Giữa trùng khơi, sóng dội, hình ảnh lá cờ Tổ quốc không ngừng tung bay phấp phới trên những con tàu đang rẽ sóng vươn khơi luôn gợi lên trong mỗi ngư dân niềm tự hào xen lẫn xúc động. Từ rất lâu, lá cờ Tổ quốc luôn đồng hành cùng ngư dân trở thành cột mốc khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thiêng liêng.
Đại diện Bộ đội Biên phòng Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Tiên sa (bên trái) cùng cán bộ phường Thuận Phước (bên phải) trao tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân. Ảnh: Trạm Biên phòng cửa khẩu cảng Tiên Sa cung cấp |
Quốc kỳ tung bay trên mũi tàu
Gặp ngư dân Trần Bá Tùng (55 tuổi, phường Thọ Quang) vào những ngày cuối tháng 11 trong tiết trời dịu nhẹ, khi anh đang chuẩn bị nhiên liệu và ngư cụ cần thiết để tiếp tục vươn khơi ở ngư trường Hoàng Sa vào những ngày đầu tháng 12. Anh Tùng kể, hơn 35 năm gắn bó với nghề biển, mỗi chuyến ra khơi, anh và những người bạn nghề chưa lúc nào quên mang theo lá cờ Tổ quốc. Sinh ra và lớn lên ở làng chài Thọ Quang, hình ảnh con tàu, cánh buồm, lá cờ đã tồn tại trong tâm khảm anh. Vì thế, khi tiếp nối nghề truyền thống cha ông để lại, anh vẫn giữ một niềm tự hào khi nhìn lá cờ Tổ quốc.
Ngư dân Trần Bá Tùng là chủ 2 con tàu công suất 820CV và 402CV, hoạt động khai thác hải sản câu mực, cá và rê chuồn ở ngư trường Hoàng Sa. Anh kể, không biết bao nhiêu lần nhờ có lá cờ Tổ quốc mà bạn nghề nhận ra nhau và hỗ trợ kịp thời.
“Trong một chuyến đi biển dài 20 ngày, ngày cuối, khi chuẩn bị vào bờ thì tàu bất ngờ bị hỏng máy, không có cách nào liên lạc vào đất liền. Tôi và các thuyền viên rối trí không biết phải xử lý thế nào thì rất may nhờ có lá cờ Tổ quốc mà bạn thuyền nhận ra tàu “đồng hương”, nên dìu nhau cập bờ an toàn, ai nấy đều vui mừng rơi nước mắt. Quan trọng hơn, khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc bay phấp phới, hiên ngang khiến tôi cũng như nhiều ngư dân khác được tiếp thêm sức sống, niềm tin vững chãi vượt qua mọi khó khăn nơi đầu sóng. Lá cờ như là linh hồn của con tàu, tàu không cờ giống như nhà không nóc. Đó là câu nói cửa miệng của tất cả ngư dân khai thác sản xuất trên biển. Không chỉ mang ý nghĩa tinh thần to lớn, việc treo cờ Tổ quốc là tín hiệu, là sự hiện diện trên vùng biển của ta, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của cha ông”, anh Tùng bày tỏ.
Cũng như nhiều chủ tàu khác, anh Lê Văn Thiên (47 tuổi, phường Thuận Phước), chủ 4 con tàu dài hơn 15m, công suất 800-1200CV, đánh bắt ở vùng khơi ngư trường Hoàng Sa, lúc nào cũng chuẩn bị 4-5 lá cờ Tổ quốc. Không ai bắt buộc hay theo một quy định nào, ngư dân treo cờ mỗi khi ra khơi như một thói quen và niềm tự tôn dân tộc mãnh liệt.
Anh Thiên bộc bạch: “Hành trình vươn khơi của tôi ngoài những vật dụng cần thiết thì luôn có lá cờ Tổ quốc. Vì thế, lúc nào tôi cũng mang theo nhiều lá cờ để thay thế khi cần. Đi biển hơn 30 năm, tôi coi biển cả là ngôi nhà thứ 2 còn lá cờ như một phần sống trong tôi. Những khi lênh đênh trên biển, nhìn thấy lá cờ Tổ quốc không ngừng tung bay trên tàu, trong tôi lại dâng lên cảm xúc khó tả, nó giúp tôi cũng như nhiều bạn thuyền khác thêm động lực vươn khơi. Ngoài việc trang bị cờ, ảnh Bác Hồ, tôi cũng như nhiều ngư dân khác đặt cao ý thức về việc khai thác hiệu quả nguồn lợi hải sản đúng nơi quy định, không xâm phạm vào vùng biển nước ngoài”, anh Thiên tâm sự.
Đại tá Hồ Sỹ Hậu, Phó Chỉ huy trưởng kiêm Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cho biết, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng thành phố trao tặng hàng ngàn lá cờ cho ngư dân, việc tặng cờ đỏ sao vàng hay ảnh Bác Hồ là việc làm thiết thực, nhân văn, thấm đẫm niềm tự hào dân tộc. Thông qua đó, mong muốn ngư dân hiểu rằng họ không hề đơn độc trên vùng biển Tổ quốc, mà luôn có bạn thuyền, bộ đội biên phòng, Tổ quốc sát cánh bên cạnh. Đồng thời, gửi gắm đến ngư dân một tinh thần vũng tin bám biển, khai thác hải sản trên vùng biển được cho phép và khơi dậy tinh thần yêu nước, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo.
An tâm vươn khơi
Việc tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân như thổi thêm ngọn lửa hào hùng về tình yêu biển, đảo. Ngoài ra, để giúp bà con yên tâm vươn khơi thì hằng năm, ngư dân được hỗ trợ nhiên liệu, thuốc men và 100% phương tiện đánh bắt xa bờ trên địa bàn được cấp kinh phí lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, giúp lực lượng biên phòng đánh dấu vị trí, hỗ trợ khi tàu gặp sự cố.
Trong tâm trí mỗi ngư dân, thuyền là nhà, biển cả là quê hương. Vì vậy, để bảo vệ quê hương, ngoài thông điệp giữ gìn biển đảo mỗi khi ra khơi, ngư dân luôn có ý thức khai thác hải sản trong phạm vi biển của nước ta, không xâm lấn khai thác ngoài vùng biển cho phép. Hiện nay, theo thống kê của Bộ đội Biên phòng thành phố, tổng số tàu thuyền đang hoạt động có 1.227 tàu (trên 6m), khoảng 6.820 ngư dân. Bằng những giải pháp nhân văn như tặng cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, áo phao, phao tròn, tờ rơi pháp luật… nhằm động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, khẳng định chủ quyền biển, đảo Tổ quốc thì lực lượng chức năng, đặc biệt là Bộ đội Biên phòng cũng tích cực tuyên truyền cho bà cơn ngư dân không khai thác thủy sản trái phép.
Việc làm này tạo sự đồng lòng chấp hành nghiêm trong ngư dân, để hình ảnh lá cờ Tổ quốc đẹp hơn. Ngư dân Nguyễn Văn Điều (phường Thuận Phước) chia sẻ: “Chúng tôi ai cũng ý thức khai thác trên vùng biển được phép hoạt động. Ngoài việc ra khơi đánh bắt hải sản để bảo vệ chủ quyền biển đảo, thì việc nghiêm chỉnh chấp hành khai thác hải sản đúng nơi quy định rất quan trọng, góp phần hình thành thói quen bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho hôm nay và mai sau”.
Để tăng cường công tác tuyên truyền khai thác hải sản đúng nơi quy định cho ngư dân, Thiếu tá Đặng Văn Đạo, Đồn trưởng đồn Biên phòng Sơn Trà cho biết, đơn vị thường xuyên phối hợp Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đẩy mạnh triển khai tuyên truyền. Ngoài ra, hằng năm đơn vị tổ chức hội nghị ngư dân để tổng kết công tác thông tin liên lạc biển và truyền thụ kiến thức cho ngư dân trên địa bàn về quy định khai thác hải sản trái phép, cách nhận biết ranh giới vùng biển Việt Nam với các khu vực chưa phân định, nhạy cảm, chồng lấn tranh chấp. Tuyệt đối nghiêm cấm hành vi khai thác tận diệt, đó là cách để bảo vệ nguồn lợi thủy sản lâu dài.
Đại tá Hồ Sỹ Hậu nhấn mạnh, Bộ đội Biên phòng thành phố luôn có những giải pháp căn cơ hiệu quả để nâng cao nhận thức cho bà con ngư dân trong khai thác đánh bắt hải sản đúng nơi quy định. “Với những ngư dân đã dành hơn nửa đời người lênh đênh trên biển, chưa bao giờ họ cảm thấy lo sợ trước biển cả, vì trong tâm thức của họ, Tổ quốc luôn hiện diện bên cạnh trong những lá cờ đỏ thắm, tiếp thêm ý chí, nguồn sống và sự quyết tâm ra khơi, rẽ sóng”, Đại tá Hồ Sỹ Hậu nói.
HUỲNH TƯỜNG VY