Ấn Độ đã vượt Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới (xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức). Dự báo đến năm 2030, quốc gia Nam Á này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba toàn cầu.
Mumbai là trung tâm tài chính và giải trí của Ấn Độ. Ảnh: Housing |
Một thập niên trước, Ấn Độ là nền kinh tế thứ 11 của thế giới, trong khi nước Anh xếp thứ năm. Giờ đây, Ấn Độ vượt Anh; còn Anh tụt xuống vị trí thứ sáu khi phải vật lộn với tình trạng giá năng lượng và thực phẩm leo thang, khiến GDP bình quân đầu người giảm sút.
Năm 2022, GDP của Ấn Độ sẽ tăng hơn 7%
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI), sau khi vượt Anh, đất nước có 1,4 tỷ dân này dự kiến sẽ vượt qua Đức vào năm 2027 và Nhật Bản vào năm 2029 để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba (sau Mỹ và Trung Quốc). “Tỷ trọng GDP của Ấn Độ hiện ở mức 3,5%, so với 2,6% trong năm 2014 và có khả năng vượt 4% vào năm 2027, đây là tỷ trọng hiện tại của Đức trong GDP toàn cầu”, báo cáo cho biết.
GDP của Ấn Độ được dự báo sẽ tăng hơn 7% trong năm nay - một trong những mức tăng nhanh nhất trên quy mô toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn và đứng trước nguy cơ suy thoái, mức tăng trưởng dự báo từ 6 - 6,5% là rất đáng lưu ý.
Trong khi đó, lạm phát tăng chóng mặt đang tạo ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và nguy cơ suy thoái mà Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) dự báo có thể kéo dài tới năm 2024. GDP của Anh chỉ tăng 1% trong quý 2-2022, nếu tính cả lạm phát thì chỉ số này còn giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
TS. Arvind Virmani, cựu cố vấn kinh tế trưởng của chính phủ Ấn Độ tin rằng, nước này sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2028-2030. “Năm ngoái, chúng tôi xếp thứ sáu và việc trở thành nền kinh tế đứng thứ năm vào năm 2022 đã được dự đoán trước. Ấn Độ đang tiến lên trong bảng xếp hạng và có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2028-2030”, ông Virmani phát biểu với hãng tin ANI.
Chiến lược “Ấn Độ tự cường”
Tháng 8-2022, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định, dù thiệt hại nặng nề trong hai năm Covid-19 nhưng nền kinh tế nước này đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch và chắc chắn sẽ trở thành một trong ba nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2047 như Thủ tướng Narendra Modi đã đặt ra. “Tất cả các nỗ lực đang từng bước được chính phủ thực hiện”, ông Rajnath Singh nói. Theo đó, nếu Ấn Độ vươn lên vị trí thứ ba vào năm 2030 nghĩa là về đích sớm hơn so với mục tiêu.
Sự phục hồi của Ấn Độ sau Covid-19 càng củng cố tuyên bố của Ấn Độ là một cường quốc. Hôm 15-8, phát biểu nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh Ấn Độ, Thủ tướng Modi nhấn mạnh: Quan điểm của thế giới về Ấn Độ đang thay đổi và thế giới đang hướng tới Ấn Độ để giúp giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Các chuyên gia nhận định: Chính sách kinh tế Modinomics dưới thời Thủ tướng Modi đã mang đến luồng sinh khí mới cho tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ. Nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ đầu vào năm 2014 trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, ông Modi đã áp dụng chính sách Modinomics để phục hồi nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ của ông coi trọng phát triển những lĩnh vực chủ chốt, bao gồm kết cấu hạ tầng, các mạng lưới quang học, ngư nghiệp và đẩy mạnh ngành công nghiệp chế tạo trong nước.
Thế giới biết đến một “Ấn Độ tự cường” (Self-reliant India) - chiến lược của Thủ tướng Modi nhằm đưa Ấn Độ trở thành quốc gia tự lực, tự cường. Chiến lược này dựa trên 5 trụ cột: Phát triển nền kinh tế mới trở thành nền kinh tế quy mô 5.000 tỷ USD; tạo dựng cơ sở hạ tầng hiện đại; thiết lập hệ thống phân phối dựa trên công nghệ; tận dụng dân số trẻ; khai thác hiệu quả nhu cầu trong nước. Ấn Độ hiện trở thành nhà sản xuất di động lớn thứ hai thế giới và ngành công nghiệp điện tử của nước này tăng trưởng lên khoảng 80 tỷ USD; xuất khẩu cũng vượt mốc 600 tỷ USD. Từ vài trăm công ty khởi nghiệp vào năm 2014, Ấn Độ đến nay có hơn 74.000 công ty khởi nghiệp. Hơn 100 công ty khởi nghiệp đang được đánh giá cao là những kỳ lân. Tỷ phú Ấn Độ Gautam Adani vừa trở thành người châu Á đầu tiên lọt top 3 người giàu nhất hành tinh trong Bloomberg Billionaires Index - bảng xếp hạng tài sản của các tỷ phú trên thế giới, với gần 140 tỷ USD tài sản.
Tuần trước, phát biểu với hãng tin CNBC, ông Ashok Hinduja - Chủ tịch tập đoàn Hinduja có trụ sở chính tại Ấn Độ - bày tỏ sự lạc quan về quốc gia Nam Á này, mô tả đây là “thị trường phát triển nhanh, mới nổi rất tuyệt vời”. Ông lý giải: “Chúng tôi thấy tình trạng suy thoái kinh tế ở Mỹ, Anh, châu Âu và các vấn đề khác ở Trung Quốc cũng như Đông Nam Á. Trong bối cảnh tổng thể, các nhà đầu tư đang tập trung nhiều hơn vào Ấn Độ, một thị trường mới nổi”.
KHÁNH LINH
(theo Bloomberg, CNBC, Reuters)