Lọ Lem xóm Củi

.

Chiều phai nhanh. Từ cánh rừng già tiếng thú lạc đàn lẫn trong tiếng gió va vào cây nghe như tiếng còi tàu vẳng lại. Ven đầm lầy dương xỉ mọc tua tủa như tóc người rừng, hoang dại và bí ẩn, những bông nắng lưa thưa mới nhảy nhót trên dốc giờ đã rủ nhau biến mất. Cầm đi như chạy, cô nhón chân nhảy qua vũng nước, mấy ngày mưa nước cuốn lá khô dồn vào chỗ trũng ứ lại thành mùn đen đặc quánh.

Xuống chân đồi Cầm đi chậm lại. Từ đồng cỏ vọng tiếng cười đùa của tụi trẻ con xóm Củi, đêm nay chúng lại bày trò đốt lửa. Những chiếc lốp xe cũ được đốt lên cháy rực, chúng chạy quanh đống lửa hò hét khiến đàn dơi đang treo ngược trên cành cao hốt hoảng phành phạch đập cánh lao vào núi.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngôi nhà gỗ cô đơn nằm bên bìa rừng, cạnh con dốc dẫn lên đồi, quanh nhà bìm bìm bò dọc ngang, leo cả lên mái nhà, trước sân bụi móng rồng đang mùa trổ hoa, hương loang cả vào bóng chiều. Cánh cổng gỗ tróc sơn lâu ngày khép hờ bằng sợi xích khóa, bên trong tối om, ngôi nhà buồn tẻ tưởng như một tiếng động cũng không lọt qua khe cửa. Bố lại về muộn. Cầm vào nhà bật công tắc, ánh đèn vàng ấm hắt xuống sàn nhà la liệt những cọ màu. Trên giá vẽ gương mặt người đàn bà nhìn nghiêng bên cây đàn violin, huyền hoặc và dịu dàng. Bố lại vẽ mẹ, không nhớ đây là bức chân dung thứ bao nhiêu bố vẽ mẹ, từ ngày cơn bạo bệnh đã mang mẹ về muôn cõi. Cầm chạm tay vào bức tranh, sơn hãy còn ướt, mùi hăng hắc lẩn quất khắp phòng. Cô mở cửa sổ, gió từ ngoài vườn ùa vào mang theo mùi lá mục, khóm móng rồng ướt át cũng sẫm lại trong buổi hoàng hôn.

Căn gác xép ọp ẹp được dựng bằng những mảnh gỗ ván ghép lại, bố và hai bác thợ mộc làm mất một tuần, ván sàn cũ kỹ lâu ngày giẫm lên phát ra tiếng cót két, có lần bố đùa bảo là “vương quốc” của con gái. Vạt cúc tần ở vườn sau héo rũ buồn bã nép vào nhau yên lặng. Loay hoay tìm đĩa nhạc, mắt Cầm chạm vào dòng chữ Tặng con gái Nguyệt Cầm. Chiếc đĩa bố tặng Cầm vào ngày cô tròn tuổi mười ba. Cầm cho chiếc đĩa vào máy, khúc dạo đầu bản Danses Des pettis Cycnes thánh thót ngân lên. Ngoài trời đêm trăng tràn qua ô cửa loang loáng. Cầm nhẹ nhàng xoay theo điệu nhạc…

“Cầm à!” tiếng bố gọi ngoài ngõ. Bố về, chở phía sau một mớ lỉnh kỉnh các thứ. Vào nhà, đến bên bức chân dung vẽ dở, gương mặt ông trong chiều muộn lại trầm tư. “Bố lại vẽ mẹ à?” Cầm khẽ hỏi. Bố giật mình quay lại, lặng lẽ đến bàn ăn. Bữa cơm với mấy con cá kho còn lại cũng khiến ông ăn ngon lành. Nhìn Cầm uể oải ăn như một con mèo, bố ái ngại “Con gầy quá!”, sực nhớ ra ông lấy mẩu giấy ghi địa chỉ “Chiều nay bố xin cho con vào lớp múa ba lê, cô giáo là bạn học của bố hồi phổ thông”. Cầm sung sướng hét lên chạy quanh nhà, con mèo Mun đang gà gật trên ghế giật mình phóng ra hiên.

Bố châm điếu thuốc, đăm đắm nhìn ra vuông cửa. Tiếng chuông chùa trên đồi thong thả vọng về, đàn chim lợn trú bên bãi đất trống đến giờ lên đường kiếm ăn, chúng bay riêng lẻ, chốc chốc rít lên tiếng kêu eng éc. Bên ánh đèn bóng bố lặng câm. Cầm vẫn bắt gặp hình ảnh đó mỗi đêm. Để lấp khoảng trống trong tâm tưởng bố là điều không dễ, từ ngày mẹ không còn nữa, ông đã trở nên một người khác. Ngoài kia gió cuộn về giật tung cánh cửa gỗ khép hờ, ùa vào phòng mùi thì là ngào ngạt. Cầm nhấn nút, bản Moonlight Sonata thánh thót ngân như có cả tiếng nước róc rách, đêm bỗng hóa thành dòng sông trăng. Giai điệu cuộn lên như sóng cuốn Cầm vào bản nhạc cùng nỗi mất mát và cả lời rì rầm của cô gái mù nguyện cầu được một lần ngắm trăng trên dòng Danube. Cầm nhìn thấy nơi xa kia trong căn nhà cô gái nhỏ đang chơi đàn, bên cạnh cô là người cha yêu dấu.

Đứng trước ngôi nhà cao tầng Cầm tần ngần rồi rụt rè bước vào. Bên trong gắn những tấm kính lớn, các bạn nữ trạc tuổi cô đang tập luyện, trông họ như những cô thiên nga kiều diễm. Cầm ngây người nhìn.

“Em là Nguyệt Cầm?” người phụ nữ mảnh mai trong bộ đồ đen bó sát, có lẽ là cô giáo đến sau lưng Cầm. “Vâng!” Cầm lí nhí đáp. Cô giáo dừng trên gương mặt Cầm hồi lâu rồi quay sang giới thiệu với lớp. Tiếng xầm xì, khúc khích lan ra. Cầm nhìn xuống bộ áo dài trắng cũ mèm, chiếc túi bạc phếch đựng sách vở đeo chéo qua vai. Tay bấu vào thanh gióng cô chợt thấy tủi thân. “Bố đã nói chuyện về em, từ nay em sẽ học cùng cô!”. Cô giáo dịu dàng nhìn Cầm.

Theo cô giáo vào trong, Cầm ngắm mình trong gương, bộ đồ múa bó sát thân hình mảnh dẻ, mái tóc dài cột cao duyên dáng. Bắt đầu những bước cơ bản, cô giáo nhìn Cầm di chuyển từng động tác uyển chuyển, cô thốt lên “Cô đã được biết nhưng cô không ngờ em có thể làm mọi thứ tốt đến thế! Tiếp tục nào! Di chân phải thành hình bán nguyệt, luôn duỗi thẳng chân và mũi chân, mở ngực vươn cao, vai hạ thấp…”. Cầm xoay nhè nhẹ, động tác điêu luyện khiến cô giáo kinh ngạc. Cô đưa tay ra hiệu Cầm dừng lại rồi chọn một chiếc đĩa khác thay vào, nhìn Cầm chờ đợi. Giai điệu bản Le Beau Danube Bleu quen thuộc ngân lên. Cầm xoay những bước đầu tiên thật nhẹ, đôi chân như bay, Cầm không còn nhìn thấy gì, trước mắt chỉ có dòng sông mênh mang xanh thẳm, dòng sông đưa cô đi mãi đến bến bờ hạnh phúc, nơi đó cô nhìn thấy bố cùng mẹ bên những bức họa tuyệt đẹp…

Tiếng vỗ tay vang lên khiến Cầm sực tỉnh. “Em sinh ra để múa ba lê, Cầm à!” - Cô giáo lại gần “Từ nay ngoài giờ học ở trường, bất cứ lúc nào có thể, hãy đến học cùng cô!”.

Chiếc xe đạp nặng trịch bỗng nhẹ tênh, từ lớp múa trở về Cầm nhìn thấy bên đường những cánh hoa trong bụi cỏ rung nhè nhẹ. Chợt nhớ lâu rồi cô không còn ra đồng cỏ cùng bọn trẻ. Trở thành thiếu nữ, cô không còn chạy đuổi theo đàn bồ câu, không còn hét đến khản giọng để đáp lại tiếng kêu eng éc của những con chim ăn đêm. Trong bữa cơm chiều cô tíu tít kể cho bố nghe buổi học đầu tiên, về bản Le Beau Danube Bleu. Bố yên lặng ngắm nỗi vui trong mắt con gái.

… Cầm buộc tóc, cúi xuống thắt lại dây giày, đôi giày mòn vẹt mũi vì những ngày tập liên tục cho vở Cô bé Lọ Lem. Từ phòng bên có tiếng xầm xì “Ở xóm Củi mà học đòi!”, “Bố nó là họa sĩ vẽ tranh bán trên phố”, “Mới hơn một năm mà cô đã cho vào vai múa chính”. Cầm yên lặng quay đi, cô biết các bạn nói về mình, từ lâu nỗi đam mê khiến cô chẳng còn bận lòng điều gì.

Đêm sâu. Trên căn gác cô lại hóa thân vào cô bé Lọ Lem. Mỗi sáng bên giếng nước Lọ Lem vừa giặt giũ vừa cất tiếng hát, tiếng hát vút cao khiến những chú chim phải ngừng bay… Cầm dừng lại, cúi xuống xoa đôi chân bỏng rát, mồ hôi rịn ra trên trán. Bố đứng ngoài cánh cửa lặng nhìn con gái, đêm nay lại thấy con nén đau để tập luyện, ông rưng rưng đến bên bức chân dung thầm thì “Con đang thực hiện giấc mơ của em”. Gió trên đồi cuộn về, cánh cửa gỗ đóng sầm lại, ngoài vườn chỉ còn tiếng côn trùng rít lên như bản nhạc đêm.

Nhà hát lớn chật kín người. Giai điệu bản giao hưởng cất lên lúc thánh thót, mênh mang, lúc cuồn cuộn như sóng. Lọ Lem xinh như thiên thần, mỏng mảnh trong chiếc váy xám mốc, tay cầm cành dẻ đi lấy nước. Nàng soi mình bên giếng và cất tiếng hát, những chú chim câu cũng nghển cổ lắng nghe… Cầm gửi hết vào vở múa những khát khao cháy bỏng… Chợt cô nhìn thấy dưới hàng ghế kia, bên cạnh bố bóng ai như mẹ, chiếc violin tựa vào vai, mẹ kéo một bản nhạc réo rắt, giai điệu của hạnh phúc và nỗi đau chia biệt...  Mẹ quay đi… Chân Cầm bỗng chôn chặt trên sàn. Tiếng cô giáo khẽ nhắc từ sau cánh gà. Cầm sực tỉnh. Hoàng tử xuất hiện, chàng lại gần mời Lọ Lem khiêu vũ cùng buổi dạ tiệc của cung điện hoàng gia. Trong chiếc váy lộng lẫy Lọ Lem hóa thành một nàng tiên kiều diễm, xoay trong điệu nhạc quên cả thời gian, cho đến khi tiếng chuông gióng báo hiệu nửa đêm, Lọ Lem trở về, trong lúc vội vã nàng đánh rơi chiếc giày trên lối đi…

Tiếng vỗ tay từ khán phòng dậy lên. Cầm lui vào trong, cô chợt nghĩ đến mẹ “Năm ấy con mười hai tuổi, mẹ biết không, không còn mẹ bên cạnh, con nhìn thế giới bằng bóng đêm. Một lần ngồi bên hiên đợi bố về, con chợt nhận ra rằng dù mẹ đã đi xa nhưng nhất định con phải thực hiện ước mơ của mình”. Bố đến bên Cầm từ lúc nào, cô dụi dầu vào ngực ông “Mai mình về thôi!”.

Đêm se lạnh. Con phố vắng tanh, chỉ còn tiếng rao của những người bán hàng rong đi về, bóng hai bố con đổ dài trên đường. Cầm ngước nhìn mảnh trăng vàng sẫm, cô nhớ những chiều bên bậc tam cấp cũ úa vàng, ngày đó hãy còn bé lắm, cô thơ thẩn trong vườn hái những bông cỏ may kết thành vòng đội đầu, nhặt những cánh tường vi héo úa cho vào lòng bàn tay. Nhớ những đêm trăng chảy tràn trên mái xuống hiên, ngoài vườn đom đóm lập lòe, cô gọi đó là những vì sao. Những đêm dài đằng đẳng ngồi bó gối bên hiên cô ngóng bố về, đêm tĩnh đến nỗi nghe cả tiếng chân con mèo Mun lại gần. Cô đợi, cho đến khi tiếng sỏi lạo xạo trên đường, từ xa bóng bố gầy gầy trên chiếc xe đạp cũ…

Ngày mai trở về, việc đầu tiên cô sẽ chạy trên con đường bố thường dẫn cô đi qua, con đường luôn dậy lên mùi ký ức xa xưa. Và cô, mãi là Lọ Lem buộc tóc đuôi gà. Cô sẽ trở về nơi có khu vườn của riêng cô, chỉ nơi đó cô mới được nghe tiếng thở của rừng, tiếng cỏ cây rì rầm trò chuyện. Đêm đêm cô lại nhìn thấy trăng lên cùng những vì sao chi chít luôn rực lên những ước mơ trong ngần.

VŨ NGỌC GIAO

;
;
.
.
.
.
.