NGƯỜI XỨ QUẢNG

Làng có giọng "lạ"

.

Chỉ cách một bờ mương, hay một cánh đồng hẹp như một dải lụa xanh làm ranh giới nhưng giọng nói của người dân các thôn Phong Nam, Đông Hòa, Tây An lại khác một trời một vực so với các thôn còn lại của xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.

Vợ chồng ông Trần Tri ôn chuyện “mầy sô, tô dzậy” ở hai làng Đông Hòa và Tây An, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.Ảnh: NHƯ HẠNH
Vợ chồng ông Trần Tri ôn chuyện “mầy sô, tô dzậy” ở hai làng Đông Hòa và Tây An, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang.Ảnh: NHƯ HẠNH

Điều độc và lạ là người dân các thôn Phong Nam, Đông Hòa, Tây An sở hữu cách nói thoạt nghe như tiếng Sài Gòn nhưng lại phát âm theo giọng Quảng Nam chính hiệu. Nhiều du khách đến thăm làng cổ Phong Nam đã ngẩn tò te vì cách phát âm độc lạ của người địa phương.

Thay vì “chi, mô, răng, rứa” thì người dân 3 thôn này nói “gì, đâu, sô (sao), dzậy (vậy)”. Cái sự không xưng hô theo kiểu “mi, tau”, mà thay vào đó là “mày, tô (tao)” đã làm nên một nét rất riêng giữa bản hòa ca giọng quê xứ Quảng.
Giọng Sài Gòn giữa đất quê

Trong ngôi nhà gạch 3 gian nhuốm màu ký ức ở làng Đông Hòa, ông Trần Nhi và vợ là bà Phạm Thị Lộc (người làng Tây An), 86 tuổi, nhìn ra hàng cau thẳng tắp ngoài ngõ ôn lại chuyện xưa. Ông Nhi nói, cả mấy làng Phong Nam, Đông Hòa, Tây An, Phong Bắc (nay thuộc quận Cẩm Lệ) mấy trăm năm trước có chung tên gọi là làng Phong Lệ. Sau này, dòng sông Cẩm Lệ lớn dần, chia Phong Lệ thành hai làng Phong Nam và Phong Bắc. Nhiều hộ gia đình rời làng Phong Nam đi khai phá đất đai các vùng phụ cận, hình thành xóm làng mới Tây An, Đông Hòa. “Vì dzậy, họ Trần (Nhị Trần) ở làng Đông Hòa và họ Trần (Nhứt Trần) ở làng Phong Nam không chỉ chung một tiền hiền mà con chung giọng nói”, ông Trần Nhi giải thích.

Kiểu xưng mày, tao xưa nay vốn không xa lạ đối với người dân miền Bắc lẫn miền Nam. Nhưng vấn đề là người làng Phong Nam biến vần “ao” cuối chữ thành vần “ô” rất chi là mặn mòi chất Quảng. Ở xã Hòa Châu, không chỉ có làng Phong Nam sử dụng “ngôn ngữ lạ” mà một số làng lân cận như Đông Hòa, Tây An cũng như vậy. Hôm về dự lễ rước Mục đồng làng Phong Lệ, hỏi thăm những bậc cao niên trong làng thì nhận được câu trả đặc sệt chất Phong Nam: “Thì xưa ông bà nói sô (sao) giờ nói dzậy, chớ có biết lý do vì sô (sao) mà trả lời…”.

Lý giải cho sự độc và lạ này, có người bảo tại nguồn nước giếng làng, tại con đất nhưng cũng có người bảo tại ông tiền hiền làng Phong Lệ là người Thanh Hóa (xứ Bắc), có gánh theo cách xưng hô “mày, tao” quê nhà vào vùng đất mới, pha trộn với giọng địa phương nên mới sinh ra cái giọng lạ không đâu có được…

Bà Ngô Thị Đằng (phải) - một trong những người cao niên vẫn chung thủy với giọng điệu đặc sệt chất Phong Nam. Ảnh: NHƯ HẠNH
Bà Ngô Thị Đằng (phải) - một trong những người cao niên vẫn chung thủy với giọng điệu đặc sệt chất Phong Nam. Ảnh: NHƯ HẠNH

Chuẩn giọng Phong Nam

Cuối hạ, trời dần chuyển sang thu… nhưng hàng rào dâm bụt dẫn vào nhà bà Ngô Thị Đằng ở làng cổ Phong Nam vẫn lung linh thắp lửa. Nghe tiếng chó sủa từ đầu ngõ, bà Đằng hắng giọng hỏi vọng ra bằng chất giọng chuẩn Phong Nam: “Đứa nồ (nào) tới dzậy bây?”. Khi nhận ra người quen, bà nở nụ cười móm mém đón khách.

Căn nhà ba gian hai chái kiểu phổ biến ở nông thôn nằm giữa mảnh vườn cũ trở nên lặng lẽ khi các thế hệ con cháu rủ nhau về phố mưu sinh. Ở tuổi 80, bà Đằng là một trong những người cao niên vẫn chung thủy sống với đất làng nên có lẽ vì vậy mà giọng điệu vẫn đặc sệt “chất” Phong Nam. Bên chén nước chè xanh thơm thảo tình quê, bà kể chuyện vui rằng, có lần dự đám cưới ở Huế, khi bà nói chuyện, nhiều người nhầm tưởng bà là dân Sài Gòn ra Quảng Nam sinh sống lâu năm nên mới có cái giọng pha trộn độc đáo như vậy.

Trong khi đó, bà Trần Thị Hường về làm dâu xứ “tô, mày” đã gần 40 năm nhưng vẫn có cảm giác như lấy chồng xa xứ. Chẳng những khác biệt về nết ăn, nết ở mà giọng nói, điệu quê ở nhà chồng cũng khác hẳn so với nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mà nào có xa ngái cho cam, quê bà ở Quang Châu chỉ cách một cánh đồng sang Phong Nam mà ngỡ như lạc sang xứ lạ. Ở nhà, bà vẫn quen “mô, tê, răng, rứa” nhưng bước qua cánh đồng sang quê chồng lại chuyển ngữ sang “mày, tao…”.

Ban đầu không quen, cũng ngượng mồm ngượng miệng lắm. Nhưng đã thương thì “thương cả đường đi lối về”. Cũng như bao nhiêu cô gái lấy chồng làng Phong Nam, mấy mươi năm làm dâu, rồi làm mẹ và bây giờ lên chức bà nội, bà ngoại nhưng bà Hường vẫn giữ thói quen sử dụng “hai ngôn ngữ”. Lúc ở làng thì dùng thổ ngữ Phong Nam đặc sệt, nhưng khi về quê mẹ hay ra chốn đông người thì lại đổi giọng... “mi, tau” cho... hội nhập với mọi người.

Ông Ngô Văn Nghĩa - người luôn đau đáu về việc họ việc làng ở mảnh đất nổi tiếng với lễ rước Mục đồng độc đáo - nguyên là Bí thư Chi bộ thôn Phong Nam, từng ra Bắc học tập rồi vào Nam chiến đấu. Ông đã tiếp xúc rất nhiều đồng chí, đồng đội, bạn bè ở khắp mọi miền đất nước, nhưng trong ông vẫn không hề quên giọng điệu quê hương.

Bao năm nay ông vẫn gọi vợ mình là “mụ” như cách gọi của người làng mấy trăm năm trước. Vẫn câu hỏi “Phẻ (khỏe) không mày?” mỗi lúc gặp bạn bè quen. Rồi cái cách mắng yêu bằng một cụm từ đầy hình ảnh của các cụ già như: “Con ngựa tàu cau”, “con heo hạch” (vô tích sự, không được việc gì…); “Yêu họ…” (Không phải vậy, không ra gì). Riêng tiếng “hối” khi kết hợp với một danh từ, động từ, tính từ thì mang nghĩa phủ định hoàn toàn: “Đẹp hối” nghĩa là không hề đẹp chút nào; “nhanh hối” nghĩa là còn lâu mới nhanh…

Nếu như không có cái nắng đúng ngọ và giọt mồ hôi bức bách thì có lẽ câu chuyện với người cựu Bí thư ngôi làng có giọng lạ không dừng ở câu kết đầy tự hào: “Dân làng Phong Nam có giọng điệu riêng, phát âm tuy khó nghe, âm sắc lại nặng và cứng nhưng đầy hào sảng. Đó là giọng nói của vùng đất sản sinh những anh hùng tráng khí Ông Ích Khiêm, Ông Ích Đường…”.

Gìn giữ tiếng riêng

Người ta bảo rằng, không cần đến chứng minh thư, mà chỉ cần nhìn cách ứng xử, nghe giọng nói của mỗi người vẫn có thể biết cội nguồn quê hương bản quán. Quả thật vậy, nếu như người Quảng đi đâu cũng nhận ra nhau bởi cái giọng nằng nặng nghĩa tình thì dân các làng Phong Nam, Đông Hòa, Tây An càng dễ nhận ra nhau bởi cái điệu quê độc và lạ hiếm có. Đó cũng là lý do mà người dân quanh vùng Hòa Châu mỗi khi nói đến người 3 làng này thì luôn kèm theo định danh khá hóm hỉnh: Dân “mày, tô”.

Thực ra, trên mảnh đất Quảng Nam, không chỉ các làng Phong Nam, Đông Hòa, Tây An nói giọng Sài Gòn theo kiểu Quảng mà còn có một số địa phương khác như thị xã Điện Bàn có làng Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung), làng Phong Ngũ (xã Điện Thắng Nam) hay huyện Quế Sơn có thôn Lộc Đại (xã Quế Hiệp) đều cùng chung một bản ngữ “lạ”.

Ngày trước, người làng Phong Nam rất khắt khe trong việc giữ gìn “tiếng nói’ của làng. Con cháu dù có làm ông này bà nọ, dù sinh sống ở đâu nhưng khi trở về làng đều nhất nhất một giọng “mầy sô, tô dzậy” không đổi. Nếu lỡ ai đó đem giọng xứ khác về làng thì người dân bản địa xem là lai căng, mất gốc. Con gái xứ khác về làm dâu phải học “ngôn ngữ” Phong Nam làm đầu…

Bây giờ, thời buổi hội nhập, nhiều cô dâu, chú rể xứ Bắc theo chồng về các làng Phong Nam, Đông Hòa, Tây An vẫn giữ lại đâu đó âm sắc cố hương. Lớp trẻ rời lũy tre làng đi làm ăn ở xứ người, việc giải tỏa đất đai để hình thành khu dân cư mới đã đón nhiều cư dân vùng khác tới sinh sống là một trong những tác động không nhỏ làm nhạt phai ít nhiều giọng nói bản địa. Liệu con cháu sinh ra trong các ngôi làng có “ngôn ngữ lạ” ấy có tiếp tục duy trì ngữ âm cố quận như lưu giữ một nét đẹp văn hóa của tiền nhân?

Tôn trọng sự khác biệt 
Trao đổi với chúng tôi tại buổi ra mắt cuốn sách Nguồn gốc và sự hình thành giọng Quảng Nam (NXB Đà Nẵng, 2022) của PGS.TS Andrea Hoa Phạm diễn ra tại Thư viện Đà Nẵng ngày 9-7, ông Võ Văn Thắng - người làng Tây An, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng - cho biết: “Có rất nhiều vấn đề để các nhà ngôn ngữ nghiên cứu, tìm hiểu về nguyên nhân sự khác biệt nhưng đến nay vẫn chỉ là những giả thuyết. Giọng nói vốn là đặc trưng của một vùng đất. Vì vậy, cần phải tôn trọng sự khác biệt đó để giữ gìn bản sắc từng vùng, miền”.

NHƯ HẠNH

;
;
.
.
.
.
.