Với Quyết định của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng vừa được ban hành vào thượng tuần tháng 5 về việc phê duyệt Dự án đầu tư tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2, có thể nói đường trở về… bản gốc năm Quý Mùi 1823, niên hiệu Minh Mạng thứ tư của Thành Điện Hải đã gần chạm đích.
Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn 2 thực hiện các hạng mục trong phạm vi khuôn viên có tổng diện tích 26.519m2. TRONG ẢNH: Toàn cảnh di tích sau khi được phục hồi, tôn tạo giai đoạn 1 với hình thái nguyên vẹn lối kiến trúc Vauban của phương Tây. Ảnh: XUÂN SƠN |
Dự kiến vào cuối năm 2022, khi Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp cơ sở 42 Bạch Đằng cơ bản hoàn thành để có thể di dời Bảo tàng Đà Nẵng đang nằm giữa khuôn viên Thành Điện Hải về đấy, việc hạ giải các công trình không phù hợp với kiến trúc của tòa thành này sẽ chính thức bắt đầu.
Do Bảo tàng Đà Nẵng là một bảo tàng tổng hợp nên có nhiều hiện vật liên quan đến Thành Điện Hải nói riêng, đến công cuộc phòng thủ cửa biển Đà Nẵng và cuộc chiến tranh Mậu Ngọ 1858 nói chung đang trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng lâu nay - trong đó nổi bật là hai pho tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương một bằng đá ở lối vào thành và một bằng đồng trưng bày trong phòng, cùng các khẩu thần công từng được khai hỏa nhằm vào tàu chiến của đối phương trên sông Hàn ngay ngày đầu Đà Nẵng thay mặt cả nước và cùng cả nước chống lại cuộc đổ bộ chiếm thành của Liên quân Pháp - Tây Ban Nha - sẽ được giữ lại tại chỗ nhằm trưng bày chuyên đề phục vụ khách tham quan…
Đương nhiên, những hiện vật ở các giai đoạn lịch sử khác sẽ được tiếp tục trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng cơ sở mới. Có điều, cũng cần tính toán bàn giao vài hiện vật có kích thước lớn, chẳng hạn như có thể chuyển chiếc máy bay trực thăng của quân đội Mỹ sử dụng ở chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trước đây đến một địa điểm trưng bày khác có mặt bằng phù hợp hơn.
Phục dựng một số hạng mục của kiến trúc gốc
Đường trở về… bản gốc năm Quý Mùi 1823, niên hiệu Minh Mạng thứ tư của Thành Điện Hải còn được rút ngắn qua việc phục dựng một số hạng mục của kiến trúc gốc từng bị triệt hạ qua thời gian như kỳ đài, cổng thành phía đông, cầu phía cổng tây, nhà đặt súng thần công… Năm Canh Tý 1840, vua Minh Mạng từng căn dặn Tuần phủ Nam Ngãi Nguyễn Tri Phương rằng “trong tỉnh Quảng Nam có cửa bể Đà Nẵng nên đắp thêm đồn lũy và làm nhà đặt súng để phòng bị, khanh vào đó nhớ quan tâm việc ấy trước nhất”. Cái khó của các công trình “một năm tuổi” này nằm ở chỗ phải được “tái sinh” đúng vị trí và thiết kế trong kiến trúc gốc.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai cho rằng, tại Bảo tàng Đà Nẵng “có một bản vẽ sau khi quân Pháp hạ thành Điện Hải của một họa sĩ người Pháp - bức tranh mô tả thành bị phá tan hoang sau chiến trận, nhà sụp đổ, súng thần công nghiêng ngã, khung cảnh hoang tàn, cảnh quân Pháp tiến vào thành, duy chỉ có kỳ đài là hiên ngang đứng vững, kỳ đài là một trụ cột cao hơn mái nhà”.
Từ đó, ông Hà Phước Mai đề nghị “nên phục dựng lại kỳ đài với hình dáng như cũ, không bê nguyên xi cột cờ thành Hà Nội hay cột cờ thành Sơn Tây với khối trụ bê tông to lớn hình lục giác sơn màu đỏ chói vào đây sẽ phá vỡ cảnh quan chung”; đồng thời đề nghị chưa nên “phục dựng lại tất cả công trình trong nội thành khi chưa có căn cứ khoa học”. Đấy là những ý kiến đầy trách nhiệm của người trong cuộc, rất cần được suy ngẫm nghiêm túc khi đầu tư tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải giai đoạn hai, nhất là trong bối cảnh không phải hạng mục nào của kiến trúc gốc cần được phục dựng lần này cũng có may mắn về tư liệu để tham khảo như bức tranh họa sĩ Pháp vẽ hạng mục kỳ đài…
Xây dựng mới một số hạng mục ngoài... bản gốc
Đường trở về… bản gốc năm Quý Mùi 1823, niên hiệu Minh Mạng thứ tư của Thành Điện Hải còn được rút ngắn qua việc xây dựng mới một số hạng mục ngoài bản gốc như nhà trưng bày chuyên đề, miếu thờ nghĩa sĩ... Thực ra, pho tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương bằng đá ở lối vào thành cũng là một hạng mục ngoài bản gốc nhưng lại rất phù hợp với không gian Thành Điện Hải. Vì thế, xây dựng mới một số hạng mục ngoài bản gốc cũng có ý nghĩa như phục dựng các hạng mục của kiến trúc gốc từng bị triệt hạ qua thời gian.
Tại hội thảo “Giải pháp bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị di tích Thành Điện Hải” do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức hồi cuối năm 2017, tôi còn kiến nghị rằng cần hình thành một vườn tượng các tướng lĩnh như Nguyễn Công Trứ, Lê Đình Lý, Nguyễn Văn Thành… chứ không phải chỉ mỗi tượng Nguyễn Tri Phương như hiện nay. Vấn đề là làm thế nào để những hạng mục ngoài bản gốc hài hòa với cảnh quan chung, chẳng hạn pho tượng Nguyễn Tri Phương bằng đá đứng nhìn ra phía sông Hàn như đang đốc chiến phù hợp với cảnh quan của một tòa thành quân sự hơn là pho tượng Nguyễn Tri Phương bằng đồng đang ngồi yên trên ghế. Đấy cũng là lý do hạng mục nhà trưng bày chuyên đề được cho… độn thổ - được xây ngầm toàn bộ dưới lòng đất nhằm bảo đảm tầm nhìn tổng thể kiến trúc lộ thiên của tòa thành.
Ngoài ra, cần đặt việc xây dựng mới một số hạng mục ngoài bản gốc ở khuôn viên Thành Điện Hải trong toàn bộ thiết kế Quảng trường Thành Điện Hải nhằm xử lý các vấn đề liên quan tới tính thiêng của một di tích như Thành Điện Hải; chẳng hạn các hạng mục không thể thiếu của một điểm đến tham quan du lịch như bãi đỗ xe, khu vệ sinh… hoàn toàn có thể được xây dựng ở ngoài khuôn viên tòa thành mà cũng không kém phần tiện dụng. Nguyên Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Hà Phước Mai khi đề cập chuyện này đã liên tưởng: “Ai đi đến đất nước Nhật đều biết ở đền thờ Minh Trị Thiên Hoàng, bên trong không có một công trình vệ sinh nào. Tất cả các công trình vệ sinh cho du khách đều bố trí ở bãi đậu xe hay đầu lối đi vào và cách cổng chính từ 300 đến 500 mét!”.
An Hải mất dấu!
Trong tư duy của vua Gia Long cũng như vua Minh Mạng về thiết kế hệ thống phòng thủ cửa biển Đà Nẵng - cửa biển ngoại giao và ngoại thương duy nhất ở nước ta từ đầu thế kỷ XIX, Đài Điện Hải rồi Thành Điện Hải bên tả ngạn sông Hàn cũng chỉ mới là một vế trong câu đối, về còn lại để tạo nên câu đối hoàn chỉnh chính là Bảo An Hải rồi Thành An Hải bên hữu ngạn sông Hàn. Mặc dù có quy mô nhỏ hơn so với Thành Điện Hải nhưng Thành An Hải cũng từng được kết nối với Hải Vân quan để làm một vọng hải đài quan sát từ xa tàu thuyền nước ngoài chuẩn bị vào cửa biển Đà Nẵng.
Tuy nhiên, đúng như nhà nghiên cứu Lê Thí từng nhận xét: “Hai ngôi thành này được xây dựng cùng một thời điểm bởi cùng một người (tướng Nguyễn Văn Thành - BVT chú thích). Nhưng đến nay số phận của nó lại hoàn toàn khác nhau. Điện Hải đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt trong khi An Hải đã… mất dấu theo thời gian!”(*).
Nhà nghiên cứu Lê Thí cho rằng, 4 năm sau ngày Liên quân Pháp - Tây Ban Nha triệt thoái khỏi Đà Nẵng, thành An Hải - bấy giờ đổi thành Đồn An Hải để giảm bớt gánh nặng về quân số và trang bị - vẫn tiếp tục được Triều Nguyễn xem là một vị trí phòng thủ quan trọng trong hệ thống phòng thủ cửa biển Đà Nẵng. Vậy Đồn An Hải mất dấu từ bao giờ? Đến nay, câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp. Theo tôi, nhân dịp Thành Điện Hải đang bước vào giai đoạn hai của dự án đầu tư tu bổ, phục hồi và tôn tạo để trở về với bản gốc, nên chăng cần căn cứ vào một số tư liệu hiếm hoi còn lưu giữ hiện nay như là các bản đồ in trong tập Lịch sử Đà Nẵng (1306 - 1975) của Võ Văn Dật để xác định địa điểm và dựng một tấm bia di tích về Bảo An Hải/Thành An Hải/Đồn An Hải…
BÙI VĂN TIẾNG
(Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng)
---------------------------
(*) Xem Lê Thí, An Hải - ngôi thành đã mất dấu, Báo Quảng Nam điện tử ngày 7-10-2018.