Bạn tôi thuộc tuýp người của công việc. Gần như bạn không cho phép bản thân được nghỉ ngơi đúng nghĩa. “Đúng nghĩa” ở đây là buông hết tất cả, tắt điện thoại, chặn mọi dòng suy nghĩ liên quan đến công việc hay những muộn phiền, chỉ để cơ thể nghỉ ngơi. Điều đơn giản vậy thôi nhưng trở thành môn học khó vượt qua của người trẻ hiện nay.
Trong lớp học yoga, học viên mới vào cũng là một bạn trẻ ngoài 20 tuổi. Vừa tập được một buổi thì bạn nghỉ. Khi giáo viên kết nối để hỏi thăm, xem có phải vì bài tập quá sức không, bạn cởi mở chia sẻ rằng không phải bài tập nặng mà vì bạn không thể ngồi yên một chỗ, dù chỉ vài phút tĩnh lặng để điều hòa hơi thở. Bạn nghe nói tập yoga hiệu quả nên muốn tham gia, nhưng phải làm gì đó chứ ngồi yên một chỗ thì bạn chịu thua. Trong khi đó, với yoga truyền thống, gần như tập rất ít động tác mà chủ yếu chỉ tập trung vào hơi thở.
Nghe câu chuyện đó, tôi phần nào hiểu, cuộc sống hiện đại có quá nhiều thứ làm nhiễu loạn tâm trí. Hầu hết họ đưa tâm trí hướng ra ngoài nên việc ngồi yên quan sát hơi thở trở thành bài học quá khó.
Người ta cũng không bận rộn tới mức tập trung vào công việc từ sáng đến tối. Chỉ có điều họ không để tâm trí rảnh rỗi chút nào. Chẳng hạn, khi vừa buông việc, ngay tức khắc cầm vào chiếc điện thoại với hằng hà sa số thông tin mà đa phần chẳng liên quan đến mình. Những chuyện ở đâu đâu nhưng có sức mạnh đánh bật tâm trí hướng hẳn ra bên ngoài, bị hút vào nó, rồi phiền muộn với nó… Điều đó còn mệt mỏi hơn cả sự bận rộn ở cơ thể vật lý.
Bạn tôi cũng nằm trong số đó. Thỉnh thoảng có ngày nghỉ, vừa thức dậy, ngay tức khắc bạn quay qua hỏi tôi: “Hôm nay mình làm gì?”. Thật lâu sau tôi mới điều chỉnh được câu hỏi của bạn thành: “Hôm nay mình chơi gì?”.
Tại sao cứ phải làm gì? Cơ thể cũng là bộ máy cần nghỉ ngơi để “bảo trì sức khỏe”. Rồi bạn thắc mắc rằng, tại sao tôi lúc nào cũng thong thả. Trong khi ai cũng lao ra bên ngoài với đủ thứ tất bật, tôi thì thảnh thơi với công việc tự do của mình. Tôi nói đơn giản vì tôi chọn sự nhàn nhã, còn những người khác chọn sự bận rộn. Kết quả nằm ở sự chọn lựa của mỗi người. Sau đó là hàng loạt những tiền đề bạn đưa ra, rằng vì tôi đã có đủ mọi thứ nên nói vậy.
Có một lần tôi vào khoa Sản của một bệnh viện để thăm người bạn - người mẹ mất con ở tháng mang thai cuối. Gần 9 tháng mang thai với tất cả niềm hy vọng, niềm hạnh phúc của mẹ đặt trọn vào con. Vậy mà có ngờ đâu lằn ranh giữa sống và chết mong manh đến như vậy. Gần đến ngày sinh nở, bỗng nhiên con không quẫy đạp như mọi khi. Đến bệnh viện khám mới biết con đã rời bỏ mẹ ngay giây phút ấy. Dù có bao nhiêu của cải, tài sản, mẹ cũng chẳng thể nào đổi lấy hơi thở cho con. Đó là lần đầu tiên bạn tôi hiểu rằng, khi nỗi đau vượt quá sức chịu đựng thì sẽ chẳng có giọt nước mắt nào tràn ra được.
Tôi chạm vào ánh nhìn bất thần của bạn mình, thấy tim mình nhói lên.
Những ngày nằm viện, bạn tôi vẫn giữ nguyên ánh mắt ấy. Nhìn những bà mẹ khác bận rộn với con trẻ, nghe tiếng con ọ ẹ khóc…, tôi hiểu bạn chỉ mong ước điều bình thường ấy thôi mà không thể có được.
Tận cùng nỗi đau nào đó vẫn luôn có những điều may mắn để biết ơn. Chỉ khi ấy, mình mới sống trong nguồn năng lượng của sự đủ đầy và bình yên. Song, việc nhìn nhận được những điều tích cực ngay trong lúc gặp rủi ro là rất khó, như bạn vẫn còn khỏe mạnh, bạn có người chồng cho bạn vòng tay ấm áp, bạn còn tuổi trẻ để có cơ hội sinh nở…
Và sau biến cố, mình biết nâng niu những điều tưởng là bình thường ấy một cách trọn vẹn nhất. Khi được nâng niu, giữ gìn, những điều đáng quý ấy sẽ ở lại với ta. Suy cho cùng, trên hành trình cuộc đời này chẳng phải đích đến chính là sự bình yên cho tâm hồn mình đó sao!
ÁNH HƯỜNG