TẾT SẺ CHIA

Ấm nồng vị Tết quê hương

.

Tự tay gói bánh chưng, làm mứt, sắp mâm ngũ quả, trang trí cây đào, cây mai là những trải nghiệm nhiều ý nghĩa của du học sinh Lào khi ăn Tết tại Việt Nam. Văn hóa khác nhau nhưng ngày Tết cổ truyền đã mang đến không khí gần gũi, giúp các du học sinh vơi bớt nỗi nhớ quê nhà.

Du học sinh Lào học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tham gia gói bánh chưng đón Tết do trường tổ chức. Ảnh: T.V
Du học sinh Lào học tại Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tham gia gói bánh chưng đón Tết do trường tổ chức. Ảnh: T.V

Nối nhịp cầu yêu thương

Đều đặn mỗi sáng cuối tuần, bà Vũ Thị Xuân Hương, hội viên Hội Phụ nữ phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) lại đi chợ sớm để mua những món ăn mà hai con gái người Lào yêu thích. Bà Hương kể, trong tim bà luôn dành tình yêu đặc biệt cho nước Lào, bà có kỷ niệm khó quên khi được một người bạn Lào giúp đỡ khi đi du lịch. Theo bà, người Lào sống hiền lành và thiên về điều thiện. Từ đó, bà luôn sẵn sàng nhận nuôi sinh viên người Lào. Đến nay, bà có hai con gái người Lào đã hoàn thành xong việc học và trở về nước làm việc, các con thường xuyên liên lạc hỏi thăm mẹ, giúp bà như có thêm một gia đình khác ở nước bạn xa xôi.

“Khi nhận làm mẹ đỡ đầu, tôi biết sẽ nảy sinh nhiều vấn đề như bận rộn hơn, nhà có thêm cái bát, đôi đũa... cũng không hề đơn giản. Nhưng tôi nghĩ mình không mất gì mà ngược lại, các con mang đến cho tôi nhiều niềm vui không đong đếm được. Tôi và gia đình hạnh phúc khi đồng hành, lắng nghe các con chia sẻ về những khó khăn đang đối mặt, quan sát nhịp sống sôi động của các con, kể cho nhau nghe về văn hóa, món ăn hay lễ nghi của 2 nước”, bà Hương bồi hồi nói.

Em Khambounheuang (sinh viên năm 2, Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) kể, may mắn khi gặp mẹ Hương bởi mẹ luôn quan tâm, động viên, giúp em dần làm quen với cuộc sống mới. “Ở lại ăn Tết Việt là điều ý nghĩa và đọng lại trong em nhiều cảm xúc. Em xúc động trước tình cảm của mọi người dành cho mình. Ăn Tết Việt, em được mẹ nuôi và nhà trường quan tâm, hỗ trợ khiến em cũng như nhiều bạn Lào khác cảm thấy ấm lòng. Những tình cảm này có lẽ sẽ đi theo em và các bạn đến suốt cuộc đời. Em xem Việt Nam là quê hương thứ 2, giúp em nhận ra tình thương giữa những người xa lạ là có thật... Chắc hẳn sau khi trở về nước, em sẽ nhớ Việt Nam rất nhiều”, Khambounheuang tâm sự.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Liên Chiểu cho hay, chương trình “Người mẹ thứ 2” được triển khai từ năm 2011 đến nay. Qua đó, các hội viên phụ nữ nhận đỡ đầu cho các em sinh viên Lào đến thành phố Đà Nẵng học tập. Chương trình gắn kết các du học sinh Lào với các gia đình Việt, trở thành cầu nối lan tỏa thông điệp tích cực và quảng bá văn hóa Việt Nam đến với nước bạn. Đây còn là cơ hội để du học sinh Lào học hiểu tiếng Việt, văn hóa truyền thống, hơn hết là học cách sẻ chia yêu thương từ những người không phải máu mủ, ruột rà.

Ăn Tết Việt nhớ Tết nhà

Lần thứ hai ở lại ăn Tết Việt, em Aon Chaisakon (sinh viên năm 2, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng) vẫn háo hức như lần đầu tiên. Aon Chaisakon cảm nhận Tết Việt Nam rất đặc biệt và có nhiều đặc điểm giống Tết Lào Bunpimay (lễ hội té nước), đó là sự tương đồng về thời khắc thiêng liêng của mỗi gia đình và cũng là dịp người thân ở xa trở về đoàn tụ, sum họp.

Đặc trưng của Tết Lào, mọi người té nước cầu nguyện bình an và buộc chỉ vào cổ tay để mong những điều may mắn trong năm mới. Còn ở Việt Nam, ngày Tết mọi người thường đi thăm hỏi, chúc Tết, tảo mộ, đi chùa… Thông qua nét đẹp văn hóa truyền thống, Aon Chaisakon hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Điều khiến Aon Chaisakon ấn tượng nhất là việc gói bánh chưng trong lần ăn Tết năm trước, nhìn sắc xanh của lá, sắc vàng của đỗ lại khiến em rạo rực và sống lại miền ký ức vui vẻ.

“Tết Việt Nam rất vui và nhộn nhịp, mọi người thường hướng về giá trị truyền thống. Đây còn là dịp để nghỉ ngơi sau một năm bận rộn. Dù ở bất cứ đâu, người dân Việt đều mong chờ trở về sum họp gia đình trong những ngày Tết. Em thích nhất khoảnh khắc đón Giao thừa, thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới, được ba mẹ mừng tuổi và mọi người trong gia đình chúc nhau điều an lành, sau đó cả nhà ngồi bên nhau trò chuyện về những mong ước cho năm mới. Đón Tết Việt khiến em nhớ da diết những kỷ niệm khi được ăn Tết cổ truyền tại quê nhà nhưng khi qua Việt Nam học tập thì em muốn được trải nghiệm những cảm giác khác để làm giàu vốn sống”, Aon Chaisakon bộc bạch.

Khác với Aon Chaisakon, em Chamsamone (sinh viên năm nhất, Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng) lần đầu tiên quyết định ở lại ăn Tết Việt. Chamsamone kể, khi qua Việt Nam sinh sống và học tập, em đã xem Việt Nam như là quê hương thứ hai.

“Đây là năm đầu tiên em học tại Việt Nam, em khá mong chờ không khí đón Tết Việt. Qua tìm hiểu từ thầy cô và các bạn, em thấy ẩm thực Tết cổ truyền Việt Nam khác với Tết Bunpimay của Lào. Những món ăn ngày Tết của Lào là canh măng, nộm đu đủ và không có bánh chưng, còn ở Việt Nam mọi người sẽ ăn những món ăn truyền thống như: bánh tét, bánh chưng, gà luộc, dưa hành, củ kiệu… Quan trọng hơn, ở lại ăn Tết Việt sẽ là cơ hội để em hiểu sâu hơn về phong tục tập quán và nét truyền thống ăn Tết của người Việt. Chắc chắn khi về Lào, em sẽ có nhiều câu chuyện kể lại cho ba mẹ và bạn bè về lần đón Tết ý nghĩa này”, em Chamsamone bày tỏ.

Thạc sĩ Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, cho biết tổng số lưu học sinh Lào đang học tập tại trường là 162 bạn. Để giúp sinh viên Lào cũng như sinh viên Việt Nam ở lại trường ăn Tết. Những năm qua, trường tổ chức các buổi gặp mặt, trao quà Tết và nhiều hoạt động đón Tết Việt như: gói bánh chưng; chúc Tết và lì xì; tặng quà và kèm theo các trò chơi theo phong tục truyền thống. Qua đó, mong muốn các em có một cái Tết đầm ấm như đang ở quê nhà. Việc ở lại ăn Tết cổ truyền sẽ giúp các em có thể hiểu hơn về văn hóa Việt, con người Việt và quảng bá hình ảnh đất nước, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế và thắt chặt tình hữu nghị Việt - Lào.

“Dịp Tết sẽ giúp các em có cơ hội giao lưu văn hóa, bởi khi đến đây học tập thì các em cũng cần phải am hiểu về văn hóa cổ truyền. Việc hiểu sâu về truyền thống sẽ giúp các em tiếp cận tốt hơn, chủ động và trân trọng những giá trị văn hóa của người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng”, Thạc sĩ Nguyễn Vinh San khẳng định.

HUỲNH TƯỜNG VY

;
;
.
.
.
.
.