Trân trọng những điều chưa hoàn thiện

.

Trong chuyến công tác cách đây vài năm, tôi ghé thăm gia đình một lão nông ở miền Tây Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in kiến trúc của ngôi nhà lọt thỏm giữa rừng cao su mênh mang năm ấy. Chủ hộ là ông Trần Văn Tiến. Cũng như nhiều người khác, gia đình ông từ đồng bằng, theo chủ trương kinh tế mới của địa phương, đã “bồng bế” nhau đến chốn thâm sơn khai hoang, lập rẫy ngay từ những năm đầu tiên.

Theo thời gian, nhờ chăn nuôi và thu gom nông sản, những ngôi nhà được cất lên bề thế giữa những ngọn đồi. Ngôi nhà của ông Tiến cũng thế. Ông Tiến kể: “Những năm đầu, gia đình chúng tôi gồm 6 người chen chúc nhau trong một chiếc lán nhỏ dựng bằng gỗ, bạt và mấy tấm tôn. Nắng thì nóng, mưa thì ướt. Nhếch nhác và xập xệ. Buổi ban đầu từ con số không đâu thể sánh với cơ ngơi hiện nay. Dân làng chúng tôi trúng mấy vụ cao su liền. Giờ nhà nào cũng có đàn bò mấy chục con, vườn tiêu, ao cá…”.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Sự hồ hởi của chủ nhà cùng với những gì tận mắt chứng kiến khiến khách đường xa là tôi cũng vui lây. Tôi chỉ vào bộ cửa bằng gỗ ròng được thiết kế theo kiểu bốn lá khép vào nhau rồi hỏi: “Tại sao ông cho khắc lên cửa những chữ Phúc, An, Cường, Thịnh? Nếu không có bốn chữ ấy thì bộ cửa ấy sẽ hoàn mỹ hơn nhiều rồi”.

Ông Tiến trả lời: “Phúc, An, Cường, Thịnh là tên 4 người con trai của tôi. Mỗi đứa như một lá cửa, muốn ghép thành một bộ cửa chắc chắn, vững chãi, đủ sức che mưa, chắn gió cho đại gia đình thì phải luôn gắn kết, hòa thuận, đóng vào, khép ra thật nhịp nhàng. Một bộ cửa trơn tru, hoàn mỹ không quan trọng bằng những bài học cuộc đời mà tôi muốn dạy cho các con”.

Nghe ông Tiến nói, tôi chợt liên tưởng đến cụm từ “Kinstugi” của người Nhật. Kinstugi là một kỹ thuật độc đáo thể hiện trọn vẹn tinh thần Wabi-sabi - một phong cách sống biết chấp nhận những gì không hoàn hảo vì những vẻ đẹp ẩn chứa bên trong đó. Khi những món đồ gỗ bị gãy, đồ sứ bị vỡ, thay vì bỏ đi, người Nhật sử dụng chất liệu sơn mài có phủ vàng, bạc hoặc bạch kim để nối liền những mảnh vỡ, tạo nên một tuyệt tác mới đạt đến độ thẩm mỹ cao hơn. Kintsugi không chỉ đơn thuần là phương pháp nghệ thuật của người Nhật, mà còn gợi nhắc mỗi người hãy trân trọng những gì chưa hoàn thiện của chính mình, bởi biết đâu những khiếm khuyết mà chúng ta có lại là điều khiến bản thân mình trở nên đặc biệt.

“Tạo nét đặc biệt từ những điều chưa hoàn thiện” cũng là triết lý của nhiều bộ môn nghệ thuật ở Việt Nam, trong đó có kỹ thuật đẽo tượng gỗ dân gian phổ biến ở những buôn làng người Bahnar, Jrai, phía bắc Tây Nguyên. Ở đó, một bức tượng được cho là đẹp thì không được đẽo gọt quá sức tỉ mỉ, được phết sơn, tô màu thật lóng lánh. Bức tượng đẹp thì phải có hồn. Muốn có cái hồn đó, người đẽo tượng phải có con mắt thẩm mỹ ngay từ những bước đầu tiên. Chỉ cần nhìn dáng hình khúc gỗ hay thân cây là có thể mường tượng ra tác phẩm mình muốn tạc mang sắc thái, sinh khí như thế nào. Dụng cụ hành nghề cũng không cầu kỳ, tinh xảo, chỉ độc nhất một chiếc rìu to bản được truyền lại từ xưa.

Những người tạc tượng ở các buôn làng Tây Nguyên dù thuần thục đến đâu cũng hiếm khi được gọi bằng những danh xưng như nghệ nhân, nghệ sĩ. Họ được đối xử, tôn trọng y hệt những dân làng bình thường; ở họ mang vẻ đẹp thô mộc, gần gũi như chính những súc gỗ được rước về từ phía rừng già.

Mọi đồ vật đều tốt khi tạo được sự tiện ích. Như bộ cửa trong ngôi nhà lão nông ở giữa rừng kia, những chiếc bình gốm chằng chịt nét nứt vỡ ở xứ sở mặt trời mọc xa xôi, hay những bức tượng gỗ với những đường vân đầy suy tư tâm tưởng, tôi tin, chúng luôn được trân trọng. Bởi lẽ, chúng không chỉ để sử dụng, ngắm nhìn, mà còn mang trong mình những câu chuyện về đời sống tinh thần thật khác.

Những người làm ra chúng dường như đang vẽ một con đường xuyên không thật đầy, thật chậm. Họ mang những dấu ấn từ quá khứ để gửi gắm và trải rộng đến tận tương lai.

DIỆU THÔNG

;
;
.
.
.
.
.