Hơi ấm ngày về

.

Năm mới đã đi qua hơn một phần ba chặng đường mà thỉnh thoảng đất trời vẫn dâng lên một đợt rét nàng bân mềm mướt. Những lúc đó, tôi chẳng muốn đi đâu, làm gì, chỉ muốn cùng gia đình quây quần bên bếp lửa.

Dù ở phố, nhà tôi vẫn cố gắng thu xếp một gian bếp củi cuối góc vườn. Bếp có mái che là những tấm tôn cũ, vách ngăn cũng được tận dụng từ một vài cánh cửa đã không còn dùng đến. Tôi thường xuyên đun nước, làm các món nướng tại đây. Có khi chẳng có nhu cầu gì, tôi vẫn gom mấy thứ giấy loại hay gộc cây, lá rụng quanh vườn rồi nhóm lên những ánh bập bùng…

Vốn sinh ra ở quê, lớn lên từ đồng điền, rơm rạ nên tôi rất thích mùi khói được đốt lên, tỏa ra từ những gộc cây già, những đống lá hết mùa, đã già đi và rụng. Khói lúc ấy mang đến rất nhiều hương thơm, mùi vị khác nhau. Mùi nồng ẩm của đất, mùi tinh khôi của sương trời và gió núi, mùi của năm tháng, những khoảng không gian mướt xanh của ruộng đồng, biền bãi. Đó là thứ mùi thân thuộc và bình yên. Khói nhắc tôi nhớ về tuổi thơ, về làng xóm, nơi từng có những bếp lửa nồng đượm của mẹ, của bà.

Ngày nắng mẹ bươn chải trên đồng, ngày mưa mẹ gắng gồng dưới bãi. Mẹ như con thoi, mùa nào việc nấy, thậm chí những khi hết mùa, mẹ tranh thủ đi làm công làm mướn cho người ta. Và gian bếp, luôn là nơi trở về, gắn bó, tảo tần khuya sớm của bà. Từ những tôm, cá, rau, củ mà mẹ mang về, bà luôn biết cách chế biến thành những món ăn đậm đà, ngon miệng nhất. Bếp lửa của bà hầu như suốt ngày luôn đỏ lửa, nhất là vào những ngày mưa rét, bên ngoài trời liên tục kéo đến những đợt gió giông.

“Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, không dưng mọi người lại gán trách nhiệm “giữ lửa” cho người phụ nữ trong gia đình. Với thiên tính hướng nội, luôn dành mọi ưu tiên, quan tâm, săn sóc cho người thân, cho gia đình nên chỉ người phụ nữ mới đủ khéo léo, nhẫn nại để luôn giữ được sự ấm áp, bừng sáng cho ngôi nhà của mình. Đã nhiều lần tôi thấy mẹ ướt sũng vì mưa từ rừng xa rét lập cập trở về, trên lưng mẹ vẫn không quên gánh theo những bó củi phập phồng. Vừa về đến nhà, mẹ thảy gọn vào bếp, bà thì giúp mẹ xếp đặt, để dành, hơ hám kịp cho những bữa cơm ấm ngày mai.

Bếp lửa nơi góc vườn nhà tôi chỉ là một gian bếp tạm của một người con xa quê vì thương vì nhớ, tiện tay mà dựng lên. Thế mà, nó vẫn trở thành một tín hiệu, một lý do cho nhiều tình nghĩa, sự kết nối được bắt đầu. Bà Bảy, ông Tư hàng xóm mỗi lần nhìn thấy khói bay lên từ phía nhà tôi, lại tay xách nách mang vài củ khoai, vài bắp ngô, có khi vài cái bánh đa, xâu thịt sang cùng “mở tiệc” ngoài trời.

Chúng tôi ngồi đó, già có, trẻ có, cùng nấu nướng, rôm rả chuyện trò. Thì ra, ông bà cũng thèm khói, cũng thao thiết, luyến nhớ không gian, mùi vị chốn đồng quê. Ông Tư bảo: “Bếp lửa luôn là nơi ấm nhất, vì bếp lửa vun vén, dẫn lối cho sự trở về”.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích