Sự kỳ diệu của đôi tay

.

Tôi cảm nhận niềm an nhiên lan tỏa lúc nghe họ chia sẻ về những món đồ thủ công được tạo nên bằng sự tỉ mỉ, chỉn chu và lòng kiên nhẫn, say mê sáng tạo…

Công việc chế tạo mô hình bằng tăm tre giúp anh Hứa Văn Minh tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Ảnh: T.Y
Công việc chế tạo mô hình bằng tăm tre giúp anh Hứa Văn Minh tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Ảnh: T.Y

Bén duyên cùng những mô hình

Nghe chị Trần Mỹ Quyên, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Minh An (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cho biết tác giả mô hình cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, Trung tâm Hành chính thành phố… bằng tăm tre là một người khuyết tật, tôi hết sức ngạc nhiên. Bởi lẽ, công việc này đòi hỏi người thực hiện phải thật sự kiên nhẫn, khéo léo và đủ sức khỏe để ngồi sắp đặt, cắt dán, cân chỉnh kích thước phù hợp trong nhiều giờ liền.

Sự ngạc nhiên ấy đã thôi thúc tôi tìm gặp Hứa Văn Minh (SN 1982, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) giữa thời điểm anh đang gấp rút hoàn thiện mô hình cầu Sông Hàn theo đơn đặt hàng của Công ty Thịnh Minh An. Chị Quyên nhắn, phải thuyết phục mãi Minh mới chịu gặp. Trước khi làm công việc này, anh từng là kỹ sư xây dựng rồi gặp nạn trong lúc giám sát công trình Thủy điện A Lưới năm 2011. Tai nạn khiến Minh tổn thương tủy sống, liệt nửa người bên dưới. Sau hai năm nằm viện, anh về nhà trong tâm trạng hụt hẫng, chán chường bởi sức khỏe giảm sút, tương lai mù mịt, di chuyển vẫn dựa vào xe lăn. Minh nói, đó là thời điểm anh thấy mình là người thừa, là gánh nặng cho cả nhà.

Tôi hỏi Minh, vì sao anh chọn làm mô hình tăm tre mà không phải thứ gì khác. Minh cười, nói ban đầu đến với công việc này để khuây khỏa, làm cho vui chứ không nghĩ chuyện sâu xa. Sản phẩm đầu tay là mô hình tháp Eiffel (Pháp) cao hơn 60cm, được anh lắp ghép từ hàng nghìn que tăm trong suốt 3 tháng. “Cái đầu tiên bao giờ cũng đặc biệt. Tôi dành thời gian thiết kế, cân chỉnh tỷ lệ và tỉ mỉ từng điểm nối sao cho hài hòa, đẹp mắt. Nhiều lúc dán keo rồi nhưng thấy chưa đẹp lại gỡ ra. Cứ thế, tôi hân hoan cùng niềm vui sáng tạo và quên hết những mệt nhọc, những cơn đau trong cơ thể còn nhiều tổn thương”, Minh nói.

Trong ngôi nhà nhỏ nằm ở đường Thế Lữ, ngồi trên xe lăn, Minh say sưa nói về sự tỉ mỉ, khéo léo, kiên nhẫn như thể đôi bàn tay của anh đã quen với việc cắt, dán, sắp đặt, bài trí từng que tăm để mang lại cho nó cuộc đời mới. Anh kể, sau tháp Eiffel, anh dành thêm 10 ngày lắp ghép mô hình Ngọ Môn Huế. Những mô hình sau khi hoàn thiện được anh chụp hình đăng facebook với mục đích chia sẻ cùng bạn bè. Từ cột mốc này, nhiều người liên hệ hỏi Minh có làm được mô hình này, mô hình kia không. Anh quan sát thấy mình có thể làm được thì nhận lời và coi đó là công việc kiếm thêm thu nhập trong thời gian dưỡng bệnh.

Sau 8 năm, đôi bàn tay khéo léo của Hứa Văn Minh sáng tạo hơn 40 mô hình gồm cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý, Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng, Ngọ Môn Huế, Khuê Văn Các Quốc Tử Giám, cầu vượt ngã ba Huế, Tòa nhà Quốc hội, cầu Cần Thơ, tòa nhà Tập đoàn Điện lực EVN, Chùa Một Cột… với số lượng hàng trăm sản phẩm. Trong đó, mô hình cầu Rồng, cầu Sông Hàn, cầu Trần Thị Lý… trở thành mặt hàng lưu niệm độc đáo, được Công ty TNHH Thịnh Minh An phân phối, giới thiệu đến du khách gần xa. Thậm chí, thông qua công ty, những sản phẩm mô hình của Minh được Thành ủy, UBND thành phố đặt hàng tặng đối tác, nhà đầu tư hay các tỉnh, thành trong chuyến công tác.

Nhờ kỹ thuật tinh xảo, bố cục hài hòa, đẹp mắt, những mô hình tăm tre mang biểu tượng Đà Nẵng của anh Minh cũng theo chị Trần Mỹ Quyên tham dự nhiều cuộc triển lãm du lịch trong và ngoài thành phố. Chị Quyên bảo, từ yêu mến mô hình, chị yêu mến luôn người tạo ra nó. Vì thế, ngoài tổ chức tour du lịch, chị muốn góp phần quảng bá những sản phẩm độc đáo, chỉn chu và đặc biệt của Minh. “Mỗi tháng, Minh làm từ 15-20 sản phẩm. Tôi xem đây là sản phẩm trí tuệ, được tạo nên bởi sự khéo léo và lòng yêu nghề của Minh nên muốn góp phần lan tỏa nó”, chị Quyên cho hay.

Đam mê gửi hết cho nghề

Hơn 10 năm nay, trong cặp sách của anh Dương Văn Kiên (SN 1981), giáo viên môn Toán, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, bao giờ cũng có vài cây bút chì khắc chữ như một phần thưởng động viên, khích lệ học trò. Sở thích được anh nuôi dưỡng sau lần đọc báo thấy người ta nói về những tác phẩm nghệ thuật được khắc trên thân bút chì. Bị mê hoặc bởi những tác phẩm nhỏ nhắn, tinh xảo ấy, anh Kiên lấy dao rọc giấy, tập tành khắc tên lên thân bút tặng người thân. Từ làm chơi, giải trí, Kiên dần có thái độ nghiêm túc với nghệ thuật điêu khắc bút chì và muốn thử sức những kỹ thuật khó hơn như khắc sợi xích (các kiểu) cũng như tạo độ xoắn và khắc hình rồng, phượng… trên thân bút.

Bút chì có kích thước nhỏ, phần thân giòn, dễ gãy nên việc điêu khắc đòi hỏi sự tỉ mỉ, tập trung, cân chỉnh sức tì, đè vừa phải. Thậm chí, khi thực hiện những chi tiết khó, anh Kiên không dám thở mạnh vì sợ sự bất cẩn có thể làm hỏng tác phẩm. Khó là vậy nhưng càng làm càng thích. Càng yêu, càng ghiền. Theo anh Kiên, khắc bút chì có nhiều cách, trong đó khắc chữ là phổ biến và dễ thực hiện nhất. Tiếp đến là khắc tượng, tranh và mô hình. Khi đôi tay đã nhuần nhuyễn, nắm bắt tốt kỹ thuật, thường người chơi sẽ tiếp tục thử sức với dạng xích khớp động, từ đơn giản đến phức tạp. Đây là kiểu khắc có độ khó cao, tốn nhiều thời gian nhưng mang lại cho anh cảm giác chinh phục, sáng tạo.

Minh chứng điều này, anh Kiên lấy ra từ bộ sưu tập cây bút khắc sợi xích đôi và nói rằng mình đã “phá hỏng” gần 10 cây bút chì thợ mộc mới làm được nó. Tác phẩm được anh làm cách đây 5 năm, sau nhiều lần thất bại đến mức từng bỏ cuộc. “Sau thời gian khắc xích đơn, tôi nảy ra ý tưởng khắc xích đôi từ ruột bút chì thợ mộc. Loại bút chì này có ưu điểm ruột chì chắc, dẹp, to, ít vỡ. Tuy nhiên, dù nắm vững kỹ thuật, tôi cũng đành bỏ cuộc, cất đồ nghề sau 4 lần thất bại. Năm 2019, sau thời gian dài gián đoạn, tôi quyết tâm chinh phục mẫu này và may mắn đã mỉm cười sau khi phá hỏng 3 cây chì khác”, anh Kiên hạnh phúc nói.

Xem khắc chì là cuộc chơi thú vị, lắm công phu, bộ sưu tập của anh Kiên dày lên theo thời gian. Chỉ tính riêng dạng xích từ thân, ruột bút đã có hơn trăm mẫu, mỗi mẫu mang họa tiết riêng, dạng độc bản. Ngoài ra, những mô hình đạt độ tinh xảo, đẹp mắt, tiêu tốn nhiều thời gian nhất phải kể đến mẫu rồng, phượng, cầu Rồng, thanh đao, lưỡi hái shogun trong văn hóa Nhật Bản… Mỗi tác phẩm hoàn thành được anh phủ lên lớp sơn bóng chống ẩm mốc. Theo anh Kiên, nhờ điêu khắc chì, anh biết thêm bút chì có nhiều mẫu mã, với nhiều đặc tính khác nhau. Như bút chì tái chế làm từ bột gỗ và keo có thể uốn cong trên ngọn lửa; bút chì thợ mộc ruột to dày, hình chữ nhật hay các loại bút chì không vỏ… Ngoài bút chì B2 giá rẻ, thị trường bán nhiều thì bút chì thợ mộc, bút chì không vỏ phải nhờ người quen “xách tay” từ nước ngoài về. Những mẫu “xách tay”, mỗi lần khắc anh hết sức cẩn trọng, tránh hư hỏng vì khó tìm ngoài thị trường.

Họa sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh bên những bức tranh được làm thủ công từ ốc, sỏi. Ảnh: T.Y
Họa sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh bên những bức tranh được làm thủ công từ ốc, sỏi. Ảnh: T.Y

Cuộc trò chuyện với hai người đàn ông và những đam mê của họ khiến tôi nhớ đến một nhân vật khác của mình. Đó là họa sĩ Trần Thị Mỹ Hạnh (SN 1985, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) trong những năm tháng lập nghiệp ở Sài Gòn vẫn luôn nhớ tuổi thơ ra bờ suối tìm vỏ ốc, hòn sỏi làm quà tặng bạn. Khi nỗi nhớ dày lên, chị quyết định trở về Đà Nẵng lập nghiệp với dòng tranh sỏi, ốc. Những viên sỏi láng mịn mang nhiều hình thù khác nhau được chị mang về rửa sạch, phơi khô để chế tác tranh thủ công. Ban đầu là dòng tranh cô gái tóc xù, với phần tóc được đính bằng hàng trăm viên sỏi, ốc màu sắc rực rỡ. Công việc này được chị thực hiện bằng tất cả niềm yêu thích và khả năng sáng tạo của người họa sĩ. Chừng hai năm nay, trong xưởng tranh nhỏ ở quận Liên Chiểu, chị đã sáng tạo hơn 200 bức tranh sỏi, ốc cùng sự sắp đặt ngẫu nhiên, độc nhất. Mỗi tác phẩm đều đạt đến độ tinh xảo, đẹp mắt, thấp thoáng dáng hình ngọn núi, biển xanh, con vật, hoa lá… với mong muốn tạo nên dòng sản phẩm quà tặng, lưu niệm độc đáo.

Mỗi sản phẩm thủ công ra đời mang đến niềm tươi mới không gì sánh được cho người tạo ra chúng. Bởi, trong không gian sáng tạo đó, tình yêu nghề được chưng cất bằng sự cẩn trọng, tỉ mỉ, nhẫn nại và thôi thúc vượt qua chính mình. Nhiều người nói rằng, khi bản thân làm tốt mẫu này rồi, tự dưng họ muốn tiếp tục sáng tạo nên những mẫu khác độc, lạ hơn. Và vì đam mê, ít ai chọn cách bỏ cuộc hay dừng lại giữa chừng.

TIỂU YẾN

;
;
.
.
.
.
.