“Con chưa thấy nơi nào bình dị bằng quê mình mẹ ạ”. Nụ cười con rực rỡ như đóa hướng dương dưới nắng mai hồng, giọng con hồ hởi thiết tha khoe với mẹ sau gần một tuần nghỉ hè về quê với ông bà. Lòng mẹ cũng rưng rưng, bởi đây cũng là điều bấy lâu mẹ luôn khắc sâu trong tâm mình.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Nếu như có ai hỏi mẹ rằng có nơi nào khiến mẹ cảm thấy thoải mái và bình yên nhất, mẹ sẽ chẳng cần suy nghĩ, đắn đo, mà nói “Quê mình thực sự là nơi bình dị và ấm áp nhất”. Quê mình, nơi mẹ được sinh ra và lớn lên, nơi chôn nhau cắt rốn; nơi có gia đình, họ hàng, bà con làng xóm, nơi chứa đựng tất cả miền ký ức tuổi thơ diệu vợi nuôi dưỡng tâm hồn, giúp mẹ nhận ra bao điều đáng quý trong cuộc đời.
Bình dị quê mình là những mùi hương ngọt ngào, mỗi khi nhắc nhớ, mẹ lại cay xè khóe mắt. Là hương đất trời vấn vít trong mỗi mùa vụ về, hương lúa ngào ngạt, ngô khoai thơm nồng, rạ rơm ngai ngái, bùn đất thơm nỗi ngùi ngùi; là mùi mồ hôi mặn chát trên vai áo mẹ cha nhọc nhằn để đổi lấy ấm no, mùi khói lam chiều trên góc bếp mỗi nhà, mùi cá kho đậm đà, mùi của bữa cơm gạo mới dẻo thơm với bao xúc cảm: “Ai ơi, bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”… Mùi hương quê mình giản dị, dân dã là thế mà sao đong đầy, sâu nặng ân tình.
Bình dị quê mình là triền đê, cây cầu, giếng nước, gốc đa; là tiếng gà gáy mỗi sớm; là dáng bà, dáng mẹ, dáng anh, những người nông dân tảo tần rủ nhau ra đồng từ khi trời còn mờ hơi sương; là cái cày, cái cuốc, con trâu, cánh cò trắng, đường làng quanh co uốn khúc… Những nét quê yên ả, thanh bình ấy khiến ta như được sống chậm lại giữa ngược xuôi, vội vã ngoài kia, và chợt nhận ra cần lắm những khoảng lặng bình yên như thế để tiếp tục vững bước trên hành trình cuộc đời.
Bình dị quê mình còn là giọng quê chẳng lẫn vào đâu được. Về quê, nghe mẹ chuyện trò, nói cười với mọi người bằng giọng “trọ trẹ”, con không khỏi ngạc nhiên: “Sao vào Nam ở hơn 20 năm rồi mà mẹ vẫn không quên giọng quê mình?”. Xoa đầu con, mẹ cười: “Cảnh vật, con người và mọi thứ sẽ thay đổi theo thời gian. Duy chỉ có giọng quê là mãi không thay đổi”. Giọng quê là hơi thở của quê hương, đất mẹ, ẩn tàng trong từng câu ca, lời ru, tiếng hát, trong tình yêu thương của bà và mẹ… Gìn giữ giọng quê là cách chúng ta thể hiện tấm lòng thủy chung, niềm tự hào với chính bản sắc quê mình.
Những ngày ở quê, sáng sáng, con được ông dắt tay ra đồng làng ngắm bình minh ló dạng, nghe ông kể chuyện ngày xửa ngày xưa, ngày ông bằng tuổi cháu bây giờ. Hai ông cháu thủng thẳng bước trên cỏ êm, thơm mát hương đồng, ông rủ rỉ kể, cháu say sưa nghe. Cứ thế, một già một trẻ sánh bước bên nhau, dằng dai đủ chuyện, những câu chuyện “không có trong những cuốn sách mẹ đã mua cho con đọc mỗi ngày”. Niềm vui của con lấp lánh trong nụ cười hồn nhiên, trong trẻo như mẹ của con thời thơ bé.
Con xách giỏ theo bố ra đồng nhặt ốc, bắt cua, tát cá. Con theo bà ra vườn nhổ cỏ, tưới cây, thu hoạch rau củ quả. Hòa cùng anh chị em, con thỏa sức chân trần chạy theo cánh diều no gió, hay cùng đuổi bắt trốn tìm, thả đỉa ba ba, nhảy dây… bên gốc sung già đầu ngõ. Lần đầu tiên con được ăn ốc luộc bằng gai bưởi, làm cối xay bằng hạt xoài, làm súng bằng tàu chuối. Những đêm hè ngắm bầu trời sao, tìm ông Thần Nông giữa dải ngân hà và nghe bà kể chuyện cổ tích… “Mấy hôm nay, con đã ghi vào nhật ký của mình rất nhiều kỷ niệm đẹp khi về quê mình mẹ ạ”. Con khoe với mẹ bằng niềm vui khiến mẹ càng tin rằng, quê nhà chính là món quà mùa hè ý nghĩa nhất mà bố mẹ dành tặng con.
Bình dị quê nhà còn là được theo bà đi chợ quê ngỡ như bấy lâu chỉ tưởng tượng qua lời mẹ kể; được bà mua cho cái bánh, bỏng ngô, dẫn đi khắp xóm giềng khoe có cháu về thăm; được mọi người hỏi han, cho đủ các thức quà từ cây nhà lá vườn… Rồi con chợt nhận ra điều mẹ từng nói: “Người quê, ai cũng có tấm lòng thơm thảo như thế!”.
“Hè năm sau, nhà mình lại về quê mẹ nhé!”. Ôm chặt lấy mẹ, con năn nỉ trước khi tạm biệt quê vào lại miền Nam. Mẹ gật đầu, nở nụ cười hạnh phúc. Bởi dù ở bất kỳ nơi đâu, quê nhà vẫn là chốn bình dị mà ý nghĩa níu chân ta trở về!
LÊ THỊ XUYÊN