Thêm lối tìm về nguồn gốc phương ngữ Quảng Nam

.

Cùng với những công trình nghiên cứu về Quảng Nam của các tác giả khác, cuốn sách Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam (NXB Đà Nẵng, 2022) góp một tiếng nói ý nghĩa vào việc tìm ra cội nguồn của giọng Quảng cũng như thấy được tầm quan trọng của việc bảo tồn giọng địa phương.

Để phân biệt các địa phương trong một quốc gia, lãnh thổ, một trong những yếu tố chính được nhắc đến là phương ngữ - giọng địa phương của vùng đất đó. Người dân mỗi vùng miền có một giọng nói riêng với những đặc trưng về ngôn ngữ; và giọng Quảng Nam cũng mang trong mình những điều khác biệt đó, nhất là cách phát âm mà phần lớn những ai tiếp xúc lần đầu cũng đều cần người… phiên dịch.

Để đi tìm gốc gác, nguyên căn của giọng nói “một mình một chợ” này, PGS.TS Andrea Hoa Pham (Đại học Florida, Hoa Kỳ) đã dày công nghiên cứu nhiều năm, lặn lội điền dã nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhân vật với những ghi chép thực tế thú vị, và cuối cùng cho ra đời tập sách Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam.

Với tập sách Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam, tác giả Andrea Hoa Pham trình bày các chứng cứ cho thấy giọng Quảng Nam được xây dựng trên nền tảng giọng Thanh Hóa, có thu nhận và điều chỉnh một số yếu tố của phương ngữ Nghệ Tĩnh. Đấy là các giọng nói của người Thanh - Nghệ đã vào khai phá và sinh sống ở vùng đất Quảng Nam, đặc biệt trong các thế kỷ 16 và 17.

Thông qua việc nghiên cứu lịch sử di dân, cùng với những chứng cứ ngữ âm - âm vị của giọng Quảng Nam và những quá trình biến đổi theo các quy luật hoạt động nội tại của ngôn ngữ, tác giả đã đi tìm lời giải cho câu hỏi đầy thách đố “vì sao giọng Quảng Nam lại khác biệt đến thế so với các phương ngữ khác của tiếng Việt?”.

Hành trình đi tìm lời giải đã dẫn dắt tác giả đến những làng mạc nhỏ bé xa xôi vùng Hà Tĩnh, những thôn xóm hiu hắt cạnh công trường đá, các làng chài nghèo khó ven sông Lam hay ở vùng biển Thanh Hóa. Đó là những nơi tổ tiên người Quảng Nam đã rời bỏ để vào vùng đất mới. Tám chương sách là các câu chuyện về cuộc hành trình ấy, để hiểu về những điều kỳ lạ và kỳ diệu trong giọng Quảng Nam. Từ đó, người Quảng Nam sẽ hiểu rõ nguồn gốc và sự hình thành nên giọng nói của mình ngày nay, để thấy trân quý và biết giữ gìn hồn cốt trong chất giọng đặc biệt này.

Giọng địa phương là hồn cốt của văn hóa dân gian, là “căn cước” định hình nên một cộng đồng dân cư. Khi giọng địa phương mất đi, chúng ta không chỉ mất đi một biến thể ngôn ngữ trong số hàng chục phương ngữ khác, mà còn mất đi một đặc trưng văn hóa vùng miền, mất đi một kho tàng giàu có của tộc người nói thứ tiếng ấy, mất đi một phần kinh nghiệm của loài người thể hiện qua tiếng nói ấy.

Điều cực kỳ quan trọng nữa là mất đi những chứng cứ về sự thay đổi và biến hóa của ngôn ngữ ấy. Cùng với những công trình nghiên cứu về Quảng Nam của các tác giả khác, cuốn sách Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam góp một tiếng nói vào việc tìm ra cội nguồn của giọng Quảng cũng như thấy được tầm quan trọng của việc bảo tồn giọng địa phương.

Đây là công trình ý nghĩa tác giả dành cho quê nhà nhân kỷ niệm 550 năm danh xưng Quảng Nam (1471-2021), 25 năm ngày thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam chia tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương (1997-2022). Công trình này được NXB Đà Nẵng chọn làm tác phẩm thứ hai trong “Tủ sách Đất Quảng”, sau cuốn Quảng Nam qua các thời đại của Phan Du (tái bản năm 2021).

Là người con gốc Quảng Nam, tốt nghiệp Tiến sĩ Ngôn ngữ học tại Đại học Toronto (Canada), hiện là Phó Giáo sư, Tiến sĩ tại khoa Ngôn ngữ, Văn học và Văn hóa, Đại học Florida (Hoa Kỳ), Andrea Hoa Pham hiểu rõ giọng nói quê hương và rất tâm huyết với các đề tài về giọng Quảng. Trước đây, Andrea Hoa Pham đã có nhiều công trình nghiên cứu ngôn ngữ học bằng tiếng Anh liên quan đến đề tài giọng Quảng Nam và phương ngữ tiếng Việt, được xuất bản tại Amsterdam (Hà Lan), New York (Hoa Kỳ).

THẢO VY

;
;
.
.
.
.
.