Tháng 7-2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố danh sách 20 kỷ lục bất biến trong dự án “Hành trình tìm kiếm và công bố top 100 kỷ lục bất biến của Việt Nam lần thứ nhất”. Trong số đó, cầu quay Sông Hàn bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng) được xác nhận là cây cầu dây văng quay đầu tiên của Việt Nam. Phải thêm chữ “dây văng”, bởi thực tế tại Việt Nam, hơn 100 năm trước, đã có những cây cầu quay độc đáo, do người Pháp xây dựng.
Cầu Sông Hàn luôn là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Ảnh: ĐỨC HOÀNG |
Lướt qua danh sách những cây cầu quay xuất hiện vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 tại Việt Nam, có thể gọi tên những cây cầu: Cầu Quay Mỹ Tho, cầu Quay Tam Bạc (Hải Phòng), cầu Quay Bạc Liêu, cầu Khánh Hội (Sài Gòn)… Trong đó, đến nay, cầu Quay Mỹ Tho được xem là cây cầu quay có niên đại sớm nhất. Đây là cây cầu bắc qua kênh Bảo Định, hiện nối từ đường Thủ Khoa Huân (phường 1) sang đường Đinh Bộ Lĩnh (phường 2 và 3) thuộc thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang).
Giống như cầu quay Sông Hàn làm “đổi đời” quận Ba (nay là các quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn), cầu Quay Mỹ Tho nối Chợ Cũ với các thôn Điều Hòa, Thạnh Trị, Bình Tạo ở phía Tây, đưa nơi đây ngày càng phát triển và trở thành thành phố Mỹ Tho ngày nay. Cây cầu này bằng sắt, được kiến trúc sư người Pháp Gustave Effeil thiết kế và bắt đầu xây dựng từ những năm 1890. Mang tên cầu Quay, nhưng thực chất cầu được thiết kế và vận hành theo kiểu nhịp giữa gồm hai đoạn riêng biệt, có thể kéo lên cao để tàu bè qua lại dễ dàng. Đến năm 1938, cầu bị sập nên được xây dựng lại bằng bê-tông cốt thép; đến năm 1993 thì được phá dỡ và xây dựng mới, nhưng cái tên cầu Quay tồn tại đến ngày nay.
Hai cây cầu quay được xây dựng những năm đầu thế kỷ 20, một ở phía bắc là cầu quay Tam Bạc (thành phố Hải Phòng) và một ở phía nam là cầu quay Khánh Hội (Sài Gòn). Theo đó, cầu quay Tam Bạc bắc qua sông Tam Bạc, được người Pháp khởi công năm 1901 và khánh thành năm 1902. Cầu bằng thép, có 2 nhịp và 3 khoang thông thuyền, dùng cho cả đường bộ lẫn đường sắt. Điều đặc biệt là nhịp ở giữa quay ngang 900, được điều khiển thủ công bởi một đội gồm 5-6 công nhân người Việt.
Theo tài liệu ghi chép, khi có tàu thuyền đi qua, các công nhân điều khiển hệ thống ròng rọc để vận hành nhịp cầu dài khoảng 50 mét, nặng cả trăm tấn. Sau đó, việc vận hành được chuyển sang dùng động cơ, nhưng vẫn có thể sử dụng sức người khi cần thiết. Đến năm 1951, chính quyền lâm thời đặt tên là cầu Hoa Lư, sau năm 1954 đổi thành cầu Tam Bạc như hiện nay. Trong chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ tại miền Bắc, cầu Tam Bạc bị đánh bom hư hỏng, được sửa lại sau đó nhưng không quay nữa. Đến năm 2011, nhằm đồng bộ hóa giao thông và mỹ quan đô thị, thành phố Hải Phòng xây dựng cầu đường bộ Tam Bạc song song với cầu quay cũ và khánh thành vào năm 2013.
Cầu Tam Bạc khánh thành năm 1902, cũng là lúc cầu quay Khánh Hội được khởi công. Cầu do nhà thầu người Pháp Levallois Perret thực hiện, bắc qua rạch Bến Nghé - mà người Pháp gọi là L’Arroyo Chinois - rạch của người Trung Hoa. Ban đầu, cây cầu được thiết kế có nhịp giữa quay ngang để tàu thuyền qua lại; đến những năm 1940, cầu được cố định do lắp đặt thêm tuyến đường sắt dẫn đến khu cảng. Sau năm 1954, cầu này bị phá bỏ và xây mới thành cầu bê-tông, được đặt tên là cầu Bắc Bình Vương. Đến năm 2006, khi xây dựng đường hầm sông Sài Gòn, cầu Khánh Hội tiếp tục bị phá dỡ để xây mới cao hơn, khánh thành vào năm 2009. Lúc này, cầu không còn nối thẳng với đường Hồ Tùng Mậu mà uốn cong để nối trực tiếp đường Nguyễn Tất Thành với đường Tôn Đức Thắng, dọc bến Bạch Đằng.
Còn ở thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), đầu những năm 1920 đã có một cây cầu quay bằng sắt bắc qua sông Bạc Liêu, ngay trung tâm buôn bán sầm uất. Đứng ở nhà Công tử Bạc Liêu, nhìn về phía tay trái, thấy rõ cây cầu này. Cầu có một nhịp ở giữa quay ngang, có giá đỡ nằm cách một phần ba bờ sông, vuông góc với cầu. Đến nay, cầu được sửa chữa thành cầu bê-tông cốt sắt và đổi tên thành cầu Kim Sơn - một địa danh ở Ninh Bình, là địa phương kết nghĩa với tỉnh Bạc Liêu.
Sự xuất hiện các cây cầu quay ngay từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, bắc qua những con sông ở các đô thị, nhằm đáp ứng nhu cầu thông thương khi vận tải đường thủy chiếm ưu thế. Như cầu quay Tam Bạc là để bảo đảm lưu thông trên tuyến đường bộ, đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, lẫn đường thủy từ cảng biển vào nội địa. Hoặc cầu quay Khánh Hội được mở nhằm bảo đảm giao thông cho khu vực chợ Bến Thành và Chợ Lớn, dù trước đó đã có cầu Mống bắc qua sông Bến Nghé. Nhưng để thông thuyền, cầu Mống có nhịp giữa rất cao - như cái mống, gây khó khăn cho xe cộ qua lại - nhất là lúc này phương tiện xe ngựa đang thịnh hành. Cầu quay Khánh Hội ra đời là giải pháp “kép”…
Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, qua thời gian, những cây cầu quay nêu trên được sửa chữa thành cầu bê-tông cốt thép, vẫn giữ công năng cho các phương tiện qua lại nối đôi bờ sông và lưu tên trong dòng ký ức của cư dân…
Cầu quay dây văng Sông Hàn, sau khi cảng Sông Thu được di dời, cũng hoàn thành sứ mệnh “quay” của mình. Tuy nhiên, với sự độc đáo riêng có, cầu Sông Hàn vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng, biểu tượng của sự đồng thuận, của sức sống thành phố mới Đà Nẵng năng động, sáng tạo…, hằng đêm vẫn miệt mài quay để phục vụ du khách, trở thành một trong 20 kỷ lục bất biến của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam.
ANH QUÂN