Để sự sống tái sinh

.

Trung tuần tháng 10, bà Hồ Thị Ngọt (69 tuổi, Thành phố Hồ Chí Minh) chết lặng khi nghe bác sĩ thông báo con mình đã mất. Trái tim người mẹ vỡ vụn khi chỉ mới vài tiếng trước, đứa con trai duy nhất vẫn còn cười nói, chăm bẵm các con, nấu nướng bữa cơm cho cả nhà… Đến 22 giờ cùng ngày - nghĩa là chỉ vài tiếng sau khi anh chết não, dẫu bàng hoàng, đau đớn nhưng người mẹ đưa ra quyết định nhanh chóng: Hiến tạng của con để cứu sống những cuộc đời đang cần. Và hai quả thận, giác mạc hai bên mắt, trái tim và phần da của anh được tiếp nhận để tiến hành hồi sinh tính mạng và ánh sáng cho 6 cuộc đời khác.

Giờ đây trái tim anh được đập trong lồng ngực một người từng lay lắt sống bên cửa sinh tử. Đôi mắt quanh năm không thấy ánh sáng của một người xa lạ lại có thể nhìn thấy từng gương mặt người thân, nhìn thấy lại ánh sáng tưởng đã vĩnh viễn mất đi… Làn da của anh được dành cho một người bỏng nặng. Anh đã mất đi rồi nhưng sự sống vẫn cứ tiếp nối một cách đầy nhân văn như thế!

Câu chuyện hiến tạng con trai của người mẹ Hồ Thị Ngọt làm xúc động nhiều người. Việc hiến mô tạng của người chết não không mới nhưng quả thật việc “cho đi” này không mấy dễ dàng bởi quan niệm của người Việt là chết phải vẹn toàn. Hiện tại, có hàng ngàn bệnh nhân đang lay lắt chờ được nhận tạng, mô. Họ là những người bị hỏng giác mạc, suy tim, suy thận, bị bỏng nặng… Niềm hy vọng được nhận tạng cứ leo lắt như ánh đèn sắp cạn dầu. Với họ, mỗi ngày qua đi là thêm một bước đến cái chết. Số bệnh nhân chờ thì rất đông, người hiến tạng thì ít cho nên vô vàn người trong số họ đã chẳng thể đợi được! Trong khi đó, số bệnh nhân chết não mà gia đình họ không đồng ý hiến tạng rất nhiều. Những mô tạng có thể hồi sinh rất nhiều những cuộc đời khác bị chôn cất, trở thành cát bụi hư vô…

Hiển nhiên, để thay đổi một quan niệm đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân không phải là điều dễ dàng. Nhưng, số lượng những ca hiến tạng đang nhiều dần lên cho thấy xã hội đã dần thay đổi suy nghĩ về việc cho đi đầy nhân văn và ý nghĩa này. Những sự việc của người mẹ Hồ Thị Ngọt hay những câu chuyện được lan tỏa trên báo đài như những ngọn lửa ấm áp, góp phần lan tỏa và thay đổi nhận thức của mọi người về việc hiến mô, tạng. Như câu chuyện của Thiếu tá Lê Hải Ninh năm 2018 bị đột quỵ và không thể qua khỏi, người vợ đã quyết định hiến tạng chồng. Trong giờ phút vĩnh biệt chồng vào phòng phẫu thuật, chị đã nói với anh: “Em muốn anh cứu được nhiều người khác, anh không thể ở lại, anh ra đi nhưng em muốn trái tim anh vẫn đập, phổi anh vẫn thở và đôi mắt anh vẫn sáng để thấy được mẹ con em sống ra sao”. Câu chuyện của người thiếu tá hiến tạng để cứu sống 6 người khác khiến hàng triệu trái tim rung động, thổn thức.

Một cuộc đời đã ngừng lại, nhưng kỳ diệu thay sự sống sẽ không mất đi và sẽ không phí hoài. Từ trong cái chết, sự sống lại được tiếp nối, được hồi sinh từ những nghĩa cử nhân văn. Không chỉ là một trái tim, một giác mạc mà còn cho đi cả một cuộc đời với bao nhiêu ước mơ, bao nhiêu dự định còn dang dở. Hồi sinh cả những nụ cười tưởng đã mất đi trên gương mặt của người thân người được nhận.

Hiện nay, một bộ phận giới trẻ đã có sự hiểu biết và cái nhìn rất văn minh về việc hiến mô, tạng. Với tuổi đời còn rất trẻ, thậm chí còn đang ngồi trên ghế giảng đường nhưng nhiều bạn đã đăng ký hiến tạng với thông điệp “cho đi là còn mãi”. Và các bạn ấy thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, không rượu bia, thuốc lá, tập luyện thể thao thường xuyên để trái tim khỏe mạnh, để gan thận không nhiễm mỡ… Họ đại diện một thế hệ năng động, giỏi giang và có trái tim thiện lương.

Một người hiến tạng có thể cứu sống 8 đến 10 người khác. Thế mới thấy, hành động này có ý nghĩa nhân văn cao cả và to lớn đến thế nào. Những người bệnh đang hằng ngày, hằng giờ đứng bên bờ tuyệt vọng đang cần một nghĩa cử cao đẹp để được hồi sinh. Sự được tái sinh từ trong cái chết! Và những điều tốt đẹp, nghĩa nhân như thế cứ lan truyền và tiếp nối không ngừng.

NHƯ HIỀN

;
;
.
.
.
.
.