MA NHAI NGŨ HÀNH SƠN

Phát huy giá trị độc đáo ma nhai

.

Việc ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là di sản tư liệu thế giới, và Đà Nẵng có di sản tầm khu vực đầu tiên chắc chắn là niềm vui, sự tự hào rất lớn của thành phố trong lĩnh vực văn hóa. Song, bên cạnh vinh dự ấy, nhiệm vụ của thành phố là phải bảo tồn và phát huy tối đa giá trị của ma nhai, xứng đáng với danh hiệu vừa đạt được. Đây không chỉ là công việc của hiện tại, mà còn phải hướng đến tương lai, để giá trị di sản văn hóa sống mãi với thời gian.

Người dân, du khách tham quan động Huyền Không và các ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.  Ảnh: X.D
Người dân, du khách tham quan động Huyền Không và các ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: X.D

Bảo tồn - đã và cần làm gì?

Đến nay, hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đã vượt ra ngoài ranh giới của một thành phố hay quốc gia, trở thành di sản tư liệu quan trọng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới. Đây là thành công rất lớn của thành phố trong việc đưa một di sản quý hiếm có tên trên bản đồ di sản thế giới. Theo nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, ma nhai được ghi danh là di sản tư liệu cấp khu vực là niềm phấn khởi, sự tự hào rất lớn của người dân Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên thành phố có một di sản được vinh danh ở tầm quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, việc ma nhai được ghi danh đòi hỏi thành phố phải quyết liệt hơn trong việc tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa di sản bằng các quyết sách kịp thời, đúng đắn. Song song đó, những người làm công tác nghiên cứu phải làm sao để tiếp cận một cách đầy đủ, toàn diện hơn những nội dung trong ma nhai tại Ngũ Hành Sơn. Từ đó, làm cầu nối đưa những thông điệp mà các cao tăng, vua, quan, nhà thơ triều Nguyễn muốn truyền đạt cho hậu thế. “Đây là những việc cần làm ngay và buộc phải làm tốt, bởi thời gian sẽ làm mai một nguồn nhân lực nghiên cứu Hán Nôm vốn hiếm hoi”, ông Tiếng khẳng định.

Trên thực tế, không ít ma nhai Ngũ Hành Sơn bị tổn thương vì nhiều lý do chủ quan và khách quan. Qua khảo sát, hiện chỉ còn 52/78 ma nhai còn đọc được. Số còn lại bị bào mòn bởi thời gian, bồi lấp bởi các lớp sơn và xi-măng nứt vỡ do chiến tranh, người đời sau đục bỏ hoặc khắc thêm chữ quốc ngữ, làm biến dạng hoặc mất một số chữ Hán. Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng cho rằng, di sản tư liệu ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn có giá trị rất độc đáo, quý hiếm và không thể thay thế. Nếu di sản này không còn nữa, hoặc bị mất mát, hư hỏng, không chỉ làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của một mảng tư liệu nghiên cứu lịch sử quan trọng, mà sẽ làm nghèo đi một loại hình di sản trong kho tàng di sản của loài người.

Do đó, cần đặt việc bảo tồn ma nhai trong tổng thể bảo tồn danh thắng Ngũ Hành Sơn nhằm tận dụng hành lang pháp lý về bảo tồn di sản văn hóa đối với các di tích quốc gia đặc biệt. Có như vậy mới không để tái diễn tình trạng hủy hoại di sản văn khắc nói riêng và hủy hoại di sản văn hóa nói chung tại Ngũ Hành Sơn. “Nếu không bảo tồn tốt, danh hiệu di sản tư liệu thế giới cũng chẳng có ý nghĩa gì. Chúng ta - những người kế thừa di sản của ông cha phải hết sức trân quý, nỗ lực giữ gìn tất cả ma nhai trước những áp lực về thời gian cũng như nhận thức”, ông Tiếng nhấn mạnh.

Liên quan đến công tác bảo tồn, từ trước khi ma nhai được ghi danh là di sản tư liệu thế giới, ngành văn hóa đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế tác động của con người trực tiếp trên ma nhai. Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã dịch toàn bộ nội dung ma nhai bằng cách dập văn bia bằng giấy chuyên dụng trong bảo tồn di sản. Đồng thời, số hóa toàn bộ nội dung văn tự ma nhai để lưu giữ giá trị di sản đến các thế hệ sau. Đây là giải pháp khoa học tối ưu để bảo tồn nguồn tài liệu quý giá, độc nhất trước nguy cơ hư hại bởi thời tiết và thời gian.

“Để bảo tồn ma nhai, có rất nhiều công việc cần phải làm, trong đó, một trong những cách tốt nhất là giữ nguyên hiện trạng, hạn chế tối đa việc dùng hóa chất, vật cứng can thiệp. Đặc biệt, phải có cách tránh sự tác động của thiên nhiên cũng như con người tiếp xúc trực tiếp với ma nhai. Bên cạnh đó, sử dụng ánh sáng dành riêng cho bảo tồn các hiện vật để chiếu sáng ma nhai, bảo đảm không làm hư hại di sản. Đồng thời, thực hiện công tác vệ sinh đúng với “phác đồ” bảo quản chuyên dành cho ma nhai”, ông Thiện nói.

Gắn bảo tồn với phát huy di sản

Việc ma nhai được công nhận di sản tư liệu thế giới là tiền đề để thành phố được UNESCO hỗ trợ hoạch định chính sách bảo tồn và phát huy, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, học giả, công chúng tiếp cận với di sản này theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế. Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, sau khi được ghi danh, ma nhai cũng sẽ trở thành đối tượng của những nỗ lực toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho việc bảo quản di sản tài liệu. Cùng với đó, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để thành phố đệ trình UNESCO công nhận danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản văn hóa thế giới. “Đây là một lợi thế lớn để Đà Nẵng khai thác, nâng cao vị thế, phát huy các giá trị di sản phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, xây dựng Đà Nẵng không chỉ là một thành phố phát triển về kinh tế, mà còn là địa phương có ký ức và bề dày lịch sử - văn hóa”, ông Thiện nhấn mạnh.

Mặt khác, theo nhiều chuyên gia, việc bảo tồn và phát huy các giá trị của ma nhai không chỉ là công việc của hiện tại, mà còn phải hướng đến tương lai, điều này đòi hỏi thực hiện tốt công tác quy hoạch. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phạm Tấn Xử cho biết, đơn vị đang tham mưu UBND thành phố lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn; xây dựng các quy định, quy chế về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn, trong đó có hệ thống ma nhai với các nhiệm vụ như: tổ chức kiểm tra, giám sát, bảo vệ nghiêm ngặt hiện trạng các ma nhai và cảnh quan môi trường xung quanh; kiểm kê, đánh số, phân loại các ma nhai theo đúng nguyên tắc bảo tàng học; vệ sinh, xử lý toàn bộ bia ma nhai bị rêu bám, che phủ bởi sơn và xi-măng…

Có thể nói, việc nhận diện được giá trị, nỗ lực xây dựng hồ sơ công nhận, có biện pháp bảo tồn, phát huy các giá trị của ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là bước đi đúng đắn, kịp thời nhằm giữ gìn và kết nối những ký ức của tiền nhân với hậu thế. Ngoài ra, việc ma nhai được ghi danh cũng là động lực, cơ sở cho thành phố phát triển du lịch bền vững. Theo ông Phạm Tấn Xử, trong định hướng phát triển của thành phố, những năm tiếp theo ngành văn hóa sẽ đẩy mạnh các loại hình du lịch văn hóa, du lịch di sản.

Vì thế, tạo các sản phẩm du lịch từ ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là một giải pháp để phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó, cần chú trọng vai trò của cộng đồng, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân và du khách trong việc bảo vệ di sản này. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản tư liệu bia ma nhai một cách thường xuyên thông qua các hoạt động trưng bày, triển lãm và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tuyển chọn đưa vào trường học những tác phẩm tiêu biểu trong hệ thống ma nhai. Qua đó, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức trong thế hệ trẻ về giá trị và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

XUÂN DŨNG

;
;
.
.
.
.
.