Văn nghệ sĩ Đà Nẵng đồng hành với sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố

.

Bản thân từng văn nghệ sĩ và cả đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố chủ yếu thông qua các thành tựu trong nghề. Đây mới chính là cách mà văn nghệ sĩ Đà Nẵng, bằng tất cả tài năng nghệ thuật và trái tim nghệ sĩ tràn đầy nhiệt huyết của mình, góp phần vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Một tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng. Ảnh: H.D
Một tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng. Ảnh: H.D

Chiều 6-9 vừa qua, Bộ Ngoại giao phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 35 năm Tổ chức Giáo dục, Khoa học, Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” (1987-2022). Cũng trong thời điểm đáng nhớ này, một sự kiện văn hóa khác liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được tổ chức trên cả nước: Ngày Âm nhạc Việt Nam. Còn nhớ tối 3-9-1960, tại Công viên Bách Thảo Hà Nội, trong chương trình văn nghệ chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đại hội toàn quốc lần thứ III Đảng Lao động Việt Nam, Bác Hồ đã chỉ huy dàn nhạc hợp xướng và quần chúng nhân dân Thủ đô hát bài ca “Kết đoàn”. Xuất phát từ sự kiện văn hóa - lịch sử đầy ý nghĩa ấy, ngày 26-9-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg lấy ngày 3-9 hằng năm làm Ngày Âm nhạc Việt Nam.

Thông điệp về tinh thần đoàn kết

Hình ảnh người “nhạc trưởng” Hồ Chí Minh ngời sáng trong buổi tối năm xưa không chỉ in đậm trong tâm trí cán bộ, đảng viên, nhân dân và văn nghệ sĩ Hà Nội có mặt ở Công viên Bách Thảo lúc bấy giờ, mà còn được “bất tử hóa” trong một tác phẩm nhiếp ảnh nghệ thuật đã đi cùng năm tháng của nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long - người phóng viên Thông tấn xã Giải Phóng từng có mặt tại thành phố bên sông Hàn vào chiều 29-3-1975 để kịp thời tác nghiệp.

Và cứ mỗi lần tổ chức kỷ niệm Ngày Âm nhạc Việt Nam, giới âm nhạc cả nước lại có dịp suy ngẫm về ý nghĩa và cũng là thông điệp của ngày truyền thống này: Một là âm nhạc phải đồng hành với các sự kiện trọng đại của đất nước, những người lao động trên lĩnh vực âm nhạc phải mang hết tài năng và tâm huyết của mình để đóng góp cho nghệ thuật và cho sự nghiệp xây dựng - bảo vệ Tổ quốc; hai là phải đoàn kết để tạo thành và nhân lên sức mạnh trong sáng tạo nghệ thuật của bản thân từng người và của cả đội ngũ nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công...

Thông điệp về tinh thần đoàn kết không chỉ được thể hiện qua bài ca “Kết đoàn” do Bác Hồ chỉ huy diễn xướng năm 1960 mà còn được thể hiện trong bài phát biểu của Bác tại Đại hội hợp nhất Việt Minh - Liên Việt tháng 3-1951 và được chính Người nhắc lại trong bài nói chuyện tại Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II tháng 4-1961: “Năm 1951 (…) tôi có nói: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công.

Những thắng lợi chúng ta giành được trong mấy năm qua đã chứng thực điều đó (…) vậy để kết luận, tôi xin phép nhắc lại: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”, và đặc biệt là trong Di chúc thiêng liêng của Người trước lúc đi xa: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Âm nhạc trực thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố chính là tổ chức chính trị - xã hội được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết những người lao động trên lĩnh vực âm nhạc theo tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công” của Bác Hồ.

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

Về thông điệp âm nhạc nói riêng, văn hóa, nghệ thuật nói chung phải đồng hành với các sự kiện trọng đại của đất nước, xin được nhắc đến thư Bác Hồ gửi các họa sĩ nhân dịp Triển lãm hội họa tháng 12-1951 tại Việt Bắc, do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng đọc trong Lễ khai mạc một hội nghị bàn chuyên đề về hội họa - với sự tham gia của hơn 30 họa sĩ khu Ba, khu Bốn và Việt Bắc - được tổ chức trong khuôn khổ cuộc triển lãm này: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy (…) Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh. Để làm trọn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết (…) Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị. Đúng lắm. Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Muốn văn hóa, nghệ thuật không đứng ngoài, muốn văn hóa, nghệ thuật ở trong kinh tế và chính trị thì “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” đúng như tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI. Ý tưởng “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội” nêu trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI thực chất là nhắc lại một câu nói của Bác Hồ trong buổi khai mạc Triển lãm văn hóa - triển lãm tác phẩm mỹ thuật của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lần đầu tiên được trưng bày trong chế độ Dân chủ Cộng hòa - vào ngày 7-10-1945 tại nhà Khai Trí Tiến Đức (nay là số nhà 16 phố Lê Thái Tổ Hà Nội): “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: Chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa. Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”. Bác Hồ quan niệm “coi trọng ngang nhau” nhưng không phải bằng vai phải lứa, vì thế Bác đã phải nói thêm câu: “Nhưng văn hóa là một kiến trúc thượng tầng”, và chính câu nói bổ sung để nhấn mạnh này mới chính là ý tưởng cốt lõi của Bác Hồ - tiếc rằng vẫn chưa được hậu thế thật sự quan tâm.

Góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố

Nhận thức sâu sắc thông điệp âm nhạc nói riêng, văn hóa, nghệ thuật nói chung phải đồng hành với các sự kiện trọng đại của đất nước, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố đã huy động văn nghệ sĩ các hội chuyên ngành tích cực tham gia buổi tọa đàm với chủ đề “Văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố” do Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức vào cuối tháng 3-2021.

Văn nghệ sĩ góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố trước hết với tư cách công dân - những công dân gương mẫu, thượng tôn pháp luật, nghiêm túc chấp hành mọi đường lối/ chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Một số văn nghệ sĩ còn góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố với tư cách đảng viên - những người luôn tiên phong trong sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, luôn phấn đấu nêu gương tốt trong đời sống cộng đồng. Tuy nhiên, văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố chủ yếu với tư cách người lao động sáng tạo nghệ thuật, qua các thông điệp nghệ thuật từ tác phẩm của mình. Nói cách khác, bản thân từng văn nghệ sĩ và cả đội ngũ văn nghệ sĩ Đà Nẵng góp phần xây dựng thương hiệu văn hóa của thành phố chủ yếu thông qua các thành tựu trong nghề. Đây mới chính là cách mà văn nghệ sĩ Đà Nẵng, bằng tất cả tài năng nghệ thuật và trái tim nghệ sĩ tràn đầy nhiệt huyết của mình, góp phần vào công cuộc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nhận thức sâu sắc thông điệp âm nhạc nói riêng, văn hóa, nghệ thuật nói chung phải đồng hành với các sự kiện trọng đại của đất nước, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố đã huy động văn nghệ sĩ các hội chuyên ngành tích cực tham gia cuộc tiếp xúc cử tri là văn nghệ sĩ với chuyên đề “Văn nghệ sĩ góp phần phát triển không gian văn hóa công cộng trên địa bàn thành phố” do HĐND thành phố và Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức vào cuối tháng 3-2022 nhằm tạo điều kiện để đại diện văn nghệ sĩ dự tiếp xúc có thể chất vấn về những vấn đề được cho là đang xâm hại đến thẩm mỹ đô thị, đến cái đẹp, đến thương hiệu văn hóa của thành phố tại các không gian văn hóa công cộng…; quan trọng hơn là có thể hiến kế cho HĐND thành phố một số giải pháp cụ thể để các không gian văn hóa công cộng của Đà Nẵng trở nên đẹp hơn, có văn hóa hơn, từ đó góp phần gây dựng và nâng cao thương hiệu văn hóa của thành phố.

BÙI VĂN TIẾNG

;
;
.
.
.
.
.