Một ngôi làng vừa Quảng, vừa Huế

.

Bản đồ Google hiện nay ghi nhận 3 tên gọi “sông Quảng Huế”, “chợ Quảng Huế”, “cầu Quảng Huế”. Trên đường từ Đà Nẵng vào thăm Thánh địa Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có thể đi qua khu vực làng Quảng Huế ở huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam). Có du khách thắc mắc liệu tên làng “Quảng Huế” có nét nghĩa gì liên quan xứ Quảng, xứ Huế?

Tự điển A. D. Rhodes, 1651, ghi “kẻ hŏá” và “kẻ hŏé”.
Tự điển A. D. Rhodes, 1651, ghi “kẻ hŏá” và “kẻ hŏé”.

Địa bạ triều Nguyễn lập thời Gia Long, do Nguyễn Đình Đầu dịch ra quốc ngữ, ghi nhận ở huyện Diên Khánh, phủ Điện Bàn có các đơn vị lập địa bạ là Quảng Hóa An châu, Quảng Hóa Đại An châu, Quảng Hóa đại châu, Quảng Hóa đông châu, Quảng Hóa Phú châu, Quảng Hóa tây châu, Quảng Hóa trung châu, tất cả đều thuộc địa bàn huyện Đại Lộc ngày nay. Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức ghi “đò Quảng Hóa”. Đến Đại Nam nhất thống chí thời Duy Tân (khắc in năm 1909), không còn ghi đò Quảng Hóa nữa mà ghi “cầu Quảng Hóa” và “chợ Quảng Hóa”. Thật ra, tên gọi “Quảng Hóa” chỉ là dịch ra quốc ngữ của tên chữ Hán là 廣化, mà nếu dịch ra là “Quảng Huế” cũng không sai. Bởi dân gian vẫn có các câu ca như:

- Kể từ Quảng Huế ra đi,
Kiểm Lâm, Lệ Trạch, Vân Ly, Đa Hòa
Nhìn xem khúc ngược thậm xa
Tư  Phú, Long Hội hiện ra rõ ràng…

Như vậy, có hai cách đọc chữ 廣化, hoặc theo cách của nhà Nho là “Quảng Hóa”, hoặc theo cách phát âm của người bình dân là “Quảng Huế”.

“Quảng Hóa” là một tên hay. Nghĩa của chữ Quảng 廣 là rộng rãi, bao quát; một phần của danh xưng Quảng Nam. Chữ 化 có ý nghĩa rất hàm súc trong kinh điển, hàm ý “trời đất sinh ra muôn vật” và “dạy dỗ, biến đổi dân tục cho thuần hậu, tốt đẹp hơn”.

Điều đặc biệt là chữ 化 được người Việt phát âm khác nhau và những người đặt ra chữ quốc ngữ buổi đầu cũng đã ghi thành hai chữ khác nhau, hoặc là “hué”, hoặc là “hŏá” (xem trang 329, Tự điển của Alexandre De Rhodes và trang 77, tài liệu Voyages et Missions, thế kỷ 17).

Tài liệu Voyages et Missions của A.D.Rhodes năm 1653 ghi “Kehue”.
Tài liệu Voyages et Missions của A.D.Rhodes năm 1653 ghi “Kehue”.

Đến đầu thế kỷ 20, các học giả Pháp xuất bản tập san lấy tên là Bulletin des Amis du Vieux Hué (Tập san của Những người bạn của Huế xưa). Trong các văn bản chữ quốc ngữ sau đó, chữ “Huế” được viết với chính tả ổn định cho đến ngày nay.

Như vậy, hai địa danh “Quảng Huế” và “Huế” tuy không liên quan và ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng có điểm giống nhau là cùng xuất phát từ việc dùng một từ Hán có ý nghĩa tốt đẹp (化) trong kinh điển để đặt tên cho xứ sở (Quảng Hóa ở Quảng Nam và Hóa Châu, Thuận Hóa ở bắc đèo Hải Vân); đồng thời đều là hệ quả của cách phát âm dân gian đặc biệt của chữ Hán này, vừa đọc là Hóa, vừa đọc là Huế.

Cũng có ý kiến cho rằng, “Hóa” được nói trại ra thành “Huế” do kỵ húy vua chúa thời xưa, nhưng lý lẽ đó không kiểm chứng được. Hơn nữa, chữ quốc ngữ “hué” đã có đồng thời với chữ “hŏá” từ thế kỷ 17, cho nên đó chỉ là sự ghi lại khác nhau của hai giọng nói “bác học” và “dân gian” mà thôi. Ban đầu, chữ là để ghi âm đọc, nhưng sau đó, chữ lại tác động ngược lại làm chuẩn cho âm đọc; cách viết “huế” trong văn bản phổ thông đã làm âm đọc trở nên thống nhất như ngày nay. “Huế” đã trở nên quá đỗi thân thương trong ca dao, văn học, âm nhạc. Ở Thừa Thiên, mọi người chỉ gọi là “Huế” chứ không nói “Hóa” và ở Quảng Nam, ai cũng gọi là “Quảng Huế”, chứ không nói là “Quảng Hóa” nữa.

VÕ VĂN THẮNG

;
;
.
.
.
.
.