Mỗi mùa Xuân về, hoa ban Tây Bắc lại nở trắng rừng, trắng núi. Với vẻ đẹp tinh khiết, loài hoa bản địa này đã được chính quyền tỉnh Lai Châu di thực xuống núi trồng khắp các tuyến phố để trở thành biểu tượng của thành phố trẻ Lai Châu - Thành phố hoa ban.
Hoa ban nở rực rỡ ở các tuyến đường thành phố Lai Châu. Ảnh: Đ.H.L |
Mặc dù còn non trẻ sau khi tách ra từ tỉnh Lai Châu thành hai tỉnh: tỉnh Lai Châu (mới) và tỉnh Điện Biên vào ngày 1-1-2004, nhưng thị xã Lai Châu nhanh chóng trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Lai Châu mới và xây dựng thành một thành phố trẻ được quy hoạch khang trang, hiện đại. Tôi ví thành phố Lai Châu giống chiếc sân vận động bởi địa thế như một cái lòng chảo, các huyện là các khán đài A, B, C, D... nằm tựa lựng vào sườn núi. Có lẽ nhờ vậy mà đứng ở bản nào thuộc bất kỳ xã nào, huyện nào, du khách cũng có thể quan sát trung tâm thành phố khi nhìn xuống thung lũng.
Cùng với sự phát triển đô thị, thành phố cũng chọn hoa ban trồng đại trà trên nhiều tuyến phố, nhất là ở khu trung tâm hành chính tỉnh và quảng trường thành phố. Mỗi lần chúng tôi có dịp về phố từ bản Căn Tỷ (xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ) đều được ngắm nhìn hoa ban nở khắp các tuyến đường.
Hoa ban có nhiều màu như trắng, đỏ, tím. Loài nào cũng có vẻ đẹp riêng, nhưng nếu quan sát kỹ, tôi vẫn thích hoa ban trắng hơn bởi nó mang đậm bản sắc của núi rừng Tây Bắc. Ẩn sâu bên trong màu trắng tinh khiết ấy là một sức sống mạnh mẽ và từ lâu đã đi vào đời sống văn hóa, tinh thần của người dân nơi đây.
Hoa ban nở rộ vào tháng 3 đến tháng 5 hằng năm. Đặc biệt, cây rụng hết lá trước khi nở hoa nên mỗi mùa xuân về, trên thân cây chỉ toàn hoa mà không có lá. Những cành hoa ban khẳng khiu tưởng chừng khô khan, nhưng bật lên những bông hoa rực rỡ tràn đầy sức sống. Mỗi bông hoa ban trắng có đường kính khoảng 8-12cm và có từ 4-5 cánh, nhụy màu hồng, gân màu tím. Nhụy hoa có vị ngọt và tỏa hương thơm rất dễ chịu nên quyến rũ nhiều loại côn trùng đến lấy mật.
Hoa ban không chỉ làm đẹp cho mùa xuân mà còn trở thành mùa hội hái hoa theo phong tục Thái trắng và được dùng làm ẩm thực rất độc đáo của đồng bào nơi đây. Chính sức sống mãnh liệt và sự tinh khiết nên hoa ban được xem là biểu tượng chung thủy và vẻ đẹp của người phụ nữ vùng cao Tây Bắc.
Trong mỗi cuộc vui, anh Bùi Chiến - Báo Lai Châu - thường kể đi kể lại cho tôi nghe về sự tích của loài hoa này để giúp tôi hiểu hơn về văn hóa và con người Tây Bắc. Chuyện kể rằng, ngày xưa, ở vùng đất Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na, có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai Mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho một chàng Khum giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai Tạo Mường vừa gù, vừa lười. Thấy cha cùng nhà Tạo Mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Sau khi kiệt sức, nàng gục xuống núi chết. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân Mường gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thủy.
Chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hóa thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết… Từ đó, mỗi khi xuân về, hoa ban nở trắng núi rừng, trai gái lại rủ nhau đi hội chơi núi, ca hát, múa xòe và bày tỏ tình yêu đôi lứa, như muốn có được tình yêu chung thủy như đôi Ban - Khum.
Kể từ khi nghe câu chuyện cổ tích về loài hoa này, mỗi lần đứng trước những con phố rực trắng hoa ban ở Lai Châu, tôi càng thêm yêu vẻ đẹp thuần khiết, tinh khôi của loài hoa ấy. Dường như có một tình yêu đang lớn dần trong tôi với mảnh đất, con người vùng cao mộc mạc, giản dị nhưng chan chứa ân tình nơi đây. “Gặp em đây khi mùa hoa ban nở/ Giữa núi rừng nghe tiếng thở đâu đây/ Hoa ban trắng ai đã rải trên cây/ Để lòng anh đang ngất ngây tình ái” (Hoa ban trắng - Nguyễn Thái Cơ).