CROATIA SỬ DỤNG ĐỒNG EURO

Giá cả gia tăng hay hứa hẹn nhiều lợi ích?

.

Giá cả được cho là đang gia tăng ở Croatia ngay khi nước này trở thành thành viên thứ 20 của khối các nước sử dụng đồng euro (eurozone) và khu vực đi lại tự do Schengen từ ngày 1-1-2023.

Croatia giờ đây thay thế đồng nội tệ kuna bằng đồng euro. Với tỷ giá hối đoái ở mức 7,53 kuna đổi 1 euro, người dân Croatia tranh cãi về giá hàng hóa đang gia tăng.

Các tờ tiền euro tại Ngân hàng Trung ương Croatia. Ảnh: THX
Các tờ tiền euro tại Ngân hàng Trung ương Croatia. Ảnh: THX

Bất đồng giữa chính phủ và doanh nghiệp

Thông thường trên các đường phố thủ đô Zagreb của Croatia, ngay cả trong những tháng mùa đông, bạn cũng dễ dàng thấy những quán cà phê vỉa hè có đông khách là người dân địa phương. Thế nhưng, vào đầu năm nay, một số người nhận thấy thức uống mà họ yêu thích đã có sự thay đổi.

Từ ngày 1-1-2023, khi trở thành thành viên của eurozone, Croatia thay thế đồng nội tệ kuna bằng đồng euro. Nhiều người Croatia tin rằng các quán cà phê, các nhà bán lẻ và nhà cung cấp dịch vụ đang lợi dụng sự thay đổi này để tăng giá sản phẩm. “Thoạt trông có vẻ rẻ hơn nhưng thực ra rất đắt. Chúng tôi vừa trả 6 euro cho hai ly cà phê và một ly coca. Tôi cảm thấy sốc”, chị Vina - cư dân Croatia bày tỏ.

Chị Zivana - một người dân địa phương khác - có suy nghĩ tương tự. “Tất cả đợt tăng giá này bắt đầu vào tháng 6-2022. Giờ đây còn tồi tệ hơn. Chúng tôi không hài lòng với chính phủ và cách mà họ xử lý tình huống”, chị Zivana nói.

Những tranh cãi về giá cả gia tăng khiến chính phủ Croatia phải can thiệp. Chính phủ triệu tập các nhà bán lẻ và cảnh báo sẽ không dung thứ cho hành vi tăng giá vô cớ. Chính phủ yêu cầu các nhà bán lẻ không tăng giá cao hơn mức giá vào ngày 31-12-2022. Song, các doanh nghiệp bày tỏ phẫn nộ về việc chính phủ bôi nhọ danh tiếng của họ. Hiệp hội thương nhân bác bỏ cáo buộc, nói rằng các thành viên của hiệp hội không tăng giá để kiếm lợi nhuận mà là do chi phí nguyên liệu thô và năng lượng tăng cao.

Với mức lạm phát hằng năm được ghi nhận 10,8%, Croatia là một trong những nước có tỷ lệ lạm phát cao nhất trong số 27 thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào năm ngoái. Ông Martin Evacic làm việc trong Hiệp hội Người sử dụng lao động Croatia nhận định giá cả chỉ tăng đối với một số ít sản phẩm, thực chất giá đã tăng từ 15-20% trong năm 2022, chứ không tăng trong giai đoạn chuyển đổi này. Ông Evacic không cho rằng đây là cuộc chiến giữa chính phủ và thương nhân. “Đây là áp lực của chính phủ và cần phải làm gì đó để ngăn chặn lạm phát”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Igor Vujovic - Chủ tịch Hiệp hội Người tiêu dùng Croatia - khẳng định người tiêu dùng đang phải đối mặt với giá tăng từ 5-20% mỗi ngày, tùy vào sản phẩm.

Một số người cảm thấy cuộc tranh cãi về giá cà phê ở Croatia là vô nghĩa. Anh Luka - nhân viên pha chế làm việc trong một quán bar trên Quảng trường thủ đô Zagreb - bày tỏ hoài nghi mọi người đang phản ứng thái quá. “Chúng tôi đã hiển thị giá tính theo euro trước khi có sự chuyển đổi. Họ nói hiện chúng tôi bán quá đắt, nhưng giá vẫn giữ nguyên như trước dịp năm mới”, anh Luka nói.

Chuẩn bị kỹ cho việc sử dụng đồng tiền chung

Để chuẩn bị cho sự kiện Croatia gia nhập eurozone, từ tháng 9-2022, giá tại các cửa hàng được hiển thị bằng cả hai loại tiền tệ kuna và euro, đồng thời duy trì hình thức này đến cuối năm 2023. Đến ngày 14-1-2023, toàn bộ ATM ở Croatia chỉ “nhả” tiền euro. Người dân còn tiền kuna có thể đổi euro tại bất kỳ bưu điện nào của Croatia đến ngày 30-6 và tại bất kỳ ngân hàng Croatia nào đến cuối năm 2023.

Những ồn ào về việc tăng giá khiến người dân Croatia dễ dàng quên lý do tại sao quốc gia Đông Nam châu Âu có dân số 4,3 triệu người chọn tham gia eurozone. Thực tế, Croatia đã cam kết trở thành thành viên của khối chỉ sử dụng một loại tiền tệ như một điều kiện để gia nhập EU vào năm 2013.

Trong khi đó, các quốc gia thành viên khác chỉ ra rằng cam kết là một chuyện, nhưng thực sự áp dụng đồng euro là một vấn đề hoàn toàn khác. Hungary - nước láng giềng của Croatia - ban đầu muốn loại bỏ đồng forint vào năm 2007. Song, 16 năm sau, quốc gia này vẫn nằm ngoài eurozone. Ba Lan, Romania, Thụy Điển và Cộng hòa Czech về mặt lý thuyết đều có nghĩa vụ chấp nhận đồng euro, nhưng không nước nào có kế hoạch thực hiện. Chỉ Bulgaria dường như dự kiến tham gia eurozone vào năm 2024.

Thực tế đó khiến quyết tâm của Croatia trong việc đáp ứng các tiêu chí sử dụng đồng euro dường như càng ấn tượng hơn, phản ánh sự ổn định của nhiều yếu tố như: tỷ lệ lạm phát, thâm hụt ngân sách chính phủ, tỷ lệ nợ trên GDP quốc gia và lãi suất dài hạn. Theo Thống đốc Ngân hàng quốc gia Croatia Boris Vujcic, chính phủ, doanh nghiệp và người dân đã chuẩn bị rất tốt cho việc sử dụng đồng tiền chung. Vị quan chức này tin rằng, việc sử dụng đồng tiền chung không gây tăng giá, mà giúp Croatia thoát khỏi tình trạng lạm phát tồi tệ nhất mà các nước bên ngoài eurozone phải đối mặt hồi năm ngoái. “Croatia là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ việc gia nhập eurozone vì điều này sẽ loại bỏ rủi ro ngoại hối”, ông Boris Vujcic nhấn mạnh.

KHÁNH LINH (theo BBC News, Reuters)

;
;
.
.
.
.
.