Một số người bảo nghĩa địa Pháp - Tây Ban Nha ở mũi Mỏ Diều, Sơn Trà luôn cô quạnh, hiu hắt bởi đây là nơi nằm lại của những người lính từ châu Âu đến xâm lược nước ta. Thế nhưng cái nghĩa địa của bao vong hồn xa xứ này không hề đơn côi, hoang phế như lời đồn đại bởi những tấm lòng bao dung của một số người địa phương. Khói hương thơm lừng từ các nấm mộ theo làn gió đông lảng bảng cùng mây trời càng làm cho không gian nơi đây thêm ấm áp.
Ngôi nhà nguyện tại đồi Mả Tây. Ảnh: T.M |
Tôi theo đường Yết Kiêu để về phía cảng Tiên Sa rồi leo lên quả đồi thâm thấp ở ven con đường này nằm dưới chân dãy núi Sơn Trà để vào thăm một nghĩa địa cổ khá đặc biệt. Đến nơi đã thấy ông Trần Văn Thiện, 81 tuổi, ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cầm nắm hương tỏa khói lom khom cắm từng phần mộ. Ông bảo, họ tuy là những người mang súng đạn đến bắn phá, xâm chiếm nước mình nhưng họ đã nằm lại ở đây thì cũng nên đối xử tử tế với họ. Nghĩa tử là nghĩa tận mà. Chính vì vậy nên ông thường xuyên tới đây hương khói cho họ. Vừa dựng sửa tấm bảng “nơi tâm linh, không được xả rác” đặt ngay lối đi vào, ông Thiện vừa cho tôi biết một số người nữa cũng hay tới cầu nguyện cho vong linh của những người lính xấu số được siêu thoát để quay về với cố hương…
Theo lịch sử, những nấm mộ này là chứng nhân về sự kiện đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta. Đó là chiều ngày 31-8-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha điều 14 chiến hạm và hơn 2.350 quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của đô đốc Rigaultde Genouilly cùng nhiều loại vũ khí hiện đại, tối tân đến neo đậu tại vịnh Đà Nẵng.
Sáng ngày 1-9, đô đốc liên quân gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Trần Hoàng (triều nhà Nguyễn), đóng dinh thự tại Đà Nẵng, buộc phải đầu hàng vô điều kiện và chỉ được phép phúc đáp trong vòng 2 giờ. Yêu cầu này không được đáp ứng, thế là những nòng pháo hạng nặng từ các chiến hạm ngoài biển thi nhau nã vào các làng cá Nại Hiên, Nam Thọ, An Hải, An Đồn ở phía đông và phố xá bên bờ tây sông Hàn. Phố phường, xóm, thôn ngập trong lửa đạn của giặc thù. Sau những đợt phi pháo dọn đường nhằm làm tê liệt sức kháng cự của quân, dân Đà Nẵng, liên quân Pháp - Tây Ban Nha liền đổ bộ lên bờ, đánh chiếm thành An Hải rồi nhanh chóng khống chế toàn bộ địa bàn bán đảo Sơn Trà.
Sáng ngày 2-9, chúng tràn qua phía tây, tấn công vào thành Điện Hải, thu giữ 450 khẩu đại bác rồi nhanh chóng rút về lại Sơn Trà tiếp tục đánh chiếm Mỹ Thị, Cẩm Lệ. Biết thành Điện Hải bị thất thủ, vua Tự Đức triệu hồi ngay tướng Nguyễn Tri Phương đang làm Kinh lược sứ ở Nam Kỳ và Tổng đốc tỉnh Định Tường - Biên Hòa Phạm Thế Hiển ra Đà Nẵng. Nguyễn Tri Phương được giao làm Quân thứ tổng thống đại thần Đà Nẵng, Quảng Nam; Phạm Thế Hiển làm Tham tán đại thần quân sứ, Phó tướng cho Nguyễn Tri Phương.
Cả hai vị tướng đều tập trung chỉ huy lực lượng đánh trả hàng chục đợt tấn công của địch. Vừa chặn đánh để bảo vệ trung tâm Đà Nẵng, Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển vừa huy động nguồn lực để đắp thành lũy phòng tuyến, tạo ra một hệ thống đồn bốt phòng ngự dọc bờ tây sông Hàn dài hơn 3km khá vững chắc nên liên quân địch không thể tấn công mở rộng được địa bàn. Biết không thể nào chiếm trọn vẹn được Đà Nẵng, chúng để lại ít quân, vài chiến hạm cố giữ bán đảo Sơn Trà rồi kéo quân vào đánh chiếm thành Gia Định…
Những binh lính của liên quân Pháp - Tây Ban Nha tử chiến trong các trận đánh được chôn cất sơ sài tại nhiều vị trí xung quanh núi Sơn Trà. Đến đầu năm 1898, Đà Nẵng trở thành nhượng của Pháp thì Toàn quyền Đông dương Paul Doumer cho quy tập các hài cốt binh lính liên quân được mai táng rải rác về an táng tại quả đồi có tên mũi Mỏ Diều bên con đường tới cảng nước sâu. Có người cho rằng, khi tiến hành xây dựng nghĩa địa, người Pháp đã chôn cất tập thể hàng ngàn binh lính liên quân trong các hòm kẽm ở chính giữa quả đồi rồi xây ngôi nhà nguyện ở bên trên ngôi mộ tập thể. Xung quanh khu vực nhà nguyện còn cải táng 34 ngôi mộ sĩ quan với các cấp bậc khác nhau, trong đó có 14 ngôi mộ lớn, có bia cao và 18 ngôi mộ nhỏ, không dựng bia.
Tấm bia lưu niệm các binh sĩ liên quân Pháp-Tây Ban Nha chết từ năm 1858 đến 1860 được an táng tại Sơn Trà. |
Ngày nay nhiều người trong và ngoài nước thường ghé thăm nghĩa địa. Hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt mọi người khi đến đây là bức bình phong, tường rào và ngôi nhà nguyện với cây thánh giá cao 2 mét cùng dòng chữ được địch là: “Ôi kính chào thánh giá là hy vọng duy nhất của chúng tôi”. Bên dưới ghi tiếp dòng chữ “đồi hài cốt”.
Nhà rộng 3 mét, dài 12 mét, cao 3,5 mét, bên trong chỉ đặt một bàn thờ theo nghi thức công giáo, trang trí tấm phù điêu kiểu Tây Ban Nha. Bức tường bên trái nhà nguyện gắn tấm bia đá với các dòng chữ Pháp, có nghĩa là: “Để tưởng niệm những chiến binh Pháp và Tây Ban Nha chết những năm 1858, 1859, 1860 được an táng ở đây”. Tấm bia đá bên phải ghi nội dung về những người lính binh đoàn hải quân Pháp xây dựng nghĩa địa năm 1898. Tấm bia này còn khắc tên những người dựng bia là Toàn quyền Đông dương Pháp Paul Doumer, đại tướng BiChol, thị trưởng Hauser và tuyên úy Lanrent.
Nghĩa địa của những người lính xa xứ nằm giữa một bên là biển cả mênh mông, một bên là rừng núi âm u, quạnh quẽ, xa khu dân cư nhưng không hề vắng vẻ bởi đêm ngày rầm rập xe cộ ra, vào cảng Đà Nẵng. Thỉnh thoảng lại có các đoàn khách nước ngoài, phần nhiều mang quốc tịch Pháp, Tây Ban Nha tới ghé viếng mộ.
Ngôi nhà nguyện và các nấm mộ cổ tuy lâu đời nhưng không hề rêu phong, cũ kỹ bởi do một số người dân địa phương chăm sóc tận tâm, mỗi khi dây dại bao phủ lại được phát, dọn sạch sẽ, hương khói luôn nghi ngút. Hằng năm, vào dịp 25 tháng Chạp, người dân ở gần khu nghĩa địa sắm sửa lễ vật mang tới đây dâng cúng các linh hồn cô đơn, phiêu bạt. Có lẽ các vong linh dưới những nấm mộ ấy sẽ ấm áp hơn khi thấy sự khoan dung, độ lượng luôn là truyền thống tốt đẹp có từ ngàn xưa của người Đà Nẵng.
THÁI MỸ