Dường như mỗi lần nghe họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ giảng giải về tranh, tôi lại thấy cuộc đời anh đeo bám một món nợ ân tình với đất và người Cơ tu. Chính ân nợ này mà “miền thượng” trong tranh anh hiện ra chân thành, hào hoa đến lạ…
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ trong phòng vẽ ở nhà riêng trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hải Châu (Đà Nẵng). Ảnh: N.H |
1. Có lần trong lúc cao hứng, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói với tôi rằng, đề tài “Cơ tu” như một người tình chung thủy đi suốt một thời trai trẻ cho đến khi mỏi gối chồn chân. Trong anh, vùng cao Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN) là vùng đất huyền bí với đại ngàn xanh mênh mông, núi non hùng vĩ đến tận vô cùng, là những mái nhà Gươl cao vút khát khao tìm bầu trời, là chàng trai cô gái Cơ tu ngực trần lấp loáng ánh lửa, say sưa múa điệu Tung tung - Da dá theo nhịp cồng chiêng trong lễ hội dâng trời… “Lâu này, người ta cảm nhận đất và người vùng cao một cách đa ngôn qua các phương tiện thông tin đại chúng. Vì vậy, cần một sự tĩnh lặng của hội họa để nhìn thấu chiều sâu của một vùng cao miền Trung thấm đẫm sắc màu văn hóa”, anh nói.
Nguyễn Thượng Hỷ vốn là người con của xứ Huế. 24 tuổi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Nghệ thuật Huế, nhận công tác tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm QN-ĐN (cũ). Những chuyến đi dài ngày về vùng đất Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Trà My, Phước Sơn… để sưu tầm văn hóa các dân tộc đã để lại cho anh nhiều cảm xúc khó phai. Nhớ nhất là những lần đi bộ cả 4 ngày đường để đến các xã vùng cao Tr’Hy, Axan, Gary, Ch’Ơm của huyện Tây Giang. Chàng trai thành phố lần đầu đến với vùng cao mang theo bao nhiêu là tâm trạng. Lo lắng có, bất an có...
Vậy mà chỉ mấy ngày tiếp xúc, người họa sĩ trẻ đã bị mê hoặc bởi vẻ đẹp chân thật đến quyến rũ của đất và người nơi đây. Có những chiều, anh ngồi một mình bên suối, ngắm nhìn những người dân từ rừng trở về, chiếc gùi củi cao hơn cả đầu người. Họ lặng lẽ đi trong vạt nắng chiều chiếu xiên theo triền núi, đẹp như một giấc mơ hoang. Hay đơn giản chỉ là cố ghi lại trong trí nhớ hình ảnh người mẹ trẻ vừa địu con vừa giã gạo. Nhịp chày nhịp nhàng ru tròn giấc ngủ trẻ thơ…
Sau mỗi chuyến đi dài ngày ấy, anh không mang về phố những nhánh lan rừng sắc tím hay thanh quế, mảnh trầm hương, mà trong chiếc ba lô bạc màu chỉ toàn là những bản ký họa. “Ban đầu chỉ là làm công việc ký họa, chụp ảnh về con người, phong tục tập quán và lối kiến trúc của tộc người Cơ tu để làm tư liệu cho cơ quan. Nhưng càng về sau trở thành nỗi ám ảnh không thoát ra được. Lúc đó chỉ biết vẽ như bị thôi miên vậy”. Kể từ đó, anh an nhiên đi để sống, để vung cọ đầy yêu thương, để kể lại câu chuyện sắc màu về một vùng đất huyền diễm.
Bức tranh lụa Cho ngày cưới hoàn thành trong tháng 10-2022. Ảnh: N.H |
2. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ sống ở một căn nhà nhỏ, trong một căn hẻm ngoằn ngoèo trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận Hải Châu (Đà Nẵng). Vào một ngày mưa gió, tôi ghé thăm căn gác vẽ cheo veo của anh ở tầng áp mái. Căn phòng ngổn ngang những tranh. Có bức đã đóng khung, có bức còn đang dang dở. Vừa đưa tay phác những nét cọ tài hoa vào bức lụa, anh vừa nói như với chính mình: “Họa sĩ vẽ không chỉ để sống, mà còn gửi gắm trọn vẹn một triết lý, về cái tôi cá nhân mà thế giới thực tại chưa làm họ thỏa mãn. Có khi ý tưởng đến chớp nhoáng, vẽ rất nhanh. Chỉ trong vài giờ cơ bản đã hoàn thành. Nhưng cũng lắm lúc, vẽ đi vẽ lại hằng tháng trời vẫn chưa xong…”.
Tuy không phải là người rành hội họa nhưng lần nào ghé thăm ông, tôi cũng được ông khai mở một chút về những bức tranh anh tâm đắc. Hương đất dâng trời là tựa của bức tranh lụa khổ lớn (84cm x 185cm), ông vẽ vào năm 2001 đạt giải B (không giải A) tại Triển lãm Mỹ thuật Khu vực 5, miền Trung - Tây Nguyên, mô tả điệu dân vũ của đồng bào Cơ tu, ở miền thượng Quảng Nam. Vẫn cái điệu hồn mê đắm ấy, đôi chân trần bám chặt vào mặt đất, hai bàn tay ngửa lên phía trời, gợi suy ngẫm về sự kết nối thiêng liêng giữa Mẹ Đất và Cha Trời, giữa cái và đực, âm và dương... một cách nguyên sơ đầy bản thể. Phải chăng văn hóa, tâm linh luôn chuyển động quanh cái lẽ phồn thực - sự sinh nở của tạo vật, con người và cỏ cây, muông thú…?
Đã có người hỏi ông rằng: “Gần cả đời người chỉ tập trung vẽ mấy em gái Cơ tu không chán sao?”. Ông trả lời: “Không sợ chán, chỉ sợ không chạm đến lẽ vô cùng của cái đẹp con người Cơ tu”. Nguyễn Thượng Hỷ hiện sở hữu gần 50 bức tranh vẽ về đề tài này. Hình ảnh con người Cơ tu trong tranh anh bao giờ cũng mang vẻ đẹp khỏe khoắn, yêu đời. Trong bức sơn dầu Mẹ lúa, kích thước 153cm x 220cm, dự triển làm cùng Hội Mỹ thuật Đà Nẵng hồi tháng 5 vừa rồi, ông vẽ các cô gái và chàng trai múa mừng Cơm mới (Được mùa) nên gọi là Mệ/Mẹ lúa. Hình ảnh đôi cánh tay thiếu nữ đưa lên với bắp tay to, eo thon và khuôn ngực chảy tràn như một biểu tượng của vẻ đẹp lao động.
Tranh Hương Đất Dâng Trời, lụa, kích thước 90cm x 180cm (sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng). Tác phẩm đoạt giải B (không có giải A) tại triển lãm mỹ thuật khu vực V miền Trung và Tây Nguyên 2001. Ảnh: N.H |
3. Có thời gian, sau khi về hưu, người ta thấy Nguyễn Thượng Hỷ về Mỹ Sơn làm căn nhà mái lá tranh tre để sống và vẽ. Có lẽ đối với nghệ sĩ, đôi khi phải khổ một chút, nghèo một chút, ẩn ức một chút… thì cảm xúc mới thăng hoa. Bởi xét cho cùng, cô đơn, vốn là bản chất của nghệ sĩ. Bạn bè và hàng xóm đã quá quen với con người gầy gò, luộm thuộm của họa sĩ trong những ngày ẩn cư sáng tác với khuôn mặt râu ria phong trầm như gốc tre khô được đẽo gọt thành các vị La hán bán đầy ở các cửa hàng mỹ nghệ ở Hội An. Lúc nào hết màu, hết toan, ông lại xách con xe máy đời cũ chạy về Đà Nẵng mua thêm, tranh thủ ghé nhà ăn bữa cơm rau với vợ…
Nguyễn Thượng Hỷ có nhiều tác phẩm thành công về mảng đề tài Cơ tu. Ông đã cách điệu những họa tiết trên váy áo thổ cẩm, điêu khắc nhà Gươl… thành biểu tượng, ngôn ngữ tạo hình khá mới mẻ. Tranh của ông tham gia triển lãm ở các tỉnh, thành phố và khu vực, được nhiều người yêu thích. Riêng Bảo tàng Đà Nẵng đã mua bức tranh Hương đất dâng trời và 2 bức khác cùng đề tài miền núi của ông, hiện treo tại phòng Dân tộc học.
Hôm rồi trời làm mưa gió, nghe nói nội thành Đà Nẵng ngập nước, tôi gọi điện hỏi thăm thì nghe anh kể khổ: “Nước vô nhà chỉ cách tranh treo có 20 phân. Máy giặt, tủ lạnh chi cũng ướt nhẹp trừ tranh. May quá, họa phẩm Cho ngày cưới vừa mới vẽ xong vẫn bình yên trên giá…”. Nói rồi anh chụp ảnh gửi qua zalo cho tôi xem. Trong cái se lạnh đầu đông, sắc màu tươi tắn của những tấm thổ cẩm làm nền cho chủ thể là các thiếu nữ Cơ tu xinh tươi như những bông hoa Đỗ quyên nở trên đỉnh K’lang khi xuân về.
Anh còn tiết lộ thêm rằng, con gái Cơ tu trước khi lấy chồng thường phải dệt rất nhiều tấm vải. Cái để cho bản thân mặc ngày cưới, cái để làm quà biếu cha mẹ, cô dì chú bác bên nhà chồng. Anh từng có những phút giây suýt “trụy tim” trước vẻ đẹp của các thiếu nữ miền sơn cước ngồi dệt vải trong những ngày heo may gió. Mỗi sợi chỉ màu lướt ngang qua khung cửi trong thanh âm lách cách của con thoi như một bản nhạc được viết lên bằng sự ngọt ngào của giấc mơ hạnh phúc…
Nhiều bạn bè nghệ sĩ đã nhận xét rằng, Nguyễn Thượng Hỷ kể về câu chuyện “miền thượng” trong tranh mình bằng tâm thế của kẻ lãng du hơn là một người bản địa. Bởi qua con mắt của khách giang hồ, cái đẹp chợt đến như một ánh mắt sơn nữ nồng nàn men rượu Kacun trong đêm lễ hội, lay động trái tim bằng một cảm xúc chân thành và rất đời. |
NHƯ HẠNH