Vạn Lộc tên thật Võ Thị Hội, quê quán làng Đông Yên, Duy Xuyên, Quảng Nam. Thơ luôn gắn với đời chị, giữa trần ai, cùng cười khóc với phận đàn bà miền Trung qua hai thế kỷ, một nửa của gia phong cố cựu và một nửa của thời bình đẳng, tự do...
Ở tuổi Cõi chiều đã thấy mông mênh nhưng mối duyên tình với thơ ca của Vạn Lộc vẫn còn nồng đượm. Trò chuyện với người xa khuất, chị tự bạch: Mình em chiếc lá trên cành đang thu (Nụ hương xưa) - một liên tưởng thu đời người và thơ qua chiếc lá một mình ửng lên sắc màu giữa mùa màng nổi gió. Vạn Lộc tự giới thiệu: Thơ tôi vá víu thiếu thừa/ Nhặt bao nhiêu chữ nắng mưa đời mình/ Thấm từ tiếng đất lặng thinh/ Đêm âm thầm nở những bình minh hoa (Một đời thơ), Vắt hồn còn mấy giọt thơ/ Xin đem rót cạn bến bờ trần ai (Sen hồng một đóa ngây thơ ta cười).
Khi Mây trắng tuổi mình, cảm hứng chủ đạo của cái tôi Vạn Lộc vẫn thấm thía ân tình, không thiếu đam mê và dự cảm mơ hồ. Chiếc áo lục bát quen thuộc vẫn tung bay vần điệu quen thuộc nhưng Lá trên cành đang thu có một biến động: độ chín của cảm xúc gọi theo những câu thơ tự nhiên, thảng thốt. Quê mẹ, quê chồng không chỉ là thương nhớ mà sâu hơn là trở về một bản quán: Trên tay vạt nhớ lỡ cầm (Nông Sơn), Xin về tạ ơn cây chổi (Về Duy Xuyên, anh!), Xa quê thành kẻ mồ côi quê nhà (Nổi trôi rồi cũng một đời)…
Thơ chị là cuộc hồi hương trong mơ tỉnh không cắt nghĩa: Cha tôi - cánh chim tự do/ Muôn phương lưu dấu đắm đò phương xa (…), Làm dâu xa xứ dặm trường/ Quê chồng cách một thôi đường trong tim (Ơn quê)… Cảnh vật từ trong tâm tưởng thốt ra: Rặng tre khóm trúc đìu hiu/ U trầm nuôi lớn rất nhiều giấc mơ (…)/ Mái cong theo với nắng mưa/ Thềm rêu sân gạch gió thưa thớt chiều (Chùa xưa). Tiếng kêu tự đó cất lên: Mà đất thấp mà trời cao/ Vẫn lam lũ vẫn cồn cào đói no (Quê ơi!); Qua sông từng vạt nắng gầy/ Còn nguyên nỗi nhớ trên tay tôi cầm (Thức với sông quê). Về quê không chỉ thăm quê, cuộc hành hương của tác giả mới là câu chuyện bí ẩn khi Thăm lại ngày xưa để Thăm tôi những ngày xưa xa...
Trong hương của quê, quê của hương, Vạn Lộc viết ra những câu dung dị, lay động: …Cánh đồng nở bất tận hoa/ Buổi trưa nghe bụi tre ngà hát ru/ Đâu đây bóng mẹ hiền từ/ Chợ xa gánh gánh thiên thu mẹ về (Bóng quê); …Mẹ cha giờ đã mênh mông/ Đã mây đã nước đã không không rồi/ Tôi về thăm gió lưng đồi/ Mới hay gió cũng mồ côi như mình (Quê hương và dòng sông).
Ân tình trong thơ Vạn Lộc đằm thắm, sâu nặng với những triết lý nhẹ nhàng: Thôi em mặc gió sông hồ/ Cõi người người ở sóng xô phía người (Vàng bông điên điển rụng về quê thôi). Sau biến động và mất mát đi qua, Vạn Lộc còn có một nỗi niềm khác cần giãi bày. Đến tập thơ này, ở Vạn Lộc đã gắn kết sự thật và cảm xúc nên nỗi đau khác hơn, sâu hơn và không giẫm lại lối cũ. Trở về với trống vắng, người đàn bà ấy trong không - thời - gian của Thầm thì đêm, cái tôi hiện ra cô đơn, chông chênh. Thơ hay trước hết phải là một sự thật, một sự thật hóa thành lời, thành cách nói: Thầm thì tôi với lặng thinh/ Làm sao viết một chữ tình không đau/ Ngắm hình anh để đỡ vênh/ Đâu hay kê mãi vẫn kênh góc đời...
Vạn Lộc có những lúc muốn viết những câu thơ Gạn hư không thấy hư không đã kề. Nhưng giăng mắc vào lòng bạn đọc không phải là ngôn từ mất hút trong “sắc sắc không không” mà chính là những vần thơ gắn với đời chị, với trần ai, với cười khóc của phận đàn bà miền Trung qua hai thế kỷ, một nửa của gia phong cố cựu và một nửa của thời bình đẳng, tự do. Để từ đó, thơ có những giây phút bừng tỉnh, ngang nhiên, trong trẻo. Ấy là nụ cười hồn nhiên qua đắng cay chợt biết rằng chia tay là chuyện hằng thường: Một ngày xin tạ đất quê/ Bước xuống bến là cận kề từ ly… Đẹp hơn nữa là ý thức sống, là niềm hạnh phúc mà trời cao đất rộng đã bao dung ban tặng: Các con đã làm ngôi nhà mới cho bồ câu/ Hôm nay được ngày nắng/ Tôi vãi nỗi buồn ra sân/ Bón thêm niềm xanh vào cỏ (Ngôi nhà bồ câu)…
Sau hết là, Vạn Lộc đã nhận ra không gì ngoài con người, không ai ngoài biến động, không đâu là nơi an trú đẹp hơn trong từng khoảnh khắc sáng tạo của thi ca: Bông hoa kể về hương sắc/ Trắng xanh hồng đỏ tím vàng/ Tỏa hương chân trời góc bể/ Núi cao đồng rộng đồi hoang/ Có lời chỉ tim mới biết/ Yêu thương thơm cõi con người (Vô ngôn)...
NGUYỄN MINH HÙNG