TRI ÂN THẦY CÔ

Giữ lửa với nghề

.

Rất nhiều thầy giáo, cô giáo vẫn đang “truyền lửa” cho học sinh theo cách rất riêng. Chính tình yêu nghề đã trở thành động lực mãnh liệt, giúp họ vượt qua những thời khắc nản lòng, những khó khăn, thử thách trong cuộc sống để neo lại với nghề. Mọi lo toan đều được để lại phía bên ngoài cánh cửa lớp học.

Giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần mà còn là người dẫn dắt và truyền cảm hứng, khơi gợi sự sáng tạo cho người học. Ảnh: XUÂN SƠN
Giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần mà còn là người dẫn dắt và truyền cảm hứng, khơi gợi sự sáng tạo cho người học. Ảnh: XUÂN SƠN

Khác với mọi ngành nghề, ngành giáo dục có tính xã hội rất cao nên ai cũng có thể nói, có thể bàn về giáo dục. Yêu cầu của xã hội đối với người làm nghề này cũng rất cao. Người thầy giáo được tôn vinh là “kỹ sư tâm hồn” bởi việc dạy học không chỉ là dạy chữ mà còn định hướng nhân cách, tâm hồn… Sự nghiệp và sứ mệnh của nghề giáo, vì vậy, là vô tận; nó là thứ ánh sáng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác mà không bao giờ tắt…

Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu) cho rằng, rất khó để khẳng định rạch ròi việc giữ tình yêu nghề theo năm tháng, trước những áp lực từ học sinh, phụ huynh, trước những đòi hỏi của xã hội và yêu cầu đổi mới để thích ứng với sự phát triển của giáo dục là điều dễ hay khó. Bởi, có những người yêu nghề, tha thiết với nghề đến mức khổ mấy, khó mấy họ cũng có thể vượt qua để neo lại với nghề. Đó gọi là nghiệp. Nhưng rõ ràng không phải dễ để duy trì tình yêu với nghề dạy học. Nhiều người đã phải bỏ nghề. Nhưng đau lòng hơn cả là những người còn trong nghề nhưng tình yêu nghề đã nhạt.

Tôi từng rất ngạc nhiên khi nghe thầy Lê Cư kể về những nắm níu của mình với nghề dạy học. Vào nghề năm 1983, thời điểm mà nhiều giáo viên không trụ lại được với nghề vì khó khăn, thầy giáo Lê Cư, giảng dạy môn Vật lý tại Trường THPT Hòa Vang, vẫn không bỏ nghề, dù phải lấy nghề tay trái “nuôi” nghề dạy học. Đến thời điểm năm 1988, trong đợt tinh giản biên chế, thầy Cư xin nghỉ để nhường cho đồng nghiệp.

Thôi dạy học, nhưng vẫn nhớ nghề, thầy Lê Cư vừa nhận thi công phần điện cho các công trình xây dựng nhà cửa vừa nhận dạy nghề ở các trung tâm đào tạo nghề của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Được đứng lớp, nỗi nhớ nghề cũng nguôi ngoai phần nào nhưng tận trong thẳm sâu, thầy Lê Cư vẫn nhớ không khí của một trường phổ thông: “Mình được đào tạo sư phạm bài bản mà không tiếp tục nghề dạy học thì tiếc quá. Ở giai đoạn khó khăn chung, mình đã hy sinh một phần của mình rồi nên khi ổn định, mình quyết định trở lại với nghề”. Thi công chức để trở lại ngành vào năm 2000, khi đã gần 40 tuổi, thầy Lê Cư cho biết: “Cũng phải vượt qua nhiều thứ vì lúc đó công việc bên ngoài đang ổn định, thậm chí thu nhập cao, trong khi muốn đi dạy thì đồng nghĩa với việc bắt tay làm lại từ đầu”. Trở lại với nghề, thầy Lê Cư liên tiếp có những sáng tạo trong dạy học mà theo thầy giải thích là để trả lại món nợ ân tình mà niềm vui nghề nghiệp mang lại cho mình.

Từng được giải thưởng Võ Trường Toản lần đầu tiên tổ chức tại Đà Nẵng (năm 2016) tôn vinh là giáo viên tiêu biểu có nhiều thành tích và đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, cô Trương Thị Ngọc Hà, giáo viên Trường Chuyên biệt Tương lai cho rằng, mình không có bí quyết gì ngoài tình yêu thương. Phải có thật nhiều yêu thương, sự kiên trì, nhẫn nại, để mỗi giáo viên ngày qua ngày lặp đi lặp lại những hướng dẫn, thao tác… giúp học sinh có được kỹ năng cần thiết để có thể tự chăm sóc, bảo vệ bản thân, ứng xử trước một số tình huống…. “Vì học sinh của mình thường không được nhanh nhẹn như bạn bè cùng trang lứa, nên chuyện hướng dẫn các em tự vệ sinh cũng cần phải thật kiên trì, nhẫn nại”, cô Hà chia sẻ.

Nhận được thiếp mời đám cưới của học trò cũ, cô Hà vui mừng đến rớt nước mắt. Hơn chục cái đám cưới của học trò, dù xa đến mấy, cô cũng thu xếp để có mặt trong ngày vui của các em. Những âu lo của người mẹ khiến cô còn theo suốt các em trên những chặng đường đời. “Cứ nghe tin em nào báo đã sinh con, mình lại đến gặp phụ huynh đôi bên để tìm cách hỗ trợ các em chăm sóc con nhỏ, làm sao để cháu có đủ điều kiện phát triển ngôn ngữ bình thường”. Cô Hà kể mà mắt đỏ hoe: “Hạnh phúc nhất của mình là các trò đều có một đến hai con và cháu nào ra đời cũng bụ bẩm, mạnh khỏe bình thường”.

Môi trường xã hội tác động mạnh mẽ đến học đường ở cả mặt tích cực và tiêu cực. Người thầy, muốn giữ được sự tôn trọng của cả học trò và xã hội, hơn bao giờ hết, phải giữ vững bản lĩnh cũng như lòng tự trọng, tự tôn với nghề nghiệp. Để làm giáo viên tốt thì việc học của người thầy là chưa bao giờ ngừng nghỉ, bởi chỉ cần không trau dồi, không tự cập nhật kiến thức, thông tin thì giáo viên sẽ tụt hậu.

Những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không hề làm suy giảm vai trò của người dạy và cũng không có gì thay thế được người thầy. Trong điều kiện học sinh có nhiều nguồn để tham khảo và cập nhật kiến thức, giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức đơn thuần mà còn là người dẫn dắt và truyền cảm hứng, khơi gợi sự sáng tạo cho người học.

PHONG TRẦN

;
;
.
.
.
.
.