BẢO TÀNG ĐIÊU KHẮC CHĂM

Nơi trầm tích đợi chờ

.

Năm 1902, ý tưởng xây dựng một bảo tàng tại Đà Nẵng để tập hợp, lưu giữ những hiện vật điêu khắc Chăm được Viện Viễn Đông bác cổ (EFEO) đề xuất với Toàn quyền Đông Dương nhưng phải 13 năm sau - năm 1915 - dãy nhà đầu tiên hình chữ nhật, rộng chừng 350m2 (tên gọi ban đầu Les Chams au Musée de Tourane - Người Chàm ở Bảo tàng Đà Nẵng) nằm bên bờ sông Hàn mới hình thành, đánh dấu chặng đường mới trong công tác lưu trữ, bảo tồn di sản văn hóa Chăm được các nhà nghiên cứu tìm thấy ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Kon Tum…

Năm 1935, người Pháp tiếp tục xây dựng hai dãy nhà trệt bên cánh phải, cánh trái, nằm thẳng góc với tòa nhà cũ và một dãy nhà phía sau (nay là khu trưng bày Trà Kiệu), nâng tổng diện tích sử dụng tại bảo tàng lên gần 800m2.

Công nghệ thông tin giúp người dân, du khách dễ dàng tiếp cận bảo tàng thông qua hình thức tham quan trực tuyến. Ảnh: T.Y
Công nghệ thông tin giúp người dân, du khách dễ dàng tiếp cận bảo tàng thông qua hình thức tham quan trực tuyến. Ảnh: T.Y

Lưu giữ hàng ngàn hiện vật Chăm

Khởi công năm 1915 nhưng đến năm 1919, Les Chams au Musée de Tourane mới mở cửa đón khách. Lúc bấy giờ, khoảng 160 hiện vật Chăm được các nhà khảo cổ, nghiên cứu sưu tập trong 20 năm được trưng bày ở dãy nhà hình chữ nhật, trở thành điểm nhấn văn hóa ở Đà Nẵng thời điểm đó.

Công trình khảo cứu Hindu - Buddhist Art of Vietnam, Treasures from Champa (Nghệ thuật Ấn Độ giáo - Phật giáo Việt Nam, Báu vật từ Chămpa) của tiến sĩ Guillon Emmanuel (Mỹ) xuất bản năm 1997 khẳng định sự ra đời của Les Chams au Musée de Tourane giai đoạn này đã giúp công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ và sưu tầm hiện vật Chăm được tiếp tục triển khai, đẩy mạnh ở Đà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Trong đó, đáng chú ý là hai đợt khai quật quy mô lớn ở khu vực Trà Kiệu (tỉnh Quảng Nam) năm 1927-1928 và khu vực Tháp Mẫm (tỉnh Bình Định) năm 1934. Nhằm tạo không gian trưng bày hiện vật điêu khắc Chăm trải dài hơn 8 thế kỷ (từ thế kỷ VII đến thế kỷ XIV), người Pháp đã mở rộng bảo tàng thêm gần 400m2 vào năm 1935. Và, để đánh dấu công lao của kiến trúc sư Henri Parmentier, trong buổi lễ khánh thành được tổ chức ngày 11-3-1936 có sự tham gia của vua Bảo Đại, Toàn quyền Đông Dương Eugène Jean Louis René Robin đã công bố quyết định đổi tên thành Bảo tàng Henri Parmentier (Musée Henri Parmentier).

Sau lễ khánh thành, bảo tàng tăng số lượng trưng bày lên gần 300 hiện vật. Tuy nhiên, sau đó bảo tàng rơi vào cảnh không người quản lý khi chiến tranh Đông Dương xảy ra; nhiều hiện vật Chăm tại bảo tàng bị trộm cắp, đưa đi khắp nơi, sau này, EFEO phải cử người đi tìm kiếm, thu hồi từng hiện vật. Sau ngày đất nước thống nhất, công tác khai quật khảo cổ, sưu tầm hiện vật Chăm tiếp tục triển khai ở một số địa điểm có nhiều di tích lộ thiên như Đồng Dương, Chiên Đàn, Quá Giáng, An Mỹ, Cấm Mít và gần đây là Phong Lệ, mở ra nhiều thông tin mới mẻ về văn hóa Chăm.

Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết sau nhiều lần nâng cấp, mở rộng, diện tích bảo tàng hiện khoảng 7.319m2, trong đó có khoảng 2.000m2 dùng để trưng bày các di vật cổ. “Dù xây mới hay nâng cấp, sửa chữa thì chúng tôi vẫn đặt mục tiêu giữ nguyên hiện trạng, kiến trúc công trình hiện có. Chỉ nâng cấp, cải tạo, trùng tu, sắp xếp lại các không gian chức năng của bảo tàng, bảo đảm điều kiện làm việc, tham quan cũng như hoạt động trưng bày, tổ chức sự kiện, khai thác và phục vụ hoạt động nghiên cứu, học tập của các cá nhân, tổ chức có nhu cầu. Hiện nay, với không gian còn tương đối hạn chế, bảo tàng mới làm tốt chức năng tham quan, bảo quản hiện vật, chứ chưa có nơi để du khách có thể ngồi lại đọc thêm tài liệu, sách báo liên quan”, ông Tuấn chia sẻ.

Hòa vào dòng chảy văn hóa

Năm 2012 - năm đầu tiên Việt Nam thực hiện Luật Di sản văn hóa, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận 30 hiện vật đang được trưng bày tại các bảo tàng trên cả nước là Bảo vật Quốc gia. Tính đến nay, Việt Nam có 238 bảo vật, trong đó Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng đang lưu giữ 6 bảo vật, gồm: Đài thờ Trà Kiệu, Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Đông Dương, Tượng Bồ tát Tara, Tượng thần Ganesha, Tượng Gajasimha…

Ngoài chức năng sưu tầm, bảo quản, một vấn đề lớn đặt ra cho Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là làm thế nào để bảo tàng trở thành điểm đến thường xuyên của người dân và du khách. Ông Nguyễn Hồ, Trưởng phòng Sưu tầm, bảo quản và trưng bày, Bảo tàng điêu khắc Chăm cho hay do số lượng hiện vật Chăm tại bảo tàng khá lớn và có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa nên trách nhiệm bảo tồn phải được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, để phát huy giá trị di sản Chăm, các hoạt động kết nối đã và đang được bảo tàng triển khai theo lộ trình, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, có thể kể đến giải pháp trải nghiệm không gian du lịch ảo 3D (dựa trên công nghệ thực tế VR 360) được bảo tàng phối hợp Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng thực hiện năm 2020 đã tạo hiệu ứng tích cực, giúp du khách dễ dàng “tham quan” bảo tàng dù đang ở bất kỳ đâu. Bởi chỉ một cú nhấp chuột, khách có thể trải nghiệm 3 chế độ xem 3D, đa chiều, xoay 360 độ tại 4 phòng trưng bày Mỹ Sơn, Trà Kiệu, Đồng Dương và Tháp Mẫm. Giải pháp công nghệ thực tế VR 360 cũng giúp du khách dễ dàng tương tác, di chuyển đến vị trí mình yêu thích, tạo cảm giác như mình đang có mặt tại bảo tàng. Cũng theo ông Hồ, các thông tin hiện vật được hiển thị bằng 2 ngôn ngữ Việt, Anh giúp du khách quốc tế dễ dàng tiếp cận những giá trị văn hóa Chămpa tại Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ngoài những hiện vật trưng bày, phục vụ người dân và du khách tham quan, tìm hiểu, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng còn hàng nghìn hiện vật giá trị được lưu giữ, bảo quản trong kho. Ông Hồ Tấn Tuấn cho hay, từ đầu năm đến nay, bảo tàng đã hoàn thành việc sắp xếp 371 hiện vật trong kho lên các bục, bệ, bảo đảm nguyên tắc an toàn, khoa học trong quản lý, lưu trữ. Đồng thời, gắn mã QR (mã phản hồi nhanh) cho 130 hiện vật, tạo thuận lợi cho việc kiểm kê, bảo quản, trưng bày và phục vụ hoạt động nghiên cứu.

“Việc gắn mã QR giúp công tác kiểm kê, giám sát của cán bộ bảo tàng diễn ra nhanh chóng, khoa học và chính xác, đồng thời giúp các đối tượng có nhu cầu nghiên cứu dễ dàng tiếp cận thông tin, hồ sơ hiện vật. Ngoài giá trị bảo tồn, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tham quan đã giúp các giá trị di sản Chăm vượt ra khỏi không gian trưng bày, hòa vào dòng chảy văn hóa, lịch sử của đất nước”, ông Tuấn nói.

Trong hành trình hơn 100 năm giữ gìn giá trị di sản Chăm tại Đà Nẵng và các địa phương lân cận, nói như ông Hồ Tấn Tuấn, mỗi ngày, Bảo tàng Điêu khắc Chăm vẫn ở đó, chờ đợi những bàn chân ghé đến, nâng niu.

Từ đầu năm đến nay, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón hơn 30.000 lượt khách. Trong đó có nhiều đoàn khách đến từ Văn phòng UBND thành phố, Văn phòng Thành ủy, Đoàn đại biểu tham dự Diễn đàn phát triển đường bay châu Á - Routes Asia, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pakistan tại Việt Nam và nhiều đoàn đại biểu đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Trước đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng cũng từng vinh dự đón nguyên thủ các nước Singapore, Thái Lan, Ấn Độ, Peru… đến thăm và chiêm ngưỡng những giá trị di sản Chăm.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.