Nhiều tuần qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thúc giục tìm tên mới cho bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox). Nhiều cái tên đã được công chúng đề xuất nhằm “tránh xúc phạm tới một nhóm sắc tộc, một khu vực, một quốc gia hay một loài động vật nào...”.
Hơn 634.000 liều vắc-xin Jynneos đã được đưa đến các tiểu bang của Mỹ để tiêm phòng bệnh đậu mùa khỉ. Ảnh: Getty Images |
Theo ABC News, tính đến ngày 17-8, hơn 38.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận ở hơn 90 quốc gia/vùng lãnh thổ, trong đó riêng Mỹ có hơn 13.500 ca.
Đặt tên mới cho các chủng virus
Trong một tuyên bố mới đây, WHO đã đặt lại tên các chủng virus gây bệnh đậu mùa khỉ, sử dụng chữ số La mã thay vì gọi theo khu vực địa lý. Cụ thể, chủng virus trước đây được gọi là chủng Congo Basin gây bệnh đậu mùa khỉ đặc hữu ở Trung Phi, nay gọi là Chủng I (Clade I); chủng virus trước đây gọi là chủng Tây Phi, nay gọi là Chủng II (Clade II). Chủng II gồm hai dòng phụ là Chủng IIa và Chủng IIb, trong đó Chủng IIb là nhóm biến thể chính lưu hành trong đợt bùng phát vừa qua.
Đối với tên gọi bệnh đậu mùa khỉ, hàng chục tên thay thế đã được công chúng đề xuất thông qua trang web của WHO (ww.icd.who.int/dev11), trong đó có những cái tên do các học giả, bác sĩ và nhà hoạt động trong cộng đồng tình dục đồng giới gợi ý... Các tên gọi tiêu biểu như Poxy McPoxface và Mpox đang được WHO xem xét.
Thông thường, việc đặt tên cho dịch bệnh được Ủy ban Kỹ thuật của WHO lựa chọn trong những cuộc họp kín. Song, lần này, WHO tiến hành tham vấn công chúng tìm tên mới cho bệnh đậu mùa khỉ, nhằm “tránh sự xúc phạm tới một nhóm sắc tộc, một khu vực, một quốc gia hay một loài động vật nào...”, như lý giải của người phát ngôn WHO Fadela Chaib.
Sau khi tham vấn, WHO sẽ chọn tên gọi nào bảo đảm giá trị khoa học, có thể chấp nhận, dễ phát âm và có thể được dùng trong các ngôn ngữ khác nhau.
Vắc-xin không phải là “viên đạn bạc”
Mối lo ngại về bệnh đậu mùa khỉ càng gia tăng khi châu Âu ghi nhận các ca bệnh tử vong đầu tiên ngoài khu vực châu Phi. Viện Robert Koch (RKI) của Đức cho rằng, dù đa số bệnh nhân là nhóm nam giới có quan hệ đồng tính, nhưng bất kỳ ai tiếp xúc thân thể gần với người mắc bệnh đều có thể bị nhiễm.
Ở Mỹ, các chuyên gia thống nhất rằng, việc tiêm chủng và phòng ngừa có thể làm chậm tốc độ bùng phát của bệnh đậu mùa khỉ. Hiện có 2 loại vắc-xin được phát triển cho bệnh đậu mùa và có trong kho dự trữ quốc gia của Mỹ có thể dùng để phòng bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có loại Jynneos của Công ty Công nghệ sinh học Bavarian Nordic (Đan Mạch) hiệu quả ngay cả với người phơi nhiễm bệnh. Cần tiêm vắc-xin trong vòng 4 ngày kể từ thời điểm phơi nhiễm, nhưng giới chức y tế Mỹ vẫn khuyến nghị người đã phơi nhiễm nên tiêm chủng trong vòng 2 tuần để giảm triệu chứng bệnh.
Vắc-xin Jynneos được tiêm 2 liều, cách nhau 4 tuần. Tính đến nay, hơn 634.000 liều vắc-xin Jynneos đã được đưa đến các tiểu bang của Mỹ. Mới đây, Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) cũng phê duyệt loại vắc-xin này dùng để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Trong khi đó, TS. Rosamund Lewis, chuyên gia phụ trách các bệnh đậu mùa trong chương trình khẩn cấp của WHO, khuyến cáo chưa cần thiết tiêm phòng đại trà ngay lập tức chống lại bệnh đậu mùa khỉ.
Theo ABC News, các chuyên gia của WHO cho rằng, vắc-xin mang lại khả năng bảo vệ khoảng 85% chống lại bệnh đậu mùa khỉ. “Vắc-xin không phải là viên đạn bạc”, các chuyên gia nói, đồng thời thúc giục mọi người cần tự bảo vệ mình, giữ khoảng cách cần thiết và những người thuộc nhóm nguy cơ (nhất là người đồng tính) nên tiêm phòng.
Điều đáng nói, hầu hết các trường hợp tử vong do bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận ở châu Phi, nhưng lục địa này vẫn là phần duy nhất của thế giới không nhận được liều vắc-xin nào. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi “bảo đảm việc tiếp cận công bằng vắc-xin cho tất cả các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng bệnh đậu mùa khỉ ở tất cả các quốc gia, khu vực”. Song, một lần nữa, WHO phải đối mặt với vấn đề nan giải khi tình trạng bất bình đẳng về vắc-xin được lặp lại sau đại dịch Covid-19.
Virus gây bệnh ban đầu được xác định trên những con khỉ được nuôi để phục vụ công tác nghiên cứu ở Đan Mạch năm 1958 nên các nhà khoa học đặt tên là bệnh đậu mùa khỉ. Song, bệnh này được tìm thấy ở một số loài động vật, hầu hết là loài gặm nhấm. Bệnh đậu mùa khỉ được phát hiện lần đầu ở người tại Congo vào năm 1970, sau đó chủ yếu ghi nhận ở Tây Phi và Trung Phi. Từ tháng 5-2022, nhiều ca mắc bệnh được ghi nhận bên ngoài “lục địa đen”. Ngày 23-7-2022, WHO tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu. Các nhà khoa học mới đây còn phát hiện bằng chứng về việc lây nhiễm virus gây đậu mùa khỉ từ người sang chó. |
VĨNH AN (theo ABC News,AP, Bloomberg)