Thế hệ của tôi sống ở thời mà rất nhiều thứ dựa vào công nghệ nên mới ngoài 30 tuổi đã không thể nhớ số điện thoại của người thân nào. Việc ghi nhớ số điện thoại, nhớ địa chỉ nhà chẳng phải là cách mà bất cứ đứa trẻ nào lúc mới biết đọc cũng được cha mẹ dạy như một kỹ năng đầu tiên khi con bắt đầu tiếp xúc với thế giới bên ngoài.
Cứ thêm một tuổi, thêm nhiều trải nghiệm, tôi càng nhận ra đôi khi ta hướng tới những thứ cao siêu quá, thành ra bộ óc không còn chỗ cho những thứ căn bản nhưng thật sự cần thiết. Mình có sống giản đơn được như mình nói hay không, cứ thử dọn nhà là biết.
Bản thân tôi cũng vậy. Tôi luôn mang một nỗi lo mơ hồ: sợ mình thiếu thốn thứ gì đó. Vì vậy, tôi sắm đủ vật dụng trong nhà, như hũ thủy tinh, bình cắm hoa các loại, dụng cụ nhà bếp, có những món thỉnh thoảng mới dùng đến nhưng nhất định phải có…
Còn trong khu vực nhà kho, ôi thôi là lộn xộn. Tôi nhớ mình đã hăm hở nhặt những trái thông trong chuyến đi Đà Lạt đầu tiên. Tôi nhặt thật nhiều, rồi mang về, để lăn lóc trong gian nhà kho đóng bụi. Mùa Giáng sinh, tôi mới cần vài trái thông để trang trí hang đá. Sau này, công việc bận rộn, tôi lười nên không làm hang đá, thành ra những trái thông chẳng biết để làm gì. Tôi nghĩ, phải chi buổi sáng đẹp trời đó, tôi chỉ nhặt vài trái thông và dành thời gian còn lại ngồi bên ly cà phê sóng sánh, thơm phức, ngắm núi đồi miên man trùng điệp trong nền trời lất phất mưa, có phải thích hơn không. Nhưng bữa đó tôi chỉ tranh thủ nhặt cho thật nhiều trái thông để kịp xe đến đón về lại thành phố. Có phải ta đã tốn kém cho việc tích trữ quá nhiều thứ không dùng đến?
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Một người bạn đến ở cùng tôi sau đợt giãn cách xã hội quá dài, vừa để vui, vừa thuận tiện cho công việc. Bạn mang theo duy nhất chiếc túi thể thao chỉ chứa những vật dụng thật sự cần thiết: vài bộ đồ đi làm, đồ ngủ, đồ sinh hoạt cá nhân, cuốn sổ tay… Bẵng đi hơn nửa năm, bạn nhận ra mình vẫn “sống” được với túi đồ gọn tênh ấy. Vậy cả căn phòng chứa đầy ắp đồ ở nhà bạn là thừa hay sao? Có thể bạn cũng cần dùng đến, ví dụ một chuyến đi biển, bạn cần chiếc nón rộng vành, ít phụ kiện để chụp ảnh… Nhưng nó không phải là những thứ cần mang theo bên người, thậm chí không có cũng chẳng sao.
Bạn kể, mỗi lần về thăm nhà, bạn lại ngán ngẩm nhìn đống đồ. Không thể biết được bạn đã tiêu tốn hết bao nhiêu tiền cho bằng đó thứ. Hóa ra bạn lãng phí mà bản thân không hề hay biết.
Trên hành trình cuộc đời, đôi khi ta mệt nhoài với đủ áp lực, chỉ với một mục đích: thỏa mãn những nhu cầu của bản thân - nhu cầu về vật chất, nhu cầu về tinh thần… Ta ngỡ rằng, nếu không đáp ứng được những nhu cầu đó, ta sẽ khó khăn lắm, không thể sống được, nhưng ở những đoạn gập ghềnh, ta đã đánh mất nhiều thứ giá trị hơn mà không hề hay biết như sự bình an, có khi là niềm tin yêu ở con người và cuộc sống.
Trong không gian chật hẹp của căn hộ nơi đô thị, nếu chỉ có căn phòng với bình hoa tươi, vài thứ vật dụng dùng đến mỗi ngày, ta sẽ tận dụng được khoảng không thoáng đãng để sống chậm lại và sắp xếp những thứ cần thiết, thay vì chất đồ đạc thật đủ đầy. Trong không gian thoáng đãng với cửa sổ, hoa tươi, nhìn ra bầu trời, ta hít thở không khí trong lành, chậm rãi lắng nghe những thanh âm của cuộc sống. Mỗi ngày như thế, ta sẽ có sức khỏe tinh thần tốt, những ý nghĩ sáng tạo cũng tự khắc đến...Tâm trí ta sẽ an yên hơn, để mỗi sớm mai thức dậy, ta chỉ nghĩ về những điều trong trẻo, tích cực và sống trọn vẹn cùng giây phút hiện tại với những người thương yêu.
ÁNH HƯỜNG