Về bên chân sóng

.

Trước tác động quá lớn của đại dịch, những người làm du lịch nhận ra giá trị của việc dựa vào tự nhiên để tạo nên tài nguyên du lịch đặc trưng cho điểm đến. Xu hướng quay về ấy phảng phất tinh thần của Bùi Giáng bày biện trong "Áo xanh": "Biển dâu sực tỉnh giang hà/ Còn sơ nguyên mộng sau tà áo xanh"...

Homestay của Võ Rôn tại xã biển Tam Tiến (Núi Thành, Quảng Nam) đã và đang tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Ảnh: H.N
Homestay của Võ Rôn tại xã biển Tam Tiến (Núi Thành, Quảng Nam) đã và đang tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách. Ảnh: H.N

Người trẻ ở làng biển

Sau những bôn ba của nghề, Võ Hồng Rôn (SN 1992, thôn Hà Lộc, xã Tam Tiến, Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) rời biển lên bờ, bắt đầu câu chuyện đầy mới mẻ của mình ở làng: làm du lịch.
Chợ cá Tam Tiến, từ lâu đã trở thành một điểm đến lý thú của du khách, song, câu chuyện khai thác giá trị du lịch vẫn còn khá mơ hồ. Du khách tìm đến và rời đi sau một vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi tham quan chợ cá. Họ chưa tìm thấy sản phẩm du lịch gì đặc biệt để trải nghiệm.

Rôn nhìn thấy những cơ hội trong câu chuyện mơ hồ ấy. Và, vượt qua những nghi ngờ ban đầu của người làng, anh bắt tay vào thực hiện ước mơ của mình khi chưa ai thực hiện: mở một homestay phục vụ cho khách du lịch. Bước đầu tiên, là... bán tàu cá, lên bờ, thành lập Công ty TNHH Tam Tiến Travel và hiện thực hóa ước mơ bằng những miệt mài rất… ngư dân.

Từ một căn nhà gỗ của người quen, anh đầu tư cải tạo làm homestay, trồng cây, trang trí bằng chính bàn tay và gu thẩm mỹ hồn hậu rất ngư dân của mình. Phía trước homestay, anh dọn dẹp bãi biển, có khi một mình, có khi có sự giúp sức của vài bạn trẻ. Cứ lặng lẽ ngày này qua ngày khác, Rôn trả lại vẻ ban sơ cho biển quê nhà. Từ những du khách ban đầu đặt chân đến homestay, những phản hồi tích cực kéo thêm người tìm đến, là cách để xóa đi hoài nghi trong lòng bà con làng biển, người thân của Rôn khi viết ước mơ cho riêng mình.

Khách đến đông, tour trải nghiệm kín lịch đặt chỗ, anh bắt đầu mở rộng quy mô, tìm kiếm thêm người đồng hành góp sức. Bây giờ, mỗi đêm, một góc làng biển sáng bừng ánh điện. Có chỗ lưu trú, du khách thêm thời gian để trải nghiệm những nét văn hóa của làng biển: thăm chợ cá, cùng ngư dân trải nghiệm đánh bắt hải sản, khám phá vẻ đẹp của biển quê. Không dừng lại ở cái cũ, Rôn mang về một sản phẩm mới cho du khách trải nghiệm: tour chèo SUP trên biển, lần đầu tiên hiện diện ở miền biển này.

Anh Nguyễn Hà, du khách đến từ tỉnh Kon Tum tỏ ra khá hào hứng với tour khám phá làng biển Tam Tiến khi đến homestay của Võ Rôn. “Tôi đi khắp nhiều nơi, và cũng mở một homestay ở Măng Đen nên khá hiểu về những giá trị quý giá của thiên nhiên, môi sinh và văn hóa ở mỗi vùng. Rôn đã đánh thức được tiềm năng rất quý của vùng đất này, và cái cách anh tạo ra sản phẩm, đón, hướng dẫn du khách trải nghiệm là hướng đi rất đúng, tạo được sự khác biệt để thu hút. Cái đáng quý nữa, là Võ Rôn dễ dàng tạo niềm tin từ ứng xử với biển, với cộng đồng và du khách bằng chính tình yêu, sự hồn hậu và nhiệt huyết của một người trẻ ở làng biển”, anh Hà chia sẻ.

Mảnh đất gieo ký ức

Giữa những khốc liệt điêu đứng sau đại dịch, khi du lịch đang chập chững phục hồi, người trẻ biết họ phải sáng tạo, thích nghi mạnh mẽ hơn để tự làm sống dậy cơ hội cho chính mình. Võ Nguyên Tùng, Giám đốc HTX Làng nghề Cửa Khe (xã Bình Dương, Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) ý thức rõ điều đó ngay từ khi bắt đầu hình thành HTX. Và, cũng như Võ Rôn, Tùng miệt mài mỗi ngày, cùng các thành viên tạo sức hấp dẫn cho chính ngôi làng của mình. Bằng niềm tự hào những giá trị đặc trưng làng biển nơi mình lớn lên, bằng vẻ đẹp của ký ức mình đã có, anh muốn biến nó thành tài nguyên để hút khách.

“Nền tảng ban đầu là cảnh quan. Nhưng nếu chỉ dựa vào cảnh quan thì rõ ràng khắp dải đất miền Trung này, có nhiều nơi còn đẹp hơn, còn hấp dẫn hơn làng mình. Phải làm gì đó khác biệt, phải có sản phẩm du lịch riêng biệt để khách trải nghiệm. Suy nghĩ này buộc chúng tôi tìm kiếm và làm mới những điều đã cũ. Làm sống lại ký ức cũng là một giải pháp”, Võ Nguyên Tùng nói.

Từ các quyết định đó, những thay đổi lặng lẽ đến: các thành viên HTX làm đẹp bãi biển, đường làng, trang trí cho những hộ dân làng còn theo nghề làm mắm cổ truyền làm điểm đến cho du khách tham quan. Vun vén từng góc nhỏ, từng hàng cây, biển đêm lấp lánh hơn với hàng quán của người làng phục vụ du lịch, sẵn sàng tiếp đón và phục vụ theo đúng “gu”, đúng vị của người làng biển.

Từng ngày, Cửa Khe trở thành một cái tên mới trên bản đồ du lịch. Khi du lịch biển tạm thời thưa vắng khách trong mùa đông giá, HTX của Võ Nguyên Tùng và các cộng sự lặng lẽ chăm chút, tạo sự kiện mới để hút khách. Đầu tuần qua, “Ngày hội văn hóa, du lịch biển Cửa Khe" năm 2022 khai mạc, như một minh chứng cụ thể cho nỗ lực này. Nhiều sự kiện như giao lưu âm nhạc, ẩm thực biển Cửa Khe, hội thảo “Giải pháp phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng tại Làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe” cùng với việc trưng bày các sản phẩm OCOP, làng nghề truyền thống mời gọi được nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm. Làng biển, cũng ít nhiều tạo được ấn tượng tốt đẹp đối với đoàn Famtrip đang khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn. Nhiều người rời đi, với lời hẹn sẽ trở lại khi đã kịp giữ cho mình một ký ức tươi mới, từ làng biển Cửa Khe này...

Chính đời sống mộc mạc của người dân làng biển và những ban sơ trong cảnh quan, không gian sinh sống của cộng đồng đã tự thân là một giá trị bền vững cho du lịch. Đó cũng là thứ sinh khí mới mẻ, tạo dư địa để gieo kỳ vọng cho du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm. Những việc làm nhỏ đang tạo nên nhiều thay đổi lớn, để làng biển bừng thức trong giấc mơ của chính mình, để ngư dân sống một đời sống khác.

Đã thôi lặng vắng ở những làng biển, khi giá trị của những nguyên sơ về văn hóa, đời sống và cả vẻ đẹp của bãi biển đã và đang được đánh thức. Bằng những khát vọng rất trẻ, bằng ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường lẫn nhiều giá trị văn hóa của làng, phía biển đang có nhiều những lời gọi mời về phía bên chân sóng, từ du lịch.

HẠ NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.