Quảng Nam qua các thời đại của tác giả Phan Du là một trong những ấn phẩm thuộc “Tủ sách Đất Quảng” được Nhà xuất bản Đà Nẵng tái bản và phát hành năm 2021 nhân dịp kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471-2021), 25 năm thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997-2022). Cuốn sách được tái bản theo đúng nội dung bản in năm 1974, chỉ chỉnh sửa chính tả theo cách viết phổ biến hiện nay.
Bìa sách “Quảng Nam qua các thời đại” với logo “Tủ sách Đất Quảng”. Ảnh: N.T |
Đây là một công trình khảo cứu về vùng đất Quảng Nam từ khi còn là lãnh thổ của Chiêm Thành với tên gọi Amaravati đến khi trở thành một vùng đất thuộc Đại Việt. Qua 4 chương sách, với lối viết thông sử, không hàn lâm, tác giả sử dụng hai nguồn tư liệu chính là chính sử và dã sử để dẫn dắt bạn đọc đi tìm lại một Quảng Nam xưa, mang những dấu ấn đậm nét của hai nền văn hóa Chăm - Việt đã được giao lưu và tiếp biến cho đến tận hôm nay.
Tiêu biểu cho mối quan hệ văn hóa đó là cuộc hôn nhân của Công chúa Huyền Trân “đem phấn son đền nợ nước” với Chế Mân (năm 1306) - vua nước Chiêm Thành, để rồi gần 2 thế kỷ sau (năm 1471), đạo Thừa tuyên Quảng Nam ra đời dưới thời Hồng Đức - vua Lê Thánh Tông. Đây là đạo thừa tuyên thứ 13 của Đại Việt kéo dài từ đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông.
Công cuộc kiến thiết, xây dựng, tổ chức chính quyền, binh bị, tôn giáo, chế độ thi cử… ở Quảng Nam dinh và Dinh trấn Thanh Chiêm, dưới thời các chúa Nguyễn hưng thịnh được tác giả khảo cứu chi tiết và sinh động trong các chương 2 và 3.
Theo khảo cứu, dưới thời các chúa Nguyễn, tại Quảng Nam đã hình thành một cơ cấu kinh tế lần đầu tiên xuất hiện ở Đại Việt: cơ cấu kinh tế mở, trong đó thương nghiệp, nhất là ngoại thương đóng vai trò chủ yếu. Điều này đem lại sự phát triển của tiểu thủ công nghiệp - các làng nghề, làm lay động, đổi mới xã hội cổ truyền, khơi thông các luồng giao thông, tạo nên các luồng lưu thông hàng hóa và của cả văn hóa; biến Xứ Quảng - một vùng đất ít phì nhiêu, chỉ trong một thời gian ngắn trở thành trung tâm thương mại quốc tế sầm uất ở Đàng Trong, tiêu biểu là thương cảng Hội An (Faifo) - còn lưu dấu đến hôm nay; đồng thời lý giải vì sao thương cảng cửa Hàn (Đà Nẵng) đã không phát triển thành một thương cảng quan trọng vào thời đó. Chương 4 kết thúc tập sách vào thời các chúa Nguyễn suy vi và cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn nổi lên (1771), đất và người xứ Quảng lại ở vào thời vận của những binh biến, loạn ly, đổi thay.
Có lẽ đây là cuốn sách đầu tiên viết về xứ Quảng một cách có hệ thống và khoa học, làm rõ vai trò, vị trí của “Quảng Nam là địa bàn xuất phát, là giao điểm thu nhận và chuyển tiếp các diễn biến lịch sử từ Đàng Ngoài vào Đàng Trong và từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài”, là động lực lịch sử của dân tộc đối với công cuộc Nam tiến mở mang bờ cõi của cha ông. Cũng trong suốt nhiều thập niên qua, Quảng Nam qua các thời đại luôn được các nhà khoa học và bạn đọc đánh giá là công trình nghiên cứu cung cấp những tư liệu quan trọng về lịch sử hình thành và phát triển của Quảng Nam, là khởi đầu, là những gợi mở cho các công trình kế tiếp nghiên cứu về xứ Quảng ra đời.
Từ khi được thành lập năm 1984 đến nay, trải qua gần 38 năm hoạt động, Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng luôn chú trọng xây dựng, triển khai biên soạn và xuất bản các đầu sách lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật về “Đất và người xứ Quảng” để giới thiệu rộng rãi với bạn đọc. Tiếp tục phát huy truyền thống đó, trên cơ sở định hướng hoạt động xuất bản của Thành ủy và UBND thành phố Đà Nẵng những năm gần đây, đồng thời đáp ứng nguyện vọng của nhiều trí thức, văn nghệ sĩ đất Quảng và bạn đọc, năm 2021, NXB Đà Nẵng thực hiện “Tủ sách Đất Quảng” nhằm tập hợp và xuất bản các đầu sách về Đất Quảng với mục đích lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa tinh hoa của vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng địa linh nhân kiệt. “Tủ sách Đất Quảng” tập trung giới thiệu các đề tài về lịch sử, văn hóa nghệ thuật, danh nhân, tác gia văn học… của Đất Quảng giàu truyền thống anh hùng và mang đậm dấu ấn văn hóa qua những đầu sách được biên soạn tuyển chọn và xuất bản có giá trị, đạt yêu cầu cao cả về nội dung lẫn hình thức. |
NGUYỄN KIM HUY
Tổng Biên tập Nhà xuất bản Đà Nẵng