Áo vét sẫm màu khoác ngoài sơ mi trắng, miệng cười tươi bên các tay vợt đàn em, Roger Federer đứng bên Tower Bridge dưới nắng chiều London trong khoảnh khắc đặc biệt của đời mình. Bên cạnh anh là Novak Djokovic, Andy Murray, Casper Ruud, Cameron Norrie, Stefanos Tsitsipas, những người từng là đối thủ ở nhiều giải đấu. Như anh, họ cũng cười tươi nhưng hẳn trong sâu thẳm từng người đang ấm nồng một xúc cảm hiếm hoi nhiều phần xao xuyến. Laver Cup - diễn ra cuối tuần này - là giải đấu cuối cùng của tay vợt hiện xếp thứ ba trong số các tay vợt giành nhiều danh hiệu Grand Slam. Tuần trước, Federer tuyên bố điều này và bây giờ anh có mặt ở thủ đô nước Anh chuẩn bị bước vào thời khắc thiêng liêng của sự nghiệp.
Huyền thoại quần vợt người Thụy Sĩ Roger Federer (bìa phải) cùng đội tuyển châu Âu có mặt ở London để dự Laver Cup. Ảnh: Lavercup.com |
“Ai rồi cũng phải giã từ cuộc chơi. Phần khó nhất có lẽ là tự mình biết được đâu là ngã rẽ, đâu là lúc dừng lại!”, Federer nói với giọng xúc động. Người ta nghe thấy từ đó nỗi quyến luyến của tay vợt lừng danh. 20 chức vô địch Grand Slam, 103 danh hiệu thuộc các giải đấu ATP, 237 tuần liên tiếp xếp ở vị trí số một thế giới từ năm 2004 đến năm 2008, Federer được công chúng khắp nơi ngưỡng mộ như tay vợt hàng đầu mang cảm hứng sống động và chất hào hoa đến người xem. Với tài năng và phẩm cách thi đấu, anh nằm trong Big 3 (hai người kia là Rafael Nadal và Novak Djokovic) có giá trị và ảnh hưởng dài lâu trong làng quần vợt đương đại.
Cái phần khó nhất - nhận ra lúc nào mình nên dừng lại - đối với Federer có lẽ bắt đầu từ sau thất bại của anh ở vòng tứ kết Wimbledon 2021. Tuổi tác khiến anh chậm lại trong di chuyển và trong xử lý tình huống; chất sắc bén, điêu luyện từ cú đánh trái sở trường giảm đi rõ rệt. Từ lần vấp ngã ấy, Federer chưa trở lại thi đấu chính thức lần nào. Anh thăm dò và kiểm tra thực lực, phong độ của chính mình để quyết định tương lai. Đến với Laver Cup lần này, anh thấy mình không đủ sức đánh đơn nên chỉ cùng Nadal đánh đôi trong đội hình đội Châu Âu tranh tài với đội Phần còn lại của thế giới.
Dù vậy, vào lúc bóng chưa lăn ở nhà thi đấu O 2, Federer vẫn chưa hình dung được diễn biến cuộc tranh tài và khả năng đóng góp của mình. Chấn thương dai dẳng của chiếc đầu gối phải buộc anh phải trải qua nhiều ca phẫu thuật; tìm lại phong độ và đẳng cấp xưa chẳng dễ chút nào. Điều duy nhất người đàn ông 41 tuổi này cảm nhận lúc này - theo lời anh - là “chỉ biết hồi hộp, xúc động trước thời khắc đặc biệt”. Federer bảo rằng anh âm thầm đến đây nhiều lần trong hè này và yên tâm rằng mình đã chọn đúng nơi chốn thích hợp để nói lời chia tay.
Không nơi nào xao xuyến hơn, London quả là nơi dễ tạo cảm hứng nhất để anh nói lời chia tay quần vợt. 19 năm trước, năm 2003, chính nơi đây chứng kiến Federer đoạt danh hiệu Grand Slam đầu tiên sau trận chung kết thắng Mark Philippoussis. Rồi liên tục 4 giải Wimbledon kế tiếp, anh tiếp tục lên ngôi để trở thành hiện tượng hiếm hoi ngự trị dài lâu trên mặt sân cỏ. Đà độc tôn này chỉ tạm dừng vào năm 2008 với chiến thắng của Nadal.
Như mọi lần ở các cuộc tranh tài của bố, bốn đứa con của Federer sẽ có mặt trên khán đài O 2 chứng kiến khoảnh khắc bố mình nói lời chia tay sự nghiệp. Các con là niềm cảm hứng của Federer, như anh từng tâm sự rằng không có chúng, anh sẽ khó kéo dài sự nghiệp đến tuổi này. Vậy còn khán giả thì sao?
“Các bạn sẽ lại thấy tôi, gặp tôi, dù tôi không tiếp tục sự nghiệp!”, giọng Federer chân tình. Anh bảo mình chẳng hề là bóng ma, sẽ trở lại với khán giả, dù chưa biết trở lại như thế nào vì anh lỡ phải lòng môn thể thao này và mang ơn nó quá nhiều…
ĐÌNH XÊ