Trong lúc nhiều gia đình ở Đức chuyển sang đốt củi như một cách thay thế khí đốt để sưởi ấm, người dân sinh sống tại thị trấn nhỏ Feldheim thuộc thành phố Treuenbrietzen không quá lo lắng với các hóa đơn năng lượng vì địa phương này đã tự cung cấp năng lượng hơn 10 năm qua.
Các tuabin gió ngày đêm quay trên các vùng đất nông nghiệp xung quanh Feldheim. Ảnh: AP |
Thị trấn Feldheim được thế giới biết đến bởi người dân nơi đây đang tận hưởng giá điện và khí đốt rẻ nhất ở Đức. Họ không phải thấp thỏm mở các hóa đơn năng lượng và lo lắng về các đợt tăng giá tiếp theo. Họ cũng không phải tìm mọi cách để giảm nhiệt độ sưởi, tắt bớt đèn trong lúc thời tiết bắt đầu trở lạnh.
Lắp đặt tuabin gió để cung cấp điện
Nằm cách thủ đô Berlin khoảng 1,5 tiếng chạy xe về phía Nam, thị trấn Feldheim chỉ có 130 cư dân. Từ giữa những năm 1990, Feldheim đã thử nghiệm lắp đặt một số tuabin gió để cung cấp điện. Sau đó, họ xây dựng một lưới điện, lắp đặt các tấm pin mặt trời, bộ lưu trữ pin và nhiều tuabin gió hơn. Một cơ sở biogas cũng được dựng lên để sưởi cho lợn con và sau đó là bơm nước nóng đi khắp hệ thống sưởi của thị trấn. Hiện Feldheim còn xây dựng cả cơ sở sản xuất năng lượng hydro - nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.
Giờ đây, 55 cột tuabin gió ngày đêm quay trên các vùng đất nông nghiệp xung quanh Feldheim. Nhờ đó, người dân thị trấn nhỏ này được hưởng giá điện và khí đốt rẻ nhất ở Đức. Bà Kathleen Thompson, làm việc cho Diễn đàn Năng lượng Mới - một tổ chức giáo dục ở địa phương, cho biết: “Dân làng đều ngủ ngon. Họ không phải lo lắng vì dù như thế nào thì giá năng lượng cũng sẽ không thay đổi”.
Mỗi năm, hàng nghìn người khắp nơi trên thế giới đổ về thị trấn Feldheim để học tập cách tiếp cận sản xuất năng lượng thân thiện môi trường, trong khi nước Đức vẫn phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch nhập khẩu. Đức là một trong các quốc gia châu Âu phụ thuộc vào năng lượng nước ngoài cao nhất. Năm ngoái, Đức nhập khẩu 56% khí đốt tự nhiên, 50% than và 30% dầu từ Nga.
Theo ông Michael Knape - Thị trưởng thành phố Treuenbrietzen, việc người dân tham gia và hưởng lợi từ dự án năng lượng sạch là chìa khóa thành công. Trong khi các công viên điện gió ở những địa phương khác của Đức thường xuyên vấp phải sự phản đối, cộng đồng cư dân Feldheim đã đồng ý lắp đặt nhiều tuabin đến mức họ còn xuất khẩu lượng điện gấp khoảng 250 lần lượng điện tiêu thụ. “Người dân cần cảm thấy đó là quá trình chuyển đổi của họ chứ không phải bị áp đặt từ trên xuống”, ông Knape nói.
Thị trưởng Treuenbrietzen cho rằng, các địa phương khác có thể khó thực nguyện được cách tiếp cận giống Feldheim, nhưng những dự án như vậy có thể là một phần quan trọng giải quyết bài toán năng lượng. Ông Siegfried Kappert (83 tuổi) bày tỏ hài lòng về việc thị trấn Feldheim tự cung cấp năng lượng. Ông chia sẻ: “Chúng tôi tìm kiếm một con đường và đã tìm thấy. Chúng tôi tự hào về điều này”.
Tìm giải phápgiảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu
Khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, vấn đề năng lượng là bài toán nan giải cho Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Chính phủ Đức đã bơm hàng tỷ USD vào việc phát triển năng lượng tái tạo để giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân vẫn đóng vai trò quan trọng, cung cấp hơn một nửa tổng sản lượng điện của nước này trong 6 tháng đầu năm nay. Thiếu công suất truyền tải, các công viên điện gió ở miền Bắc Đức phải đóng cửa thường xuyên nên các nhà máy phải sử dụng nhiên liệu hóa thạch để cung cấp điện cho miền Nam.
Từ tháng 6-2022, chính phủ Đức khởi động chiến dịch nâng cao nhận thức quốc gia, kêu gọi người tiêu dùng và doanh nghiệp tiết kiệm điện. “Bất kỳ ai tiết kiệm điện đều giúp Đức giảm phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga và ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng phụ trách các vấn đề kinh tế kiêm Bộ trưởng Môi trường Đức Robert Habeck nói.
Tháng 8-2022, Đức công bố các biện pháp giảm tiêu thụ khí đốt trong mùa đông sắp tới, bao gồm giảm nhiệt độ sưởi ấm trong các văn phòng và các tòa nhà công cộng, trừ các cơ sở xã hội như bệnh viện. Một báo cáo mới đây cho biết Đức phải đối mặt với mức lạm phát 10%, cao nhất trong 70 năm qua, giá năng lượng tác động một phần tới con số này.