Đó là chia sẻ của các bác sĩ trẻ tham gia trong mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” thành phố Đà Nẵng - những người đang ngày đêm hỗ trợ tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người mắc Covid-19 (F0) tại nhà.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Trung Thế, khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng, truy cập nhóm cập nhật tình hình các F0 tại nhà. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Từ tháng 1-2022, các ca mắc Covid-19 tại Đà Nẵng tăng nhanh. Vì vậy, mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” trên địa bàn thành phố ra đời nhằm hỗ trợ F0 tại nhà thông qua điện thoại và nền tảng công nghệ thông tin. Mạng lưới có 10 nhóm phụ trách 7 quận, huyện (mỗi quận, huyện 1 nhóm, riêng Thanh Khê, Sơn Trà, Cẩm Lệ - mỗi quận 2 nhóm).
Hạnh phúc vì được cống hiến
Sau nhiều cuộc điện thoại nhưng máy anh liên tục bận, chúng tôi mới nối máy được với Thạc sĩ, bác sĩ Lê Trung Thế, khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Đà Nẵng, Trưởng nhóm hỗ trợ F0 tại nhà khu vực Hòa Vang. Bác sĩ Thế chia sẻ: “Tôi may mắn được tham gia mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, tuy mệt nhưng rất vui và hạnh phúc. Hạnh phúc vì chúng tôi được cho đi, được cống hiến sức trẻ, đồng hành với bệnh nhân trong thời khắc họ khó khăn nhất”.
Bác sĩ Thế tham gia mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” từ ngày đầu thành lập. Là người quản lý nhóm y, bác sĩ, tình nguyện viên hỗ trợ F0 khu vực Hòa Vang, bác sĩ Thế luôn trong tâm thế sẵn sàng “trực chiến” trên điện thoại, máy tính. Thông qua tư vấn, đánh giá tình hình, diễn biến bệnh, bác sĩ Thế hỗ trợ nhiều trường hợp F0 nhập viện kịp thời.
Bác sĩ Thế cho biết: “Người bệnh hoặc người thân của F0 thường có tâm lý bất an, nhất là gia đình có người lớn tuổi và con nhỏ. Vì vậy, các bác sĩ phải tư vấn kỹ để bệnh nhân biết cách tự theo dõi sức khỏe, khi có dấu hiệu bất thường thì báo ngay với các bác sĩ, tình nguyện viên để can thiệp sớm, giảm nguy cơ diễn biến nặng…”.
Cũng tham gia mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” từ ngày đầu, Thạc sĩ, bác sĩ Lê Đức Toàn, Phó trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, quản lý mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” thuộc khu vực 494 quận Ngũ Hành Sơn rất nhiều lần tư vấn, xử lý kịp thời giúp bệnh nhân mắc Covid-19 ổn định sức khỏe.
“Mình nhớ ngày gần cuối tháng 2, lúc đó khoảng 20 giờ, mình nhận điện thoại của một người mẹ rất hoang mang khi con mình bị sốt liên tục 3 ngày, ho nhiều kèm nôn mửa và đi cầu phân lỏng. Mình trấn an để người mẹ bớt lo lắng, sau đó tư vấn mua máy SpO2, hướng dẫn đếm nhịp thở cho trẻ. Khi thấy nhịp thở tăng nhanh, SpO2 thấp, mình khuyến cáo người nhà đưa bệnh nhân nhập viện. Sau khi khám sàng lọc và chụp phim cho kết quả trẻ bị tổn thương phổi nặng, các bác sĩ đã cho thuốc điều trị và chăm sóc đặc biệt. Nhờ vậy sau 2 ngày, tình trạng bệnh nhân ổn định, test Covid-19 âm tính và được ra viện”, bác sĩ Toàn kể.
Cũng theo bác sĩ Toàn, đó là một trong nhiều trường hợp hỗ trợ kịp thời cho bệnh nhân nhập viện. Ngoài ra, bác sĩ Toàn còn tư vấn nhiều trường hợp F0 tự mua thuốc điều trị mà không được bác sĩ tư vấn kịp thời, bệnh nhân uống thuốc quá liều gây ngộ độc, sốc thuốc… Tham gia mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, có lúc đang trong phòng mổ nhưng có điện thoại, bác sĩ Toàn phải nhờ bác sĩ vòng ngoài trả lời giúp. Sau khi hoàn thành ca mổ, anh nhanh chóng gọi lại cho F0 để tư vấn kịp thời.
“F0 và người nhà thường lo lắng đủ thứ như con sốt cao, uống thuốc mà vẫn không hạ sốt, các vấn đề về hậu Covid-19… Vì vậy, mình cố gắng tư vấn và giải thích cặn kẽ nhất để giúp họ bình tĩnh, từ đó yên tâm điều trị, đây cũng là cách để mình thể hiện sức trẻ trong việc chung tay giúp bệnh nhân tránh được những thương tổn không cần thiết, xử lý kịp thời các sự cố, tạo tâm lý vững vàng cho bệnh nhân và người nhà”, bác sĩ Toàn bộc bạch.
Không chỉ tư vấn, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho F0 qua điện thoại và phần mềm, bác sĩ CK1 Đỗ Như Can, Trưởng khoa Ngoại sản, Bệnh viện Ngũ Hành Sơn, Ủy viên Thường trực Hội Thầy thuốc trẻ thành phố còn trực tiếp đến nhà F0 (khi cấp thiết).
Bác sĩ Can kể, có lần đã hơn 23 giờ, nhận điện thoại của một bệnh nhân F0 bị khó thở (có tiền sử rối loạn tiền đình) bác sĩ Can không có ca trực nên đã đến nhà bệnh nhân theo dõi SpO2 và tư vấn dùng thuốc, nhờ vậy bệnh nhân ổn định, người nhà an tâm. Một lần khác vào sáng sớm, bác sĩ Can cũng nhận điện thoại của người nhà F0 thông báo con của họ bị đau bụng dữ dội. Sau khi thăm khám, nhận định bệnh nhân đau ruột thừa, phải mổ gấp, nếu không sẽ có nguy cơ nhiễm trùng máu, bác sĩ gọi điện hội chẩn trực tiếp với các bác sĩ trong mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” và hỗ trợ đưa bệnh nhân nhập viện mổ kịp thời, qua cơn nguy kịch.
“Người bệnh chỉ tin bác sĩ, một cuộc điện thoại của mình cũng đã trấn an được 50% tâm lý bệnh nhân. Vì vậy, mình luôn cố gắng làm mọi việc để giúp bệnh nhân”, bác sĩ Can chia sẻ.
Đồng hành bệnh nhân F0
Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” ra đời vào ngày 22-7-2021 do Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam thành lập với mục đích huy động nguồn lực xã hội tư vấn người nhiễm hoặc có nguy cơ cao mắc Covid-19 tại cộng đồng, hỗ trợ tăng cường cho y tế các tỉnh đang có số ca mắc Covid-19 tăng cao.
Tại Đà Nẵng, mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” được thành lập ngày 26-1-2022, hoạt động với đầu mối Hội Thầy thuốc trẻ thành phố Đà Nẵng. Thành viên của mạng lưới là các bác sĩ, nhân viên y tế thuộc Hội Thầy thuốc trẻ thành phố, Trung tâm Y tế, tình nguyện viên đã qua tuyển chọn và đào tạo phối hợp chặt chẽ với mạng lưới Trung ương hỗ trợ người nhiễm Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Anh Đào, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Thầy thuốc trẻ Đà Nẵng, Phó mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” thành phố cho biết, công việc của các bác sĩ, nhân viên y tế, tình nguyện viên là gọi điện thoại đến người mắc Covid-19 để tư vấn, theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho F0 và người ở cùng; đồng thời, phối hợp thông báo kịp thời cho y tế địa phương khi phát hiện các trường hợp cần hỗ trợ, can thiệp y tế, kịp thời phát hiện, phối hợp xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời các trường hợp có diễn biến nặng theo phân tầng điều trị.
Cũng theo bác sĩ Đào, khi nhận được cuộc gọi từ đầu số 0236.3931022 (Tổng đài hỗ trợ chăm sóc sức khỏe F0 thành phố Đà Nẵng), người dân, người mắc Covid-19 bắt máy nhận cuộc gọi để được nghe tư vấn từ bác sĩ, nhân viên y tế miễn phí.
“Từ khi mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” thành lập đã làm rất tốt nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ các F0 tại nhà. Bằng sức trẻ, sự tâm huyết, các y, bác sĩ, tình nguyện viên đã giúp cứu sống rất nhiều F0 lúc nguy cấp. Sự ra đời của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” rất kịp thời, phần nào giúp bệnh nhân F0 cảm thấy họ được quan tâm và an tâm điều trị”, bác sĩ Đặng Anh Đào nhìn nhận.
THANH TÌNH