Hiếm có mùi hương nào lại thơm lành như mùi sả. Vậy nên, chắc cũng không ai nỡ cười nhạo khi bất chợt một ngày tháng 7, khi những cơn mưa mùa hè đã trở mình, tôi lại lẩn thẩn nhớ mùi sả thơm da diết.
Sả có mùi thơm, tính ấm, có tác dụng làm ấm bụng, thông khí, sát trùng, tiêu đờm... Ảnh: caythuocdangian.com |
Cái mùi gây thương nhớ đó lạ lùng thay không phải là mùi thơm nồng nàn của những nụ hoa hồng kiêu kỳ trong vườn nhà, hay mùi nước hoa sang chảnh của một thương hiệu nức tiếng nào đó. Mùi sả - thứ mùi dược liệu nhẹ nhàng không thể gây một ấn tượng mạnh mẽ hay đột ngột nào, nhưng lại lưu cửu rất lâu trong trí nhớ, không lẫn vào bất kỳ thứ gì.
Tôi thấy mình may mắn khi tuổi thơ được đắm mình với thiên nhiên trong lành. Khu vườn của ba chỉ là khoảng đất khiêm tốn bên hông nhà, vốn là ao trũng được ba cơi nới lên cao ráo, vuông vức thành một khu vườn. Chị em chúng tôi lớn lên cùng những lứa trái cây trĩu trịt trong vườn, từ những chùm xoài thanh ca khi chín ngọt lịm như ướp đường, đến những buồng dừa xiêm, buồng chuối chà bột dày đặc trái.
Những giống trái cây quý hiếm này giờ đã trở thành xưa cũ, không cạnh tranh nổi với các giống cây ngoại nhập. Dần dà, xoài thanh ca mất hút. Chuối chà bột thỉnh thoảng xuất hiện chớp nhoáng ở chợ, giá cao ngất nhưng mua về đã sượng hết hơn nửa vì bị ép chín. Trên giàn tre, những trái mướp hương ba trồng thả dài như bóng điện ngược. Dưới đất, húng quế, húng chanh, diếp cá, rau răm, ngò rí… xanh mướt. Rau nhà, ba trồng đủ ngày đủ tháng mới cho thu hoạch. Mỗi khi sờ tay lên lá thì nghe mùi thơm vương trên tay, không nhạt nhẽo như rau chợ. Nhưng nhiều nhất khu vườn, thơm nhất khu vườn không phải rau, mà là sả.
Ba dành 2/3 khu vườn lên liếp trồng sả. Sả ba trồng là giống sả chanh, loại thân phình to phía gần gốc, nhiều tinh dầu nên tỏa mùi thơm nồng. Mùi sả thơm mạnh nhất khi từng tép sả được đập dập ra, mang đi hãm trong nồi nước xông cùng với lá khuynh diệp, lá é tía, bồ bồ, lá ổi sẻ… Một nồi nước xông thơm mùi sả chanh nhanh chóng đánh bay cơn cảm mạo, trúng gió ho hen mà không cần đến viên thuốc tây nào. Chị em tôi hồn nhiên lớn mà không cần thuốc, vượt qua những trận cảm chướng nhẹ nhàng.
Sau mỗi lần trùm mền kín mít, với nồi nước xông nóng hừng hực bên mình, cơn cảm mạo chướng khí chỉ còn là những giọt nước ngả màu mẹ vắt ra từ chiếc khăn thấm ướt mồ hôi trên lưng tôi. Nhưng cái mùi thơm khó tả của nồi nước xông vẫn y nguyên trên mình, cho dù mẹ có lau khăn kỹ lưỡng. Cái mùi ấy đặc trưng đến mức hễ ai đi ngang mình cũng hỏi thăm “Sao rồi, khỏe hẳn chưa con?”
Cũng thời điểm mùa này năm ngoái, khi Covid-19 diễn biến phức tạp, lương thực khan hiếm, khó xoay trở, người Sài Gòn vẫn ưu tiên tìm mua sả, chanh, gừng để làm nước xông phòng bệnh. Dù chưa được chứng nhận bài thuốc xông ấy có thể phòng trừ virus hay không nhưng người ta vẫn đổ xô mua sả, nhà nhà chia nhau từng tép sả quý giá. Tôi trồng được hai bụi sả khá tươi tốt ở cổng rào, nay chia hàng xóm người này vài ba tép, người kia một nhúm lá tươi để “làm thuốc”.
Mới đây thôi, cô em đồng nghiệp cũ nhắn xin một chậu sả nhỏ tôi trồng kiểng chưng chơi trong nhà. Em mang lên công ty để cạnh bàn làm việc. Em ấy giống như tôi lúc mang thai. Cũng nhờ mùi sả chanh lấy giống từ khu vườn của ba, tôi mới vượt qua giai đoạn nghén ròng. Và khi có thai, tôi mới biết nếu thường xuyên ngửi hương thơm từ tinh dầu sả thì sẽ sớm lấy lại tâm trạng thư thái, đồng thời cho giấc ngủ ngon và sâu hơn.
Nhớ vậy, để biết mình mang ơn ba nhiều lắm. Ba từng nói chị em tôi đừng coi thường một cọng sả. Những thứ vốn bình thường nhỏ bé nhưng khi hữu sự lại quan trọng vô cùng.
TRẦN HUYỀN TRANG