Giảm bạo lực học đường bằng hành động cụ thể

.

Xây dựng trường học hạnh phúc là một trong những tiêu chí đầu tiên giúp giảm bạo lực học đường, trả lại giá trị cốt lõi của trường học là giáo dục, hình thành nhân cách học sinh. Trong đó, thầy cô giáo giữ vai trò quan trọng, là nhân tố đầu tiên quyết định môi trường học tập, rèn luyện. Nhiều chuyên gia tâm lý nhận định, muốn giảm vấn nạn bạo lực học đường, cần tìm ra gốc rễ vấn đề và chung tay tháo gỡ.

Học sinh cần được nuôi dưỡng và phát triển trong một môi trường giáo dục an toàn, giàu tình thương. Ảnh: BẢO KHÁNH.
Học sinh cần được nuôi dưỡng và phát triển trong một môi trường giáo dục an toàn, giàu tình thương. Ảnh: BẢO KHÁNH.

Trước khi chạm đến trí óc, phải chạm đến trái tim

Báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho thấy, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Trung bình, cứ 5.200 học sinh lại có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường có một trường có học sinh đánh nhau.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho rằng, thời gian qua, vẫn còn một bộ phận thanh-thiếu nhi có biểu hiện suy thoái, lệch lạc về phẩm chất đạo đức, lối sống như thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình, nhà trường; đáng ngại nhất là tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, còn hiện tượng học sinh đánh nhau, học sinh đánh giáo viên; hiện tượng thờ ơ, vô cảm, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh, không can ngăn mà còn quay video đưa lên mạng như là một sự cổ xúy cho hành vi bạo lực.

Tại hội thảo thay đổi vì một trường học hạnh phúc năm 2022 với chủ đề Chọn yêu thương - Chọn hạnh phúc vừa diễn ra tại Đà Nẵng, rất nhiều vấn đề liên quan đến vấn nạn bạo lực học đường đã được các chuyên gia tâm lý học hàng đầu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và hơn 400 hiệu trưởng các trường đến từ 50 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng thảo luận. Theo các chuyên gia, để giảm bạo lực học đường, phải nhìn nhận thực tế đang diễn ra và cần hành động cụ thể, trước khi chạm đến trí óc thì phải chạm đến trái tim.

Theo ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD&ĐT), hiệu trưởng là người sẽ là tạo ra ngôi trường mà ở đó giáo viên, học sinh được sáng tạo và tôn trọng. Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho hơn 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh, cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội. Và chính thầy cô giáo cần củng cố sự kiên cường của mỗi đứa trẻ, để đứa trẻ đến trường hạnh phúc từ những bước chân đầu đời.

Trong khi đó, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ, người sáng lập Học Viện Eurasia vì Hạnh phúc và An lạc (Thụy Sỹ), nhìn nhận rằng, hành trình xây dựng lại niềm hạnh phúc của người giáo viên trong việc giảng dạy sẽ không dễ dàng, thậm chí có rất nhiều rào cản xung quanh. Mối nguy hiểm đã hiện hữu khi những bạn trẻ đang lớn lên trong thời đại của internet và mạng xã hội.

Giáo sư Peck Cho (Đại học Korea - Hàn Quốc) - Cố vấn giáo dục của chính phủ Hàn Quốc cho biết, bạo lực học đường ở Việt Nam nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu thì mới đang ở giai đoạn bắt đầu và những năm tiếp theo nó sẽ còn tồi tệ hơn. Bạo lực học đường hiện nay là vấn nạn đang rất nghiêm trọng. Dựa vào kinh nghiệm của mình, tôi muốn nói là không có giải pháp nào dễ dàng với vấn nạn này.

“Vậy nên, bạo lực học đường không phải vấn nạn ở trường, không phải vấn đề của trường học mà là vấn đề quốc gia. Tất cả những nhà giáo dục chúng ta cần có những kiến thức để thuyết phục được Chính phủ hành động và tất cả mọi người trong xã hội đều phải coi trọng vấn đề này để hành động, vì học sinh và bảo vệ học sinh”, Giáo sư  sư Peck Cho nêu rõ.

Giảm áp lực cho giáo viên

Bạo lực học đường thời gian gần đây xảy ra ở nhiểu tỉnh, thành phố trong cả nước với mức độ, chiều hướng gia tăng. Mới đây nhất trong tháng 9 và 10, rất nhiều vụ bạo lực học đường diễn ra tại Thái Bình, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Phú Yên... gây bức xúc trong dư luận.

Tại Đà Nẵng, ngay sau khi các vụ việc bạo hành trẻ xảy ra tại hai cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, Sở GD&ĐT thành phố ban hành văn bản khẩn về yêu cầu các trường học tăng cường các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; đẩy mạnh thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa và bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại trường học. Đặc biệt lưu ý giáo viên chủ nhiệm, giáo viên làm tổng phụ trách đội các trường tiểu học, THCS giám sát chặt chẽ cán bộ lớp, sao đỏ không đựợc để xảy ra tình trạng cán bộ lớp, sao đỏ đánh, hù dọa, nạt nộ, thu đồ chơi, đồ dùng học tập... gây bạo lực về thể chất và tinh thần đối với bạn trong lớp, trường dưới mọi hình thức...

Ngày 11-10-2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến ký ban hành văn bản về tăng cường quản lý các cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) trên địa bàn thành phố. Đây là chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thành phố đối với công tác quản lý các cơ sở GDMN, siết chặt quản lý, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tránh hiện tượng bạo hành, tạo môi trường an toàn, thân thiện trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ.

Đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở GDMN, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với cơ sở GDMN; đẩy mạnh hoạt động hậu kiểm, phúc tra các điều kiện sau cấp phép thành lập cơ sở GDMN độc lập; kiên quyết đình chỉ các cơ sở GDMN độc lập không bảo đảm các điều kiện theo quy định hiện hành; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức xâm phạm đến thân thể, tính mạng của trẻ…

Tham vấn các ý kiến của nhiều giáo viên tại Đà Nẵng khi nói về vấn nạn bạo lực học đường, câu trả lời chúng tôi nhận được nhiều nhất đó chính là cần phải giảm áp lực cho giáo viên. Đứng trên cương vị giáo viên đứng lớp hay trách nhiệm quản lý, những giải pháp được đưa ra vẫn là tìm tới sự dung hòa giữa dạy - học và cần chăm chút nhiều hơn tới đời sống tinh thần của giáo viên.

Về phía gia đình, hãy bớt chút thời gian đồng hành nhà trường trong việc giáo dục con trẻ ở mọi lứa tuổi. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần có nhiều chính sách đồng bộ, phối hợp để nâng cao nhận thức, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục giá trị văn hóa và kỹ năng sống cho học sinh, cũng như bồi dưỡng kỹ năng phòng, tránh bạo lực học đường cho giáo viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội.

BẢO KHÁNH

;
;
.
.
.
.
.