NGUYỄN VĂN XUÂN - 22 TRUYỆN NGẮN TRƯỚC 1945

Văn học để trao truyền yêu thương, hoàn thiện nhân cách

.

Sách Nguyễn Văn Xuân - 22 truyện ngắn trước 1945 do Vũ Đình Anh sưu tầm và biên soạn vừa được NXB Đà Nẵng ấn hành tháng 9-2022 đã lấp dần những khoảng trống trong văn nghiệp của Nguyễn Văn Xuân giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Nguyễn Văn Xuân là nhà văn, học giả thân thuộc với vùng đất, con người xứ Quảng. Những năm gần đây, sự ra đời của các ấn phẩm quan trọng đã khẳng định những đóng góp đa dạng và đa diện cho quê hương, cũng là cho dân tộc, của ông. Như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhận định: “Các tác phẩm của Nguyễn Văn Xuân “đều là những di sản quý, có ích cho chúng ta, cho hậu thế. Trong di sản đó chứa đựng rất nhiều tình yêu đối với con người và xứ sở mình, chứa đựng rất nhiều tài liệu, dữ liệu về lịch sử, văn hóa, con người của xứ Quảng, của Đàng Trong, của đất Việt và người Việt chúng ta”.

Lấp dần những khoảng trống

Tìm hiểu về Nguyễn Văn Xuân giai đoạn tiền chiến, chúng ta được biết ông cộng tác với nhiều báo, tạp chí trong cả nước như Bạn Dân, Thế Giới và Tiểu thuyết thứ Bảy ở Hà Nội; Báo Mới, Văn Lang ở Sài Gòn. Vậy nhưng số tác phẩm về giai đoạn này của ông lại khá ít ỏi trong các ấn phẩm hiện hành. Dù vậy, nhà nghiên cứu Phong Lê đã khẳng định: “Có thể xếp Nguyễn Văn Xuân vào đội ngũ những tên tuổi kết thúc mùa gặt ngoạn mục 1930 - 1945 trong tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam”. Dù vẫn biết sẽ còn khuyết thiếu, song với 22 truyện ngắn này (1 đăng trên Báo Mới và 21 đăng trên Tiểu thuyết thứ Bảy) là sự bổ sung quan trọng để người đọc hiểu biết toàn diện hơn về nhà văn xứ Quảng.

Các truyện ngắn của Nguyễn Văn Xuân giai đoạn trước 1945 mang đậm dấu ấn tự thuật. Nhà văn thường kể lại những câu chuyện, những kỷ niệm buồn hay lỗi lầm của nhân vật tôi hoặc các nhân vật Thuyên, Tự, Tuân, Nhân… xưng tôi. Đó là nhân vật Thuyên, sau khi trả thù người trong mộng vì cho rằng mình bị phụ bạc, đã trăn trở: “con người nào, con người của sự bình lặng giả dối hay của sự độc ác tàn nhẫn thực lòng kia, mới chính là con người của tôi?” (Bức thư nặc danh). Đó là nhân vật tôi hồi tưởng lại lỗi lầm của mình làm người đàn bà Tàu đang gánh cơm bị ngã, rồi tự cảm thấy mình “như một tội nhân đang hối hận, tôi nhìn tôi rồi lại nhìn qua cửa sổ, ngạc nhiên tự hỏi: - Tôi, có phải tôi, người thanh niên rất sáng suốt bây giờ, tôi đã xử sự như thế được?” (Người đàn bà Tàu).

Nhà văn quan niệm: “Tôi tin rằng trong mỗi người chúng ta còn một giác quan khác, một giác quan không hiểu ở đâu, nhưng mỗi khi ta cần đến, nó lại khẽ mở hé ra một cánh cửa nho nhỏ của vườn dĩ vãng. Nó làm ta say sưa sống lại dĩ vãng một cách hồi hộp, bâng khuâng” (Tuổi già hạt lệ như sương).

Những giờ phút hồi tưởng, suy tư ấy sẽ có “những vị quan tòa rất tốt, đầy lòng nhân đạo, những vị quan tòa mà khi ta còn đang vật lộn với cuộc đời, ta có thể khinh bỉ, xem thường” (Người đàn bà Tàu). Như người biên soạn đã nhận định: “theo nhà văn, cuộc đời vốn dĩ phức tạp, khó có một giới tuyến rõ ràng về thiện - ác, song điều quan trọng là mỗi người cần có những khoảng lặng để suy ngẫm, phải lắng nghe tiếng nói từ trái tim, từ lương tâm nhằm hoàn thiện nhân cách”.

Những tiếng nói trao truyền yêu thương

Cùng với cái tôi tự vấn, truyện ngắn Nguyễn Văn Xuân trước 1945 đề cao lối sống nặng tình nghĩa, gắn kết yêu thương, sự sẻ chia trách nhiệm, bổn phận của các thành viên trong gia đình. Tình cảm cao đẹp này được ông thể hiện qua hình ảnh người mẹ, người bà, người chị, họ “có địa vị nhỏ bé, chịu nhiều bất hạnh nhưng họ lại chính là những người nuôi sống gia đình, gìn giữ và trao truyền những phẩm chất đạo đức cao quý cho các thế hệ sau”.

Đó là nỗi nhớ con, sự hy sinh của người mẹ phải bỏ lại đứa con thơ dại để đi ở đợ lấy tiền gửi về nuôi con (Nhớ con). Đó là nỗi lo lắng của người mẹ, người chị, họ sẵn sàng chạy vạy, vay mượn tiền để cho Tự đem vào Sài Gòn lập nghiệp (Người con ở xa). Đó là người bà phải nể, phải sợ hết thảy những người đàn ông trong gia đình: “Lòng sợ cha, sợ chồng, sợ con bây giờ thêm vào lòng sợ cháu”; tuy nhiên, sự lo lắng, tình yêu thương dành cho người thân yêu lại luôn dạt dào như những dòng nước mắt không vơi cạn của bà (Tuổi già hạt lệ như sương)…

Ngược lại, nhà văn Nguyễn Văn Xuân phê phán lối sống thờ ơ, thiếu trách nhiệm, phi đạo đức, nhất là của các thành viên trong gia đình, giữa những người có quan hệ huyết thống. Các nhân vật nằm trong mạch cảm hứng phê phán phần lớn là những người đàn ông trong gia đình (chồng, cha, chú, anh trai, con trai…). Đó là người cha của Thuyên có mà như không, bởi “mê bạc đã bỏ mẹ con chàng đi ở nơi khác, lâu lâu mới trở về. Thuyên xem cha như một người bà con không thân thích lắm” (Bức thư nặc danh).

Đó là Tự, một người con trai thường vô tâm, lạnh lùng, ít quan tâm đến sự hy sinh của người mẹ, người chị (Người con ở xa). Đó là người con trai làm văn sĩ, chỉ vì trang bản thảo viết dở bị mất mà đã nghi ngờ hết người này đến người khác trong nhà, quát mắng ầm ĩ, thậm chí đã to tiếng, đập bàn quát lại mẹ mình (Nửa giờ tức giận). Đó còn là lối sống cạn tình cạn nghĩa của người anh trai (Bang) đối với em (Bụng) trong truyện ngắn Truyện Ả Rập ở xứ ta…

Nói chung, sách Nguyễn Văn Xuân - 22 truyện ngắn trước 1945 giúp độc giả khám phá thêm những dấu ấn độc đáo, những đóng góp của Nguyễn Văn Xuân cho văn học Việt Nam giai đoạn 1930 - 1945. Qua đó, góp phần khẳng định: “Tập truyện ngắn này sẽ mang đến cho quý độc giả thêm những cảm nhận mới về văn nghiệp của ông, và sâu xa hơn là những suy tư, trăn trở về vấn đề ở đời, làm người của nhà văn”. Phải chăng đó cũng chính là tâm niệm của nhà văn xứ Quảng: văn học để trao truyền yêu thương, hoàn thiện nhân cách?

VĂN NHÂN

;
;
.
.
.
.
.