Trong tuổi thơ của những đứa nhà quê, dúi dẻ, chùm chu, chà là, trứng cá... là một phần không thể thiếu. Đến đỗi nhà thơ Nguyễn Tấn Hải, đầu bạc hoa râm rồi mà vẫn còn bồi hồi khi nghe những thứ hương mộc mạc ấy: “Mùi dú dẻ níu ta về xóm cũ/ Thuở chăn trâu nghêu ngao hát trên đồng...”. Tuổi thơ tôi không chỉ có bấy nhiêu, mà còn có cả một mảng kỷ niệm đẹp với những quả sim.
Hoa sim. Ảnh: Đ.H.L |
Mỗi độ những đám mây bàng bạc lững lờ trôi về phía mùa thu, trời không còn đổ lửa và hoa cúc đã căng tràn hạt nắng, đó là lúc trên đồi sim tím mơ, những chùm quả đã ấp ôm vị ngọt trong lòng.
Nhà tôi tựa lưng vào Mã Đầu sơn, một ngọn núi ở Quảng Ngãi. Khoảng thời gian này, tôi hay cùng bà nội đi hái sim. Thu hoạch một thứ quả không gieo, không chăm quả là hời, chỉ có điều... thở không ra hơi, nhưng vui lắm. Tôi đâu rành những loại cây rừng, nhè trái nào vặt trái ấy. Có mấy lần về nhà, bà nội tá hỏa vì “biếu” cả buổi chiều cho thần Núi, mà thằng cháu hái toàn trái sống, trái dại. Nhưng bà có thâm niên hái sim nên cũng bù sớt cho tôi. Từ đó, sợi dây kinh nghiệm của tôi dài thêm một chút. Những hôm đi “săn sim” sau này, hai bà cháu lúc nào cũng trở về với một thúng sim đầy nhóc. Rồi một đám trẻ nhỏ xúm xít, tranh nhau từng quả sim tím hồng, ngọt lịm.
Trái sim hay trái trứng cá, trái chùm ruột... đều là những món ăn vặt không đồng của tuổi thơ. Nhưng với những cây sim rừng, tôi còn gửi ở đó một mảng kỷ niệm đẹp. Nơi ấy có bà nội, nón mê, tay bưng chiếc thúng sắp bung vành hái từng quả sim, kể chuyện đời xửa đời xưa cho tôi nghe, nhiều khi “dợt” lại câu ca dao: “Đói lòng ăn nửa trái sim/ Uống lưng bát nước đi tìm người thương”.
Đà Lạt, Sa Pa với những ngọn núi chót vót, lãng đãng sương mờ phủ giăng trên đỉnh. Đôi lần tôi đã chết mê chết mệt với vẻ đẹp lãng mạn, thơ mộng của hai thành phố này. Nhưng hình ảnh núi Ngựa - tên gọi thân thương của Mã Đầu sơn - vẫn khắc sâu trong tâm khảm bởi đó là cả một khoảng trời tuổi thơ.
Khi lửa văn chương bén sang tôi, tôi bắt đầu mê những vần thơ. Trong đó, “Màu tím hoa sim” của thi sĩ Hữu Loan đã tạo ấn tượng trong tôi. Thường khi gặp nhau, trao đổi về thơ thì màu tím đượm buồn luôn chen vào cuộc “đàm đạo” giữa tôi và nhà thơ Hà Huy Hoàng. Chính từ ấy, tôi mới giật nảy mình vì đã bỏ quên sắc tím mơ màng trên đồi sim, chỉ nhớ đến những trái dại. Từ dạo ấy, tôi thích hoa sim như một bản năng. Mỗi lần đọc lại, cảm xúc lại dâng tràn, một áng thơ tình buồn, nhưng lại làm tôi nhớ kỷ niệm da diết: “...Những đồi hoa sim/ Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/ Màu tím hoa sim/ Tím chiều hoang biền biệt...”.
Đầu tôi tua ngược cuốn phim, hình ảnh ngày nào bà cháu lên rừng hái sim bất chợt hiện về, cho lòng bao xúc cảm, rưng rưng...
Khi keo, bạch đàn “lên ngôi”, những cây sim rừng không đủ sức chống trả, gần như đến tuyệt chủng. Có những lần sau này, tôi nói với bà: “Hôm nào bà cháu mình lại đi hái sim nha nội”. Bà không nề hà tuổi cao leo không nổi, chỉ nhẹ nhàng, mà giọng trầm xuống, vẻ tiếc lắm: “Người ta phá hết rồi, có còn đâu mà hái?”. Nhưng tôi gạt bỏ ngoài tai, vẫn “xăm xăm băng lối rừng xanh một mình”. Và quả thực... chẳng còn gì cả...
Thế là những mùa sim vẫn đến, nhưng những quả sim trên núi Ngựa đã không còn chín nữa. Dĩ nhiên, đôi lần tôi vẫn hội ngộ sim rừng ở đâu đó bên đường, trên chiếc thúng cột sau ba ga xe đạp. Tôi không lên núi tìm hồng sim, thì sim lại xuống tìm tôi. Với giá “vét túi”, nhưng tôi vẫn không ngần ngại, như để tìm về một thoáng kỷ niệm xa xưa ngọt như hương vị trái sim chín...
NGUYỄN NHẬT THANH