Chẳng biết tại sao những con cá nhỏ xíu, ít màu sắc, hay có mặt trên đồng ruộng lại có tên cá lòng tong, nhưng với những đứa trẻ quê thì cá lòng tong chính là món quà tuổi thơ. Những trưa hè ấy, đám trẻ giả vờ nhắm mắt ngủ trưa, chỉ cần đợi mẹ nhẹ nhàng ngồi dậy, thay đồ đi làm, dắt xe ra khỏi nhà thì những con mắt he hé, thập thò kia nhất loạt mở ra rồi bật dậy. Hối hả nhìn ngược nhìn xuôi, bắc ghế lấy cái mũ tai bèo treo trên mắc rồi ù té chạy ra điểm tập họp ở đầu xóm là một cây mít già.
Cá lòng tong đã đi vào câu ca của người dân vùng sông nước: “Thiếp như con cá lòng tong. Đói đem kho quẹt đỡ lòng trống không”. Ảnh: dacsanmientay.vn |
Ở đấy có mấy đứa cũng lóc chóc như thế đã sẵn sàng lên đường với tay bị, tay rổ, có đứa thủ sẵn một cái chai thủy tinh. Cả đám im lặng bấm nhau chạy nhanh theo lối mòn sau trường để ra ruộng. Đám bạn rất giỏi, nhất là mấy đứa con trai dường như chỉ cần ngó thôi cũng đã biết chỗ ruộng nào nhiều cá để bắt. Những con cá lòng tong trốn rất kỹ trong các gốc lúa, vậy mà chỉ một thoáng đã nằm trong rổ của đám trẻ chúng tôi.
Bắt ở ruộng chả được mấy, lại hay bị người lớn xua vì sợ chúng tôi dẫm lúa, nên cả đám thường bắt cá trong cái khe suối nhỏ dẫn nước vào ruộng. Cả cái khe suối cạn khi trượt dốc xuống cũng có chỗ để bắt cá, mấy đứa bạn lúi húi xâu dép thành một xâu và giao cho tôi nhiệm vụ đeo cái xâu dép ấy lên người mà lội suối cho khỏi bị nước trôi. Quần đứa nào đứa nấy xắn cao, con suối nông nước trong chỉ ngang bắp chân đám trẻ ở chỗ hẹp mà mọi người hay nhảy qua để đi ruộng. Nhưng nếu cứ đi ngược lên đầu con đập nhỏ sẽ có đoạn suối rộng bằng cái ao nhỏ, chỗ đấy nước đến tận lưng quần đám trẻ. Tôi là đứa nhát nhất, nên không dám vào sâu khi nước quá bắp đùi, chỉ dám đứng lấp ló phía ngoài với xâu dép trên cổ chờ chúng bạn bắt cá.
Đám chúng tôi biết chia nhau, hôm nào ít cá quá thì chỉ đem về nuôi trong chai lọ, cá nhiều hơn thì luân phiên chia nhau, hôm nay nhà đứa này được cá ăn, hôm sau đến nhà đứa khác. Tôi không dám nhận cá bởi sợ mẹ biết tôi trốn ngủ trưa. Vì vậy, tôi thường nhường cho cái Loan hàng xóm, bởi nhà nó thường ít đồ ăn ngon hơn chúng tôi.
Những con cá lòng tong nhỏ, hay con tép trong veo được chúng tôi cho vào cái chai nhỏ như chai truyền nước đạm để nuôi, chỉ cần cho thêm vài viên sỏi nhỏ, thêm cây rong đuôi chó là cái bể cá của tuổi thơ đã hoàn tất, cứ thế mà nâng niu và đặt khắp nơi trong nhà để ngắm. Những con cá lòng tong trong lọ cũng hay chết, nhưng chỉ cần chết hôm nay thì hôm sau tôi lại đi ruộng nên có cá mới để thay vào nuôi tiếp.
Thế rồi, trong những buổi bắt cá như thế, tôi năn nỉ đám bạn để lấy được một chú cá bống nhỏ bằng ngón tay út đem về nuôi. Tôi lén mẹ thả vào cái phi nước ăn gần gốc ổi, rồi cũng bắt chước cô Tấm mang cơm nguội cho cá. Cá thì nhỏ, cục cơm nguội thì to. Hôm sau, cả cá bống nhỏ lẫn đám cơm nguội đã bị mẹ phát hiện khi xác cá nổi lên vật vờ, còn cơm nguội thì trắng lả tả trong phi nước. Cả cái mông lằn roi và giọt nước mắt ngắn dài vẫn không ngăn được ý tưởng nuôi cá bống của những ngày thơ dại, tôi truyền cho lũ bạn ước mơ nuôi cá bống lấy quần áo đẹp như trong truyện nhưng chỉ có cái Loan chịu tin. Nhà cái Loan có cái lu nhỏ mẹ nó để muối dưa nhưng lâu nay không dùng đến.
Hai đứa vần ra góc vườn múc nước đổ vào lu đợi bắt cá bống về thả. Cũng vẫn quy trình cho ăn cơm nguội nhưng cá bống cứ lăn ra chết, tôi bảo Loan bỏ vào lọ chôn ở góc chân giường. Nhưng cái giường to và nặng quá, hai đứa không nhấc lên được, tôi ngó quanh phát hiện cái chạn gỗ có bốn cái bát để nước kê chân chạn, bèn cho luôn cá vào bát nước. Đến hôm sau cá chết trương lên, mẹ cái Loan biết được và lần này đến lượt nó bị đòn. Từ bên nhà, tôi chỉ dám nhấp nhổm ghé tai nghe đám em truyền nhau việc Loan bị đánh mà không dám chạy sang, sợ bị mách tội cùng.
Vậy mà cũng có hôm tôi được ăn món cá lòng tong ấy khi bố mua về một mớ nhỏ. Bố chọn con cá khỏe nhất cho vào chai nước bể cá trên bàn rồi lúi húi ra vườn hái khế vào kho. Mớ cá nhỏ được bố nấu trong nồi đất nhỏ, lửa liu riu đến khi gần cạn khô, cá mềm đến tận xương với những lát khế chua ăn vào ngày mưa mới thơm ngon làm sao. Tôi xuýt xoa đưa chén xin thêm bố bát cơm nữa, bố cười bảo có cá vạ cơm. Những ngày sau ấy, hôm nào thèm quá, tôi bắt Loan giả vờ mang cá sang để tôi có cớ đưa cá về cho mẹ nấu mà không bị đòn; nếu không tôi giao hẹn hôm nào tôi cho cá thì cái Loan phải dành phần cho tôi sang ăn cơm với.
Những con cá lòng tong tưởng đã trôi vào quên lãng, nhưng khi ghé những chợ chiều ven quốc lộ thấy mớ cá của ngày xưa được bày bán trên những mớ lá khoai nhỏ, tôi lại bồi hồi. Chỉ tầm mười mấy đến hai chục ngàn đồng một mớ cá, vài quả khế chua, rắc thêm ít lá nghệ tươi, dường như những buổi trưa hè trốn ngủ đi bắt cá đã quay lại trong mùi tóc khét nắng và trong cả những tiếng cười trong veo thuở ấy…
LÊ THỊ KIM SƠN