Gọi về giấc mơ

.

Đã có những lao đao khi Covid-19 và cơn cuồng nộ của thiên tai quét qua, rũ sạch những nỗ lực khởi dựng và tạo lập sản phẩm du lịch của họ - những bạn trẻ Cơ tu ở vùng cao Quảng Nam yêu mê văn hóa cha ông mình. Nhưng, như cái cách cây Pơmu lớn lên giữa rừng, như những con cá chình ngược suối, các bạn trẻ ấy vẫn đang miệt mài gọi về giấc mơ trên quê hương, bằng khát vọng gìn giữ và nâng tầm các giá trị văn hóa, bản sắc, bằng tiềm năng từ chính cộng đồng mình cho câu chuyện làm du lịch.

Du khách thích thú khám phá rừng pơmu cổ thụ thông qua tour trải nghiệm vùng cao do Pơloong Plênh kết nối và tổ chức. Ảnh: H.N
Du khách thích thú khám phá rừng pơmu cổ thụ thông qua tour trải nghiệm vùng cao do Pơloong Plênh kết nối và tổ chức. Ảnh: H.N

Homestay của “Nấm”

Bắt đầu nung nấu ý tưởng trong những chuyến phượt theo dặm dài đất nước ngày còn trẻ, C’lâu Lanh, cô gái trẻ người Cơ tu ở xã Jơ Ngây (huyện Đông Giang, Quảng Nam) miệt mài tích cóp, học hỏi và bắt đầu thử sức ở một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. “Nấm’s Homestay” ra đời ngay trên mảnh đất vườn nhà của Lanh, vào năm 2018. Những kinh nghiệm từ việc làm du lịch của đồng bào vùng cao Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên hằn in trong tâm trí của cô gái nhỏ, bởi bên cạnh tận hưởng những giá trị từ chuyến đi, mục tiêu của cô nàng rõ ràng hơn hẳn: học làm du lịch.

“Tôi nhìn mọi người làm, và từ đó liên hệ ngay rằng so với nhiều nơi, quê mình, chốn mình còn quá nhiều tiềm năng để làm như họ và có thể tốt hơn họ nữa. Tôi nhìn thấy bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, hình dung được những thuận lợi mà mình đang sở hữu, và cũng nghĩ đến cả những áp lực nữa. Mọi thứ ban đầu vừa hấp dẫn, vừa mới mẻ, nghĩ vậy và làm”, Lanh chia sẻ.

Cô gái trẻ bắt tay dựng nhà theo lối kiến trúc truyền thống, cải tạo vườn, chỉnh trang, đồng thời lần dò tìm kiếm những địa điểm để có thể hình thành một tour trải nghiệm cho khách. Năm 2019, Nấm’s Homestay đi vào hoạt động. Khó khăn đầu tiên, lớn nhất, là chưa ai làm việc này cả, Lanh như một người khai phá. Nhận thấy từ rất sớm cơ hội để tồn tại giữa quá nhiều lựa chọn, Lanh xác định, chiến lược phát triển du lịch của địa phương, cùng với các dự án rục rịch triển khai như khu du lịch sinh thái Hang Gợp, đề án phát triển du lịch tây Bà Nà, du lịch sinh thái suối A Păng… sẽ sớm hút khách, trong khi còn khá vắng điểm dừng chân, lưu trú.

C’lâu Lanh phải tự học từ cách xây dựng, thiết kế tour, quản lý điều hành, tạo được giá trị đặc trưng về ẩm thực, văn hóa, sinh thái cho du khách thưởng thức. Tự xoay xở mọi thứ, mà khó khăn nhất là nguồn vốn. Vượt qua những áp lực ban đầu, dự án đi vào hoạt động, tiền lãi trở thành nguồn đầu tư xoay vòng, hiệu quả được nhìn thấy. Và cô gái trẻ đã xuất sắc giành giải ý tưởng khởi nghiệp, là một trong 8 dự án được cam kết hỗ trợ của tỉnh Quảng Nam.

Thử thách dường như chỉ mới bắt đầu. Những cơn bão lũ đổ xuống liên tiếp gây thiệt hại nặng ở vùng cao, Nấm’s Homestay bị hư hại nặng. “Cơ chế ưu đãi, hỗ trợ khởi nghiệp còn hạn hẹp, khó tiếp cận nên việc phát triển là điều khá khó. Tạo ra tour để khách đến, thưởng thức và trải nghiệm đòi hỏi cần giữ gìn được không gian sinh thái lẫn văn hóa truyền thống, một áp lực khá lớn trong xu thế phát triển hiện đại. Đến thời điểm hiện tại, em vẫn chưa được hỗ trợ theo cơ chế của quỹ khởi nghiệp, em vẫn đang nỗ lực để làm lại. Nấm’s Homestay sẽ sớm trở lại phục vụ cho du khách”, Lanh chia sẻ.

Mang du lịch về làng

Câu chuyện làm du lịch ở vùng cao Quảng Nam được kể bằng một mảnh ghép khác sinh động không kém nơi đại ngàn Tây Giang. Từ miền biên viễn, bằng niềm yêu và tự hào bất tận với không gian văn hóa còn khá ban sơ và cả hệ sinh thái rừng giàu có, Pơloong Plênh chọn cách làm du lịch dựa vào cộng đồng. Đó cũng là chọn lựa, là một niềm đam mê của Plênh, với mục tiêu quảng bá du lịch, hướng dẫn bà con tìm cách biến giá trị của bản sắc thành một nguồn sống, và không làm cho riêng mình. Theo Plênh, có một thực tế là rào cản về ngôn ngữ, văn hóa gây ra nhiều khó khăn trong việc thay đổi nhận thức đối với người đồng bào thiểu số. Hướng người dân sang một phương thức kinh tế mới là làm du lịch song phải vừa giữ gìn được văn hóa truyền thống, vừa giữ rừng, vừa hòa nhập để phát triển với xu thế chung là cả một câu chuyện dài, phải đi từ dễ đến khó và chạm nhiều đến thực tiễn.

"Từ “du lịch” rất mới lạ với đồng bào, họ không tin vì cái bụng chưa no, chăn chưa ấm, bếp sàn lung lay trước mùa mưa bão sao có thể làm du lịch được, ai đến rẻo đất hoang vu này. Nhưng rất mừng, hơn 18 năm lặn lội khắp bản làng Tây Giang, mình nhớ từng khuôn mặt, say mềm môi với bà con để vận động, tuyên truyền, rồi tự mày mò lên mạng kết nối, giới thiệu, đã có hàng trăm lượt khách đến vùng cao này. Niềm vui khi thấy khách thích thú được trải nghiệm cái lạ trong văn hóa Cơ tu, trong màu xanh của rừng là động lực để tự thân phải cố gắng trở thành một “sứ giả” của vùng cao, kết nối những người bạn trong nước, nước ngoài đến và quay trở lại, có thêm những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa”, Plênh tâm sự.

Miệt mài như một sứ giả đặc biệt của làng đi ra trò chuyện cùng thế giới bên ngoài, Plênh mang về nhiều đổi thay, từ những điều rất nhỏ. Bà con Cơ tu nơi Plênh kết nối để đưa khách đến thăm nay đã biết làm sạch ngôi nhà sàn, xóm làng của mình, không ngại ngần khi khách Tây đến, nhiệt tình, niềm nở khi đoàn khách ở làng, bịn rịn nhớ thương khi khách về phố. Khởi đầu từ đó, nhiều mô hình, cách làm hay về bảo tồn văn hóa, giữ rừng di sản, rừng nguyên sinh, rừng đầu nguồn, giữ động vật quý hiếm... gắn với khai thác phát triển sản phẩm du lịch của địa phương từng bước hình thành. Làng văn hóa Tà Lang, Pơr'ning, Đỉnh Quế, điểm du lịch sinh thái Lộc Trời là những ví dụ điển hình ở Tây Giang.

Pơloong Plênh tâm sự, hạ tầng du lịch quá thiếu và yếu, nguồn nhân lực hạn hẹp, thiếu đào tạo cũng như những tác động khôn lường lên môi trường, thiên nhiên ở miền núi đang thực sự tạo ra lực hãm cho việc phát triển du lịch ở vùng Tây từ góc độ thực tế, từ quy mô làm du lịch hộ gia đình và cộng đồng. Xúc tiến, đầu tư về du lịch ở miền núi đa phần mới chỉ tập trung ở các hạng mục cơ sở vật chất, hạ tầng theo hướng hiện đại, không tôn trọng chủ thể văn hóa, không gian kiến trúc, chất liệu truyền thống của từng địa phương. Anh nói, cần phải thay đổi, chú trọng nhiều hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực làm du lịch. Bên cạnh đó, sự kết nối, liên kết vùng, tuyến du lịch, sản phẩm du lịch giữa người dân làm du lịch ở miền núi với các hãng lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh cũng là một đòn bẩy quan trọng mà miền núi đang rất cần...

Không còn ở “thì tương lai” nữa, du lịch, rõ ràng đã hiện hữu và bắt đầu nắm lấy cơ hội phát triển, rõ nhất là qua câu chuyện của những người trẻ đầy tâm huyết như Pơloong Plênh, như C’lâu Lanh. Ước muốn không dừng lại ở chuyện quảng bá, không chỉ là “bán phòng nghỉ”, mà là sinh kế bền vững, nguồn thu nhập cho đồng bào bản địa, nâng tầm giá trị về sinh thái và bản sắc văn hóa cho vùng cao. Bắt đầu luôn là khó khăn, nhưng họ đã vượt qua muôn trùng khó khăn đó, dám bắt đầu cho một giấc mơ thành hiện thực, biến những điều xa vời trở nên gần gũi, để vùng cao bừng thức cơ hội mới, cho chính mình…
Từ những mơ hồ của câu chuyện kiếm tiền bằng du lịch, người vùng cao phía Tây xứ Quảng đã và đang tiệm cận hơn bao giờ hết một nguồn sống mới từ chính miền đất mình đang sống, với việc lan tỏa và quảng bá cho du lịch, mà phát xuất, là từ những người trẻ.

HẠ NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.