CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH Y TẾ

Bác sĩ "số"

.

Y học hiện đại với kỹ thuật và công nghệ tân tiến đang góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân ở lằn ranh của sự sống và cái chết.

Từ đó, có thể thấy sự cấp thiết của việc nghiên cứu và áp dụng các công nghệ để từng bước củng cố nền y tế hiện đại, cũng như việc đào tạo đội ngũ y bác sĩ "số" nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh.
Sống lại từ cửa tử nhờ công nghệ

Các bác sĩ Bệnh viện 199 hội chẩn trực tuyến đối với các trường hợp bệnh nặng. Ảnh: K.H
Các bác sĩ Bệnh viện 199 hội chẩn trực tuyến đối với các trường hợp bệnh nặng. Ảnh: K.H

Theo chân bác sĩ Hà Sơn Bình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng) đến phòng bệnh 307, nơi bệnh nhân Bùi Bắc Bộ (SN 1994, công tác tại một đơn vị công an) đang được điều trị bằng phương pháp ECMO (phương pháp hỗ trợ trao đổi oxy qua hệ tuần hoàn ngoài cơ thể). Trên giường bệnh, bệnh nhân vẫn trong tình trạng hôn mê, tuy nhiên điều kỳ diệu đã xảy ra khi dấu hiệu sinh tồn hiện rõ với nhịp tim đều đặn, dẫu rằng, sự sống của anh vẫn còn phải nhờ đến hệ thống ECMO.

Nhập viện vào ngày 19-11 trong tình trạng ngừng tuần hoàn, hôn mê sâu chưa rõ nguyên nhân, dấu hiệu sống của bệnh nhân chưa tới 10%. Phút gục xuống vì cơn đau tim đột ngột của bệnh nhân khi đang dùng cơm là cú sốc với cả gia đình, bởi lẽ, là một quân nhân, lại đang trong độ tuổi tràn đầy sức trẻ, anh Bùi Bắc Bộ có sức khỏe hoàn toàn bình thường, không có tiền sử bệnh nền. Sau cơn ngưng tim đột ngột tại nhà, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Y tế Hòa Vang (huyện Hòa Vang) để hồi sức cấp cứu; một tiếng sau, bệnh nhân được chuyển thẳng vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đà Nẵng). Tại đây, bệnh nhân được điều trị tích cực bằng thuốc an thần, thở máy qua nội khí quản, lọc máu liên tục. Thời điểm chúng tôi có mặt tại phòng bệnh 307, bệnh nhân Bùi Bắc Bộ đã vượt qua cửa tử và dù chưa thể cai máy ECMO nhưng niềm hy vọng sống đã quay trở lại với anh cùng gia đình.

Ở phòng bệnh đối diện, số 402, bệnh nhân Nguyễn Đình Thi (trú tại K35/58 Tô Hiến Thành, quận Sơn Trà) đang ăn những thìa cháo đầu tiên sau một ngày cai được máy ECMO. Chết đi, sống lại chỉ trong gang tấc nên với anh Nguyễn Đình Thi (SN 1990), giờ đây, các y, bác sĩ tại khoa chính là những người cha, người mẹ sinh ra anh lần thứ hai.

Trong niềm hạnh phúc vì được cứu sống, anh Thi chia sẻ: “Sau “cú" ngưng tim vào ngày 19-11, gia đình tôi tưởng như đã mất đi một đứa con. Còn được sống như bây giờ là một ân huệ không gì kể xiết đối với bản thân và gia đình. Khỏi bệnh rồi, tôi sẽ cố gắng sống có ý nghĩa hơn”. Bệnh nhân Bùi Bắc Bộ và Nguyễn Đình Phi là hai trong số nhiều bệnh nhân được cứu sống ngay tại cửa tử nhờ kỹ thuật ECMO - kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại, tân tiến được ví là “cứu cánh” cuối cùng cho những ca bệnh nặng do ngưng tuần hoàn, suy hô hấp cấp được áp dụng từ năm 2015 tại Bệnh viện Đà Nẵng.

"Áp lực tất nhiên có rồi. Nhưng chúng tôi đã quen với điều đó. Chính áp lực của công việc cộng với khát vọng giành giật sự sống cho từng bệnh nhân là động lực để chúng tôi cố gắng hoàn thiện hơn về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có kỹ năng tiếp cận công nghệ mới để sẵn sàng khám, chữa bệnh khi cần”.

Bác sĩ Hà Sơn Bình chia sẻ

Từ thực tế liên tiếp có nhiều ca bệnh nặng, diễn tiến nhanh nhưng không có triệu chứng báo trước đặt ra nhu cầu bức thiết đối với Bệnh viện Đà Nẵng trong việc nghiên cứu, tiếp cận và áp dụng các phương pháp khám, chữa bệnh tân tiến, chuyên sâu của thời đại 4.0 để nâng cao khả năng ứng phó, cứu sống tính mạng bệnh nhân ở nhiều tình huống cam go. Cũng bởi vậy mà yêu cầu đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ trong thời đại số càng cần thiết hơn.

Tại Bệnh viện Đà Nẵng, từ năm 2015, bệnh viện đã đi đầu trong đầu tư trang thiết bị, đào tạo nguồn lực đội ngũ y, bác sĩ đủ khả năng đáp ứng yêu cầu về làm chủ các kỹ thuật tiên tiến trong ngành y để áp dụng vào công tác khám chữa bệnh, trong đó có kỹ thuật ECMO. Hiện Bệnh viện Đà Nẵng là một trong những trung tâm điều trị ECMO hàng đầu của cả nước, định vị được chỗ đứng trên bản đồ các trung tâm điều trị ECMO trên thế giới với con số bệnh nhân được tiếp nhận và điều trị thành công trung bình 150 ca/năm.

Sự chủ động từ sớm này của Bệnh viện Đà Nẵng càng phát huy giá trị khi Covid-19 diễn biến phức tạp vào năm 2020 và 2021. Đặc biệt, khi Đà Nẵng là “điểm nóng” của cả nước, các y, bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã nhập cuộc nhanh chóng, trở thành một điểm cầu quan trọng, cùng với các y, bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ hàng đầu của Bộ Y tế, các bệnh viện lớn trên cả nước như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai… triển khai các buổi hội chẩn trực tuyến có quy mô cả nước nhằm chuẩn đoán, điều trị các ca bệnh nặng do nhiễm SARS-CoV-2… Ngoài ra, các y, bác sĩ còn tham gia khám, hướng dẫn bệnh nhân cách điều trị tại nhà.

Bác sĩ Hà Sơn Bình khẳng định, nhờ được tiếp cận các phương pháp khám chữa bệnh tân tiến nên việc tiếp nhận, cứu sống bệnh nhân tại khoa diễn ra thuận lợi và hiệu quả hơn. Hơn nữa, qua hai năm được rèn luyện từ “chảo lửa” Covid-19, đội ngũ y, bác sĩ tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc có cơ hội quý giá để học hỏi kiến thức mới, chuyên sâu trong nghề từ các chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước. Nói về áp lực làm nghề trong xu thế công nghệ đóng vai trò then chốt như hiện nay, bác sĩ Hà Sơn Bình chia sẻ: “Áp lực tất nhiên có rồi. Nhưng chúng tôi đã quen với điều đó. Chính áp lực của công việc cộng với khát vọng giành giật sự sống cho từng bệnh nhân là động lực để chúng tôi cố gắng hoàn thiện hơn về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có kỹ năng tiếp cận công nghệ mới để sẵn sàng khám, chữa bệnh khi cần”.

Để người dân được chăm sóc tốt hơn

Với sự chủ động trong đào tạo đội ngũ, đầu tư trang thiết bị tân tiến, hiện nay, Bệnh viện Đà Nẵng đã làm chủ được nhiều kỹ thuật tiên tiến, đủ năng lực để tham gia sâu vào các hoạt động khám, chữa bệnh liên tuyến, liên vùng, thậm chí đa quốc gia nhờ vào công nghệ - yếu tố then chốt trong việc thực hiện đề án chuyển đổi số trong ngành y do Bộ Y tế triển khai từ đầu năm 2022 và đề án chuyển đổi số trong ngành y thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030.

Một bệnh nhân đang được điều trị bằng kỹ thuật ECMO - kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại, được ví là “cứu cánh” cuối cùng cho những ca bệnh nặng do ngưng tuần hoàn, suy hô hấp cấp được áp dụng từ năm 2015 tại Bệnh viện Đà Nẵng.Ảnh: K.H
Một bệnh nhân đang được điều trị bằng kỹ thuật ECMO - kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại, được ví là “cứu cánh” cuối cùng cho những ca bệnh nặng do ngưng tuần hoàn, suy hô hấp cấp được áp dụng từ năm 2015 tại Bệnh viện Đà Nẵng.Ảnh: K.H

Trong định hướng phát triển dài hạn của mình, Bệnh viện 199 - Bộ Công an xác định đẩy mạnh hình thức khám bệnh trực tuyến từ xa thông qua ứng dụng Telehealth là giải pháp then chốt để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng, dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân tại đơn vị. Giải pháp này được Bệnh viện 199 áp dụng từ tháng 9-2020, đến nay đã mang lại những kết quả ban đầu, tạo nền tảng để tiếp tục đầu tư, mở rộng và phát huy hơn nữa các ứng dụng thông minh vào công tác khám, chữa bệnh. Với kết nối Telehealth, người bệnh an tâm với quy trình điều trị sàng lọc an toàn, trực tiếp nghe ý kiến của chuyên gia, bác sĩ đầu ngành về tình trạng bệnh tật cũng như hướng xử lý dù ở xa. Có nhiều ca bệnh khó, cần sự can thiệp nhanh chóng ngay tại chỗ đã được Bệnh viện 199 xử lý thành công thông qua ứng dụng khám, chữa bệnh trực tuyến.

Từ lúc đưa vào vận hành phòng khám từ xa, Bệnh viện 199 thực hiện thành công trên 20 ca hội chẩn trực tuyến với sự tham gia trao đổi chuyên môn từ các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ngoài hiệu quả về chuyên ngành, phương pháp khám bệnh từ xa thông qua ứng dụng Telehealth còn giúp người dân tiết kiệm được chi phí đi lại trong khi vẫn nhận được sự hỗ trợ điều trị tích cực và hiệu quả từ đội ngũ thầy thuốc giỏi.

“Telehealth là một ứng dụng mới nên thời gian đầu triển khai, nhiều bệnh nhân còn lo lắng. Nhưng đến nay, bệnh viện tiếp nhận thêm nhiều trường hợp đến khám, cũng như điều trị bằng phương pháp này khi bệnh nhân biết có cơ hội được các chuyên gia y học trên toàn quốc hỗ trợ điều trị”, Đại tá Quách Hữu Trung, Giám đốc Bệnh viện 199 thông tin thêm.

Câu chuyện về ứng dụng chuyển đổi số vào công tác khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện 199 là những mô hình tiêu biểu cho việc triển khai hoạt động chuyển đổi số trong ngành y, đang được thành phố đẩy mạnh thực hiện. Không chỉ các bệnh viện tuyến đầu, hiện nay, nhiều bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn thành phố đều có sự chủ động trong áp dụng chuyển đổi số vào công tác khám chữa bệnh, trong đó hình thức hội chẩn trực tuyến, khám bệnh từ xa…

Với việc áp dụng phương pháp khám, chữa bệnh thông minh, tân tiến không chỉ giúp nền y tế của Đà Nẵng từng bước tiện cận với những phương pháp, trung tâm y tế hàng đầu trong nước và thế giới, mà còn mở ra cơ hội cho đội ngũ những người làm nghề y được đào tạo nâng cao tay nghề; tăng khả năng tiếp cận của các cơ sở y tế đến từng đối tượng người dân cũng như nâng cao phản ứng linh hoạt trong mọi tình huống, đơn cử như Covid-19 - sự cố mang tính toàn cầu vừa qua.

KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.