Công tác quy hoạch đô thị được Đà Nẵng xác định là mục tiêu quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển, xây dựng thành phố. Bởi lẽ, để đạt chuẩn đô thị văn minh theo Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18-2-2022 của Chính phủ, Đà Nẵng phải hoàn thành 9 tiêu chí đánh giá, trong đó có nội dung về quy hoạch đô thị được cấp thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai…
Thời gian qua, Đà Nẵng đã khớp nối 633 tuyến đường trên địa bàn quận. TRONG ẢNH: Khu đô thị mới trên tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài, đoạn qua địa bàn quận Liên Chiểu. Ảnh: XUÂN SƠN |
Từ định hướng này, các quận, huyện đã tích cực tham mưu, đề xuất UBND thành phố những giải pháp quy hoạch phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bảo đảm các nguyên tắc bền vững
Dự thảo quy hoạch thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thành phố xây dựng dựa trên 6 nguyên tắc: tập trung các phân khu có đầy đủ dịch vụ tiện ích cuộc sống cho dân cư thuộc mọi tầng lớp thu nhập, mọi lứa tuổi theo mô hình đô thị nén, quy hoạch dùng chung các dịch vụ, tiết kiệm đất đai và giảm chi phí cho mỗi cá nhân; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, bảo tồn di tích lịch sử; đô thị dành cho người đi bộ và đi xe đạp, hạn chế phương tiện cá nhân; tăng tính kết nối giữa các trục đường lớn và các phố nhỏ, từ đó tăng diện tích mặt tiền cho các dịch vụ mua sắm thương mại; ưu tiên quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng; khai thác hiệu quả vị trí địa lý, địa hình tự nhiên.
Đến nay, thành phố đã hoàn thành công bố Điều chỉnh Quy hoạch chung, số hóa nội dung lên hệ thống GIS thuộc Đề án xây dựng thành phố thông minh; đồng thời, thường xuyên cập nhập tình hình triển khai thực hiện điều chỉnh quy hoạch chung để cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền biết, giám sát thực hiện.
KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam (VUPDA) cho rằng, Đà Nẵng có đủ thiên thời, địa lợi, nhân hòa để tạo bản sắc riêng. Theo ông, ít thành phố nào hội tụ đủ các yếu tố biển, sông, núi, rừng và diện tích vừa phải để tập trung mọi nguồn lực phát triển. Chưa kể, ở vai trò thành phố động lực miền Trung, Đà Nẵng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ về cơ chế, con người. Đó là những điều kiện cần và đủ để Đà Nẵng sớm hoàn thành các mục tiêu quan trọng, theo hướng bền vững, tiết kiệm quỹ đất, hạ tầng đô thị xen kẽ khu vực công cộng, công viên, vườn dạo.
Cùng với sự gia tăng dân số (dự báo năm 2030, thành phố có khoảng 1,79 triệu người, bao gồm dân số thường trú, tạm trú và quy đổi khách du lịch - PV), Đà Nẵng đã tiến hành điều chỉnh quy hoạch, phân bổ dân số phù hợp với hiện trạng dự án đầu tư, khai thác hiệu quả sử dụng đất, tạo điều kiện đa dạng hóa nguồn lực đầu tư các thiết chế hạ tầng, chủ động nguồn vốn ngân sách phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Về hiệu quả xã hội, một số chuyên gia đánh giá việc điều chỉnh sẽ giúp thành phố ổn định đời sống dân cư, tránh các nguy cơ gây mất trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, việc quy hoạch đúng sẽ tạo điều kiện rà soát, bổ sung các thiết chế dịch vụ, công cộng còn thiếu cũng như hỗ trợ người dân chuyển đổi nông nghiệp theo hướng phục vụ du lịch, dịch vụ.
Góp ý dự thảo điều chỉnh quy hoạch, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử thành phố cho rằng, đây là nhu cầu cấp thiết, xuất phát từ tình hình thực tế nhằm bổ sung các thiếu sót trong bảng quy hoạch cũ. Ngoài dành quỹ đất đầu tư công viên, vườn dạo, tạo lõi xanh trong khu dân cư, bản quy hoạch mới cần giữ lại những địa chỉ văn hóa, lịch sử ghi dấu sự hình thành, phát triển thành phố, như đình làng, miếu mạo, công trình văn hóa, bảo tàng, di tích lịch sử, di tích tâm linh. Đồng thời, thành phố cần xem xét, đánh giá kỹ tác động môi trường, nhất là môi trường sông, biển, núi trong quá trình phê duyệt dự án, hướng tới giá trị bền vững, bảo tồn các giá trị tự nhiên.
Hỗ trợ cơ chế, phát huy tối đa tiềm năng
Theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, quận Liên Chiểu được xác định là vùng trọng điểm phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, đầu mối giao thông và giữ vị trí chiến lược, quan trọng về quốc phòng - an ninh phía Tây thành phố.
Để có cơ sở đóng góp vào dự thảo điều chỉnh quy hoạch, UBND quận Liên Chiểu đã tiến hành khảo sát, phối hợp với các cơ quan chức năng lấy ý kiến người dân, giới chuyên gia để điều chỉnh quy hoạch hơn 126 dự án trên địa bàn. Ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu khẳng định, UBND quận đã tích cực phối hợp với ngành chức năng thực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch đô thị; kết cấu hạ tầng giao thông đô thị được tập trung đầu tư, từng bước hoàn chỉnh và đồng bộ.
Hầu hết các dự án trọng điểm như Nút giao thông khác mức Ngã ba Huế; nhánh 4 - Ngã ba Huế; Trục I, khu số 2, số 7 khu đô thị Tây Bắc; dự án đường Hoàng Văn Thái qua đường Phạm Như Xương; khu đô thị Phước Lý; đường Tô Hiệu giai đoạn 1… bảo đảm tiến độ đề ra. Ngoài ra, một số dự án đang được UBND thành phố đẩy nhanh tiến độ các dự án: cảng Liên Chiểu, Trục I Tây Bắc, Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân; Khu du lịch sinh thái Nam Ô, đường Vành đai phía Tây 2...
Nằm trong bản đồ quy hoạch chung của thành phố, quận Liên Chiểu tập trung đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị quận với 398 công trình (tổng vốn đầu tư hơn 686 tỷ đồng), khớp nối 633 tuyến đường giao thông toàn thành phố (tổng chiều dài 134,4km). Bên cạnh đó, quận chú trọng nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông kiệt, hẻm trong khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời khắc phục tình trạng ngập úng mùa mưa.
“Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành 98,2% bê-tông hóa kiệt, hẻm, 99% hệ thống điện chiếu sáng trong khu dân cư, 100% hộ gia đình được cung cấp nước sạch. Nhằm bảo đảm không gian xanh, sạch, bền vững, UBND quận đã đề xuất thành phố đầu tư một số công trình văn hóa, công viên, vườn dạo tạo cảnh quan kiến trúc trên địa bàn. Để có cơ sở định hướng phát triển quận Liên Chiểu thành đô thị cảng biển hiện đại phía Tây Bắc, UBND quận Liên Chiểu đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy nghiên cứu, xem xét ban hành kết luận mới về “Xây dựng và phát triển quận Liên Chiểu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045” thay thế Kết luận số 24-KL/TU ngày 6-10-2004 và tạo cơ chế hỗ trợ để quận khai thác tối đa tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”, ông Huy cho hay.
Mới đây, tại hội nghị báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của HĐND thành phố về công tác triển khai Đồ án Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Thành Tiến cho rằng, Đà Nẵng cần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng sớm có hướng dẫn để thành phố có cơ sở thực hiện tổ chức chính quyền đô thị theo hướng phân quyền cho UBND cấp quận quyết định và phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch chi tiết khu chức năng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý. Dù được phân cấp, phân quyền, nhưng mọi hoạt động của UBND quận, huyện đều đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền, người dân nhằm bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả.
Có thể nói, hoạt động quy hoạch đô thị cần đi đôi với chiến lược phát triển đô thị; trong đó, cần minh bạch công tác thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công khai các vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai để người dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và phát triển thành phố trong tương lai.
TIỂU YẾN