gieo bao vương vấn cho nhiều người.

Từ ngày có vườn hồng, chị Uyên như bận bịu hẳn. Chị bảo nếu nhắm mắt lại, chỉ cần nghe mùi hương là có thể kể vanh vách tên các loại hồng trong khu vườn của mình. Chị thuộc từng tính nết mỗi cây như hoa hồng cổ Hải phòng, Tường vi, Moon thì ưa nắng; Vân khôi, Jubele, Lafon lại chuộng mưa mà không phải mưa dầm…

Nhà chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - cô giáo trẻ đang dạy môn Ngữ Văn tại Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic Đà Nẵng - ngập tràn hương hoa, biểu hiện của tình yêu sâu đậm với hoa hồng. Từ khi còn là một cô bé con ở huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), Thúy đã lẽo đẽo theo mấy chị gái xin hoa về trồng trước ngõ. Hồi đó chủ yếu là hoa hường ta, họ hàng với hoa hồng. Lớn lên, chị yêu một chàng trai đang tập tành chơi hồng. Vì vậy, hoa hồng như một nhịp cầu giúp họ nhanh chóng về chung một nhà. Sau ngày cưới, cả hai cùng trồng một vườn hơn 500 gốc hồng đủ loại, cuối tuần ở nhà trồng, giâm cành, tỉa lá, cắt, ngắm nghía, chụp hình..., vui buồn cùng hoa.

Tình yêu ấy đôi khi không hẳn dành cho cây cỏ mà bỗng hóa thành ruột rà đến lạ. Thúy cho biết, sau một lần chuyển nhà, chị đành lòng phải bán bớt một số chậu hồng. Lúc đó, tâm trạng chị dùng dằng. Chị đã tự mình chở tới nhà, rồi tự tay trồng cho khách và hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc. Thỉnh thoảng, lúc rảnh rỗi, hai vợ chồng kiếm cớ đi ngang qua, ngó xem thử mấy cây hồng về nhà người ta sống chết như thế nào. Nếu thấy cây sống tốt, hoa nở rộ thì lòng vui như cánh diều bay lên gặp gió, nhưng đôi lúc cũng buồn hiu khi chậu hồng xưa được thay bằng một cây hoa lạ…

“Cõng” đất lên sân thượng

Giới chơi hoa hồng ở Đà Nẵng vẫn thường truyền tai nhau về vườn hồng tuyệt mỹ của anh chàng họa sĩ trẻ ở đường Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) hay “vương quốc hoa hồng” ở thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang). Nhưng những căn nhà hộp ở nội thành kiếm đâu ra chỗ để trồng hàng nghìn gốc hồng. Vì vậy, những cư dân phố thị vẫn kỳ công “cõng” đất trồng hoa trên sân thượng, để rồi mỗi sớm mai thức dậy, thấy lòng thanh thản hơn giữa một miền hương thơm ngát của loài hoa tượng trưng cho tình yêu…

Đến nhà họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ trong một con hẻm nhỏ đường Bắc Đẩu (quận Thanh Khê) gặp lúc ông đang hướng dẫn người làm vác đất lên sân thượng nhỏ chừng 30m2, nơi ông trồng rau xanh và ưu ái dành riêng trồng mấy gốc hoa hồng. Có gốc ông đem từ Huế vào, có gốc do bạn bè tặng. Ông bảo: “Nhà ở phố vốn dĩ chật hẹp, trồng thêm vài gốc hồng trên sân thượng để hương hoa lan tỏa thanh lọc tâm hồn”. Nhìn cái dáng hao gầy của ông tỉ mỉ trộn đất trồng hoa mới thấy, khi người ta đã yêu thì không có việc gì gọi là khó khăn, cách trở.

Cái khó nhất của vườn trên sân thượng là làm sao chuyển một khối lượng đất không nhỏ lên. Có người dùng ròng rọc để kéo, lại có kẻ tẩn mẩn “cõng” từng bao đất qua mấy cái cầu thang dốc đứng đến hụt hơi. Chị Thanh Thúy luôn nhớ những ngày cuối tuần cùng chồng nai lưng vác đất lên ban công hay bôn ba về quê Thăng Bình chở phân bò, trấu, ra để trồng hoa. Rồi những ngày hai vợ chồng lê la khắp các điểm bán hoa trên thành phố để tìm hiểu về cây giống. Có lúc tìm suốt tháng mệt nhoài mà vẫn chưa tìm ra loại hoa mình yêu thích.

Nào chỉ có vậy, người trồng hoa hồng ở thành phố thì nhiều vô kể, nhưng để có một vườn hồng rực rỡ khoe sắc hương thì đòi hỏi sự hiểu biết và kinh nghiệm đáng kể. Nhiều người cũng “lên bờ xuống ruộng” khi dấn thân vào chơi loài hoa sang chảnh này. Thậm chí, có người đành ngậm ngùi từ bỏ giấc mơ hoa vì cây bị sâu bệnh hoặc còi cọc chết lần chết hồi… Ngày mới trồng hồng, chị Thanh Uyên không chỉ mày mò đọc sách mà còn phải lên các hội, nhóm yêu hoa hồng học tập những “bí kíp” của các bậc đàn anh trong nghề chơi hoa hồng.

Người ta bảo trồng hoa phải chịu khó ngắm. Ngắm không chỉ để thưởng thức vẻ đẹp tao nhã của hoa mà còn phát hiện kịp thời các loại bệnh mà cứu chữa. Chỉ cần một chiếc lá hồng úa vàng bất thường hay lốm đốm dấu hiệu lạ là chủ nhân ngay lập tức cắt bỏ và tìm cách trị bệnh hiệu quả. Ca nào khó quá thì chụp ảnh đăng lên cầu cứu ở các hội, nhóm trồng hoa.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ tình yêu hoa hồng cùng con trai mình. Ảnh: NHƯ HẠNH
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ tình yêu hoa hồng cùng con trai mình. Ảnh: NHƯ HẠNH

Tình yêu nở hoa

Chỉ sau 2 năm chăm bẵm như chăm con mọn, căn nhà 3 tầng của chị Uyên trở thành khu vườn treo rực rỡ sắc hoa khiến ai đi ngang qua cũng phải ngước nhìn. Mỗi sáng thức giấc, việc đầu tiên của chị là ra vườn ngắm xem có thêm bao nhiêu hoa hé nụ, bao nhiêu hoa sắp rụng cánh úa tàn. Trong những sớm mai thanh tân, hương hoa hồng tinh khôi theo gió bay sang tận cửa sổ nhà hàng xóm làm thơm nức giấc mơ còn đang dang dở.

“Chỉ cần mỗi sáng được ngắm hoa nở, được hít vào lồng ngực hương hoa bảng lảng mát lạnh sương mai… là đủ năng lượng tích cực cho một ngày làm việc”. Đó cũng là cách hóa giải cho những căng thẳng, muộn phiền của nhiều người dân thành phố sống trong những ngôi nhà hộp kín bưng chứ không riêng gì chị Uyên.

Những cánh hồng đang độ mãn khai được đem cắm vào lọ chưng phòng khách, phòng làm việc và cả căn bếp nhỏ. Thỉnh thoảng trên các hội nhóm trồng hồng còn chia sẻ nhau cách ướp trà hoa hồng, trang trí bánh, nấu chè dưỡng nhan, và cả việc chế biến nước hoa hồng để rửa mặt…

Đối với các “tín đồ” hoa hồng thì trồng hoa để ngắm vẫn là mục đích số 1 và sau đó là chụp ảnh lưu niệm. Thực ra, việc chụp ảnh hoa hồng không để sống ảo mà để ghi lại hình ảnh tất cả mọi thứ đã từng gắn bó với mình cho dù là hoa lá! Chị Thanh Thúy còn tiết lộ một bí mật rằng, từ ngày trồng được vườn hoa trên sân thượng, chị mất luôn quyền được nhận hoa trong các ngày lễ, sinh nhật...”.

Một khi đã chơi hồng thì cho dù là hồng cổ hay hồng ngoại cũng đều đem lại cho người trồng những câu chuyện được kể bằng màu sắc và hương thơm. Trong câu chuyện đầu năm, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói vui rằng: “Mỗi ngày mình đều leo lên sân thượng hái một bông hồng cắm vào cái lọ nhỏ trên bàn để… tặng vợ. Hoa tự tay mình trồng, không dùng hóa chất nên bảo đảm thơm tinh khiết. Tính ra đến cuối đời cũng được triệu đóa hồng chớ hè…”.

Thế mới biết, tình yêu gửi qua những đóa hồng nào phải là đặc quyền của giới trẻ.

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích