Thay cho lời an ủi

.

Tôi đọc trong sách rằng, con người khổ một phần vì họ thường nhớ về những chuyện không vui trong quá khứ. Vì vậy, khi ai đó cứ luẩn quẩn với nỗi đau quá khứ, ta thường nghe những câu an ủi quen thuộc: Dù gì chuyện cũng đã qua rồi...; mạnh mẽ lên nào; sẽ ổn thôi, cố lên… Nỗi đau không có định mức và khả năng chịu đựng của mỗi người đều khác nhau. Vì vậy, ngôn từ đôi khi không phải là giải pháp cho những lời an ủi, nhất là với những người mang nỗi đau mất đi người thân yêu.

Tháng 7 và tháng 8 năm nay là giỗ đầu của nhiều người thân quen chung quanh tôi - những người đã qua đời trong giai đoạn đỉnh điểm căng thẳng của dịch bệnh. Thời điểm đó, nhiều câu hỏi được đặt ra: Liệu ta có bình yên vượt qua mùa dịch? Nếu may mắn vượt qua, sẽ có nhiều sự thay đổi ở chính mình và cuộc sống chung quanh; các mối quan hệ sẽ tốt hơn vì mỗi người sau thời gian ở yên trong nhà có lẽ đều nhận ra sự kết nối cần thiết đến chừng nào; và những người miệt mài làm việc sẽ có cách nào đó cân bằng lại cuộc sống để biết quan tâm đến gia đình, người thân hơn...

Ngày 15-3, du lịch Việt Nam bắt đầu mở cửa trở lại. Cả nước, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, dốc toàn lực để phục hồi. Theo số liệu Tổng cục Thống kê, tính chung 7 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 954.600 lượt người, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu du lịch, lữ hành 7 tháng của năm 2022 ước đạt 11.900 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Những con phố như được “sống lại” với hàng quán, dòng người tấp nập. Nhiều lĩnh vực hồi phục nhanh chóng, thậm chí khởi sắc hơn cả trước thời điểm xảy ra dịch bệnh. Những câu chuyện về dịch bệnh chỉ như một thước phim buồn và tưởng chừng đã trôi xa lắm rồi.

Thế nhưng, nỗi đau chẳng thể nào quên ở một số gia đình. Chẳng hạn như, bạn tôi phải trải qua thời gian thật lâu mới tin người cha đã rời xa cả nhà. Bạn đau buồn nên bị rối loạn lo âu dẫn đến mất ngủ suốt thời gian dài. Nỗi ám ảnh về dịch bệnh rồi sẽ nguôi ngoai, nhưng nỗi đau mất mát người thân đột ngột trong dịch bệnh, có lẽ người ở lại cả đời không quên được.

Bạn kể rằng, khi mọi thứ diễn ra bất thường, mình cũng ở trong sự bất thường ấy thì nhìn nhận tất cả những chuyển động là bình thường. Thậm chí, những người mất người thân còn tỏ ra mạnh mẽ bằng cách an ủi nhau. Sự an ủi bằng những hành động nho nhỏ như giúp nhau những chuyện vặt coi vậy mà ấm áp lắm. Cái xóm nhỏ xíu giờ thêm khăng khít, chia sẻ với nhau hơn. Mọi người nhìn nhau đầy cảm thông qua lớp khẩu trang, ánh mắt trao nhau lời động viên thay cho lời nói và cái nắm tay.

Mới đó đã một năm. Một năm qua, không ít người vẫn cảm thấy chơi vơi. Như bạn tôi, một thanh niên đang hừng hực sức sống với những kế hoạch, mục tiêu phấn đấu, giờ thì việc quan trọng nhất của bạn là tìm lại niềm vui. Một năm qua, bạn nỗ lực để giành lại sức khỏe tinh thần bình thường bằng cách nghe theo hướng dẫn của bác sĩ tâm lý: tham gia môn thể thao yêu thích, gặp gỡ những mối quan hệ mang lại suy nghĩ tích cực, ăn uống lành mạnh và ngủ đủ giấc… Chỉ những điều đơn giản vậy thôi, nhưng ai ở trong hoàn cảnh đó mới hiểu nó khó khăn biết chừng nào.

Tôi từng trải qua nỗi đau mất mát người thân, dù đã chuẩn bị tinh thần nhưng vẫn thấy quá khó để chấp nhận sự thật rằng trên cuộc đời này sẽ không bao giờ còn gặp lại họ, không còn chạm được vào bàn tay họ… Phải mất rất nhiều thời gian tôi mới tìm được nguồn vui sống trở lại.

Vậy nên, nếu an ủi ai đó trước nỗi đau mất người thân, tôi nghĩ ngôn từ không chuyển tải hết được. Thay vào đó, một ánh mắt, một cái nắm tay, hay lòng thầm gửi niệm lành cho nhau là những điều nên làm, và tôi tin bạn sẽ cảm thấy ấm áp hơn với những lời an ủi phi ngôn từ như thế.

ÁNH HƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.